Về làng khoa bảng 'Kẻ Cót'
Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy được hình thành từ 2 làng cổ Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết, có tên chung nôm là 'Kẻ Cót' là một trong 'Tứ danh hương' của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Theo sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919”, dưới thời các triều đại Nhà nước phong kiến Việt Nam, từ năm 1393 - 1798 làng Hạ Yên Quyết có 10 người đỗ đại khoa và làng Thượng Yên Quyết có 9 người đỗ đại khoa. Ngoài ra, vào thời Lê, 2 làng cổ Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết còn có 42 người đỗ Hương cống. Các danh nhân khoa bảng đều là những người có đức, có tài, đem hết tài năng, trí, đức, phụng sự xây dựng đất nước, đồng thời góp phần tạo dựng lên truyền thống lịch sử - văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, mặc dù có những thời kỳ cuộc sống của Nhân dân 2 làng Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết gặp nhiều khó khăn nhưng truyền thống khoa bảng vẫn được các gia đình, dòng họ nối tiếp nhau cùng gìn giữ, hun đúc và phát huy. Đảng bộ, chính quyền phường Yên hòa luôn chú trọng công tác giáo dục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đó bằng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ qua các thời kỳ, thông qua việc xây dựng mạng lưới khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tới từng cộng đồng dân cư và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại Nhà thờ Thái Bảo Liêm Quận Công Nguyễn Như Uyên (ngõ 113, phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy) là Di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cho thấy, dòng họ Nguyễn Như Uyên là một trong 4 dòng họ đầu tiên về lập làng Hạ Yên Quyết cùng với dòng học Hoàng, họ Quản, họ Doãn.

Chi hội khuyến học dòng họ Nguyễn Như Uyên tổ chức khen thưởng cho các cháu học sinh, sinh viên năm 2024 tại Nhà thờ Thái Bảo Liêm Quận Công Nguyễn Như Uyên. Ảnh: Trần Oanh
Với truyền thống khoa bảng của dòng họ, liên tục từ đời thứ nhất (cụ Nguyễn Như Uyên) đến đời thứ 15, đời nào cũng có người đỗ đạt khoa bảng. Năm 2007 Chi hội khuyến học của dòng họ Nguyễn Như Uyên được thành lập dưới sự hướng dẫn của Hội Khuyến học phường Yên Hòa, có 35 thành viên tham gia. Đến năm 2025 Chi hội Khuyến học của dòng họ Nguyễn Như Uyên phát triển được 155 hội viên tham gia Hội Khuyến học, 140 gia đình/259 hộ gia đình tại Yên Hòa đăng ký gia đình học tập, 90 người đăng ký công dân học tập.
Ông Nguyễn Văn Đại - Chi hội trưởng Chi hội khuyến học dòng họ Nguyễn Như Uyên chia sẻ: “Dòng họ có thuận lợi là từ xa xưa các cụ học hành đỗ đạt rất cao, có nhiều thành tích, được Nhà nước và các tổ chức ghi nhận nên chúng tôi đã khai thác, tuyên truyền, giáo dục cho con cháu hiểu rõ truyền thống khoa bảng. Hàng năm, Chi hội dòng họ Nguyễn Như Uyên tổ chức khen thưởng cho các cháu học sinh, sinh viên có thành tích, kể cả những em trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã cố gắng vươn lên trong học tập để các cháu cảm thấy tự hào. Và cũng chính nhờ công tác khuyến học này mà tệ nạn xã hội ít đi”.
Chủ tịch Hội Khuyến học phường Yên Hòa Nguyễn Thị Tạo cho hay: Hội Khuyến học phường Yên Hòa được thành lập năm 2002, với 200 hội viên và 8 chi hội khuyến học. Đến cuối năm 2024, hội có 10.589 hội viên, 63 chi hội (có 16 chi hội dòng họ) và 4 đơn vị học tập; trong đó đã có 7.627 người đăng ký công dân học tập năm 2024. Các phong trào khuyến học đang được triển khai tại phường Yên Hòa là gia đình học tập; dòng họ học tập; cộng đồng học tập; xây dựng văn hóa đọc trong đó có tủ sách gia đình, tặng sách cho nhà trường... Với việc thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, phường Yên Hòa có 125 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ (dòng họ Nguyễn Như Uyên có 9 người; dòng họ Doãn có 2 người); gần 4.000 thạc sĩ…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ve-lang-khoa-bang-ke-cot.661248.html