Về làng tìm kho báu của cha ông giúp đô thị hóa

Đọc sử sách hay lâu lâu viết kiểu 'thương nhớ đồng quê' giúp lưu giữ kỷ niệm với quê hương trong tâm trạng tiếc nuối, hoặc cảm thán trước sự thay đổi phũ phàng của nó, cũng tốt. Nhưng có thể tốt hơn nếu cùng nhau tìm hiểu cách hình thành và nguyên nhân nào đã hủy hoại di sản của làng, giả định các giải pháp cứu vãn nó… như một cách bày tỏ sự biết ơn cha ông đã trao lại tài sản quý giá cho con cháu thừa kế.

Chúng tôi từng làm thế với Thổ Hà (1) tuy không sinh ở đó, vì làng như một mẫu mực của tổ chức định cư người Việt, nếu bị phá vỡ sẽ rất tiếc.

Các cụ bị cưỡng sang Trung Quốc

Cách đây 30 năm làm mục Làng nghề cho cuốn Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam (2) đọc tư liệu báo Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam thường ghi các cụ tổ nghề của các làng nghề “Có thời gian sang Trung Quốc học nghề về truyền dạy lại cho dân làng mình”. Đơn giản như làm bấc đèn, dải rút… cũng thế, chẳng lẽ không ai đi học về dạy thì dân ta vẫn tay giữ cạp quần? Một lối biên xuất xứ nhàm, phát ốm.

Sau này được biết “Chỉ tính riêng từ năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) đến Vĩnh Lạc 11 (1413) triều Minh 3 lần tìm kiếm được 16.000 người tài ở Giao Chỉ” (3). Vậy nếu tính đủ trong bao trăm năm trước/sau những Vĩnh Lạc thì xứ này đã mất bao nhiêu nhân tài, nhất là so với dân số Giao Chỉ hồi đó? Người tài ở đây là các thày thuốc, thày mo, thày bói, nhạc công… đặc biệt là những nghệ nhân thủ công nghiệp. Bèn nghĩ hóa ra nước Việt ta “bị chảy máu chất xám/ bị cưỡng bức xuất khẩu chuyên gia” từ sớm quá.

Và trong cuộc tha hương xa xôi đau đớn ấy nếu có cụ phải nằm lại nơi đất khách giá lạnh, thì cũng có các cụ do “ốm tha, già thải” họ trả về cố quốc. Mà về quê nhà hà cớ gì các cụ không truyền thụ nghề cho con cháu, trở thành tổ nghề của dân làng mình?Vì các cụ vốn đã rất giỏi nghề (nên bị bắt đi), chứ không phải đi hầu người ta rồi mới giỏi?

Đổ phế thải lấn sông xây nhà trên dải đất 4 km từng là “trục sản xuất” của làng. Ảnh tư liệu Viện Nghiên cứu Định cư

Đổ phế thải lấn sông xây nhà trên dải đất 4 km từng là “trục sản xuất” của làng. Ảnh tư liệu Viện Nghiên cứu Định cư

Dù sự thật có thể vậy, nhưng viết về Thổ Hà vẫn đành theo cứ liệu “Khởi từ năm 1127 do ông tổ nghề Đào Trí Tiến đi sứ Bắc Tống về truyền nghề làm gốm cho dân làng”. Vì sao ư? Vì cái làng ấy hình thành dần bằng nghề làm gốm, dẫu nay đã mất nghề, chuyển sang làm bánh đa nem (bánh tráng) và các loại mì. Còn nếu muốn ngược thời gian xa nữa, lại chưa có bằng chứng? Tức là những di sản vật thể, phi vật thể còn tương đối nguyên vẹn hay chỉ lưu dấu vết (gọi chung là di sản định cư) ở Thổ Hà muộn nhất cũng từ đầu thế kỳ XII.

Các cụ “không tấc đất cắm cây lúa”

Đề cao cây lúa bởi nông nghiệp vốn là lối mưu sinh dù nghèo nhưng dễ sống sót nhất trong các lối mưu sinh của người đồng bằng Bắc bộ. Vậy mà người Thổ Hà tuyệt đối không có đất canh tác.

Cả làng trú trên bán đảo hình cây cung, dòng sông Cầu bao bọc hai mặt Tây và Nam (cánh cung), hai hồ nước chặn hướng Đông (dây cung), phía Bắc giáp làng Vân, nên xét tổng thể diện tích đất của Thổ Hà “bị bó cứng vĩnh viễn” trong 25ha. Gọi văn vẻ “đất ấy do con sông sinh ra” có thể xê dịch chút ít, nhưng sông chỉ cho bấy nhiêu đất để sống, chẳng được như các làng nông nghiệp thường có các quỹ đất khi dân số tăng thì đến ở vào loại đất khác hoặc đất ruộng.

Làng Thổ Hà trên bán đảo hình cây cung diện tích 25ha đất bao bọc bởi sông Cầu và hồ nước sau làng. Nguồn: Thương hiệu & Pháp luật online

Làng Thổ Hà trên bán đảo hình cây cung diện tích 25ha đất bao bọc bởi sông Cầu và hồ nước sau làng. Nguồn: Thương hiệu & Pháp luật online

Sự định cư của con người bằng mọi kiểu sinh kế đều khởi từ điều kiện tự nhiên, bởi nó cung cấp môi trường nền tảng cho sự sống. Vị trí địa lý chẳng hạn, nhìn rộng ra Thổ Hà nằm ở trên và cuối mạch gò đồi chạy từ nam Yên Thế qua Tân Yên đến Việt Yên (Bắc Giang) là chỗ kết thúc địa hình trung du, mở ra đồng bằng châu thổ.

Vị trí này thuận lợi cho người Thổ Hà mua đất sét, chất đốt (cỏ guột) hai vật liệu chính để làm đồ gốm từ trung du về chế tác tại làng, rồi đem hàng (chum, vại, tiểu sành…) bán xuống đồng bằng (có sức mua dồi dào). Các loại hàng hóa nặng, khối tích lớn được vận chuyển theo hệ thống đường sông đi khắp vùng đồng bằng, duyên hải, chi phí vận tải rẻ gấp bội đường bộ.

Các cụ “nặn ra hình làng mình”

Sản phẩm gốm thường qua các cung đoạn sản xuất: nhập vật liệu, luyện đất (ngâm nước, loại bỏ tạp chất…), tạo hình, phủ men, phơi khô, nung, xếp và xuất hàng. Mỗi giai đoạn đều cần các không gian/ diện tích phù hợp với quy trình sản xuất .

Chính sơ đồ sản xuất đó lập nên hình hài làng Thổ Hà. Cụ thể, dải đất dài 4km mặt giáp sông Cầu (cánh cung) rộng ngang khoảng 50-70m (ước theo dấu vết xưa) đảm nhận hầu hết các chức năng: các bến tập kết vật liệu, chuyển hàng hóa, bãi tạo hình gốm, phơi sản phẩm, đặt lò nung… gọi chung là “trục sản xuất”. Tham gia trục này còn chừng 40 ngõ nhỏ giống nhau (rộng khoảng 1m) cùng chạy từ mặt sông về 2 hồ nước sau làng để chuyển đất đến/ đi ngâm, luyện.

Đường màu vàng là "trục sản xuất" đã bị nhà xây lên đường màu đỏ là "trục dịch vụ", những đường màu trắng thể hiện các ngõ chạy từ bờ sông đến hai hồ sau làng. Ảnh: TL

Đường màu vàng là "trục sản xuất" đã bị nhà xây lên đường màu đỏ là "trục dịch vụ", những đường màu trắng thể hiện các ngõ chạy từ bờ sông đến hai hồ sau làng. Ảnh: TL

Nhà dân xây cất hai bên ngõ thường cư trú theo dòng họ, có thể qua lại nhà nhau không cần ra ngõ. Kích thước ngõ con trâu nhà nông không đi lọt, chỉ người gánh hay chở đất bằng xe cút kít.

Giữa làng, phân đôi khoảng cách 40 ngõ có đường giao thông lớn từ mặt sông lên bố trí theo thứ tự: bến thuyền, chợ, đình, chùa, đi qua hai bên hồ nước đến nghĩa trang, kết thúc ranh giới làng. Gọi là “trục dịch vụ” chia tương đối đều khoảng cách tiếp cận các công trình công cộng cho các thành viên của làng.

Có nhiều điều lý thú khi quan sát, hỏi han, suy nghĩ về Thổ Hà. Như: từ việc lập lịch sản xuất riêng (khác lịch làm nông) thuận cho việc phơi khô sản phẩm, đợi gió đông bắc mới đốt lò đưa khói bụi ra sông Cầu tránh cho làng bị ô nhiễm, kỹ thuật dâu lửa (giữ nhiệt lò nung kích thước khoảng 24m3 suốt 20 ngày) chỉ với chừng 300 bó cỏ guột (mỗi bó đường kính 25cm, dài 1m), vai trò canh phòng kiêm giới thiệu hàng hóa của 7 ngôi điếm rải theo bờ sông, cách chống trả khi bị bọn cướp vào tận ngõ…, đến thiết chế làng điều hòa mối quan hệ giữa các dòng họ, sự cộng sinh với làng Vân nổi tiếng nấu rượu ngon, làng thủy cơ Nguyệt Đức chở hàng nặng cho Thổ Hà...

Thổ Hà ở vị trí trung tâm giao thương đường thủy. Ảnh: TL

Thổ Hà ở vị trí trung tâm giao thương đường thủy. Ảnh: TL

Nền kinh tế dựa vào trí khôn nên các cụ giầu, xây được chùa (khoảng 1580), đình (1692) loại to đẹp nhất xứ, đều xếp hạng di tích, chưa kể chùa Hà ở Hà Nội (1680)… Toàn việc phải sung túc và dân chủ mới làm được, dân chủ vì “tất cả dân làng từ 5-100 tuổi chẳng kể trai, gái mỗi người đều đóng góp” để xây dựng (4).

Sống tiếp với di sản các cụ để lại thế nào?

Đánh giá một tổ chức định cư cần chọn giai đoạn nào đã lập được cấu trúc không gian tốt nhất để kế thừa nó. Tạm chia Thổ Hà ra 3 giai đoạn:

1. Từ 1127 đến trước 1955: Đã hoàn chỉnh mạng giao thông, khu sản xuất, thương mại, khu ở, tín ngưỡng… với các trục sản xuất, trục dịch vụ, 40 ngõ, bãi chế tác, các bến thuyền, chợ, đình, chùa, văn chỉ, điếm... tất cả hiện vẫn còn.

2. Sau 1955 đến 1982: Chuyển từ sở hữu từ kinh tế hộ/dòng họ sang tập thể, phá bỏ 39 lò nung nhỏ (lò con cóc của gia đình /dòng họ) thay bằng các lò Móng Cái lớn của hợp tác, dùng nhiên liệu than đá. Năm1982 giải thể hợp tác xã mỗi hộ công nhân được chia 500.000 đồng (khoảng 200 USD lúc đó). Làng lâm nguy vì không ruộng, mất lò, không thể quay lại nghề gốm .

3. Sau 1982 đến 2014 (thời gian khảo sát): Cả làng đã chuyển sang làm bánh đa (bánh tráng) và các loại mì. Dân thu nhập cao nhưng làng ô nhiễm nghiêm trọng do thiếu không gian sản xuất, áp lực dân số quá cao: 3.500 người vẫn chỉ 25ha đất và mất kiểm soát quản lý xây dựng cấu trúc Thổ Hà đang bị phá vỡ.

Hầu hết các cung đoạn sản xuất ở trong nhà, ô nhiễm nơi sinh hoạt. Nguồn: Báo Công Thương

Hầu hết các cung đoạn sản xuất ở trong nhà, ô nhiễm nơi sinh hoạt. Nguồn: Báo Công Thương

Nghiên cứu định cư cần làm rõ những di sản nào có giá trị quyết định sự cư trú liên tục ,bền vững của tổ chức định cư. Ở Thổ Hà là các không gian sản xuất công sử dụng chung, không phải sở hữu tư (như ruộng công xưa của các làng nông nghiệp), tiêu biểu là dải đất “trục sản xuất” chạy dọc 4km ven sông. Xưa các cụ “thiết kế lãnh thổ vật chất/ hình hài Thổ Hà” hẳn bắt đầu bằng không gian đa chức năng quan trọng bậc nhất này. Nhưng nay con cháu không gìn giữ được” dải đất vàng ấy” để xảy ra tình trạng đổ đủ loại phế thải lấn sông xây nhà. Gần 100 hộ đã làm nhà vào không gian “chiến lược” dọc bờ sông, dẫn đến ít nhất hai hậu quả rất nặng nề:

1. Xưa đã tách được nơi sản xuất xa nơi ở nay lẫn lộn: Xưa làm chum, vại, ang đựng nước... toàn đồ cồng kềnh, nặng nên làng bố trí có xưởng bãi rộng ngoài trời gần lò nung, bến sông. Nay các công đoạn sản xuất ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, cắt bánh bằng máy… diễn ra trong nhà, không đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho người làm nghề.

2. Xưa có bãi phơi hàng mộc nay phơi bánh lên...rác: Xưa bãi phơi hàng mộc (chưa nung) cũng bên sông tại “trục sản xuất”. Nay 1 máy tráng /1 ngày làm ra 160m2 diện tích bánh cần phơi trong ngày, cả làng 300 máy cần tới 48.000m2 diện tích hong phơi/ 1 ngày. Không nơi phơi chuyên dụng, dân tận dụng mọi tường ngõ, các lối đi... phơi bánh, không thể nói đến vệ sinh thực phẩm trong tình trạng sản xuất như vậy.

Phơi bánh trên rác. Ảnh: Huy Hùng

Phơi bánh trên rác. Ảnh: Huy Hùng

Năm 2029 Elinor Ostrom (Mỹ) đoạt nửa giải Nobel bằng công trình nghiên cứu chứng minh sự thắng thế của mô hình kinh tế cộng đồng (tự quản) trong nhiều trường hợp, khi so sánh nó với mô hình kinh tế tập quyền của nhà nước hay tư bản tư nhân. Các làng Việt xưa tổ chức tương tự mô hình đó, lập nên nền “dân chủ làng xã” với nhiều loại tài sản chung (ví dụ: ruộng, đường sá, nghĩa trang, chợ, đình, chùa...), làng tự bầu “ban lãnh đạo” và tuân thủ quy chế (hương ước) của riêng mình.

Tổ chức kinh tế, xã hội của Thổ Hà cũng vậy, các di sản định cư đặc sắc được hình thành từ trí tuệ, sức lực của một cộng đồng tự quản trải ngót 900 năm. Với truyền thống ấy, khi hợp tác xã phá sản, trắng tay, họ vẫn cùng nhau gượng dậy dựng lại cơ nghiệp bằng nghề mới. Sự sáng tạo tự nói lên phẩm chất của người Thổ Hà, một nhân tố ưu trội mà nhà đương quyền chưa hiểu hết sức mạnh của nó.

Mặt trước làng Thổ Hà nhìn từ sông Cầu (ảnh trên). Đề xuất của chúng tôi (ảnh dưới): giải tỏa 100 hộ lên dải đất ven sông tạo ra quỹ đất khoảng 35.000m2, với 3 mục đích: xây dựng các nhà phơi công cộng cao tầng bằng kính (sử dụng năng lượng nắng, gió) và phòng truyền thống của làng; tạo các vườn hoa nhỏ giáp mặt nước tại các khoảng giữa nhà phơi cao tầng; đền bù cho các hộ bị giải tỏa bằng nhà phơi cao tầng cùng một phần diện tích san lấp hai hồ sau làng. Ảnh: TL

Mặt trước làng Thổ Hà nhìn từ sông Cầu (ảnh trên). Đề xuất của chúng tôi (ảnh dưới): giải tỏa 100 hộ lên dải đất ven sông tạo ra quỹ đất khoảng 35.000m2, với 3 mục đích: xây dựng các nhà phơi công cộng cao tầng bằng kính (sử dụng năng lượng nắng, gió) và phòng truyền thống của làng; tạo các vườn hoa nhỏ giáp mặt nước tại các khoảng giữa nhà phơi cao tầng; đền bù cho các hộ bị giải tỏa bằng nhà phơi cao tầng cùng một phần diện tích san lấp hai hồ sau làng. Ảnh: TL

Nhận thức được các giá trị di sản định cư ở Thổ Hà thì cũng có khả năng huy động cộng đồng tìm kiếm các giải pháp tái cấu trúc sử dụng đất đai làng, kế tục sự cộng sinh với các tổ chức định cư kề cận... để xây dựng một “tiểu đô thị thủ công nghiệp và du lịch” kề sát TP. Bắc Ninh. Nhưng muốn thâu nhận, áp dụng các sáng kiến phong phú ấy lại cần một cơ chế, còn đề xuất của chúng tôi (xem hình trên) chỉ là mộ ví dụ.

Bởi như đã nêu, lối thoát cho bất kỳ một tổ chức định cư nào cũng phải bắt đầu từ nguyên nhân đã làm nó suy yếu, đó là thể chế!

Hân Hương

________________

(1) Rút từ tham luận“ Ứng dụng phương pháp nghiên cứu định cư con người với đề xuất quy hoạch và kiến trúc tại làng Thổ Hà, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang” (Viện Nghiên cứu Định cư-2014)

(2) NXB Thế giới 1995- Hữu Ngọc chủ biên

(3) Dẫn theo T.S Đinh Thế Anh cuốn Khách tọa chuế ngữ của Cố Khởi Nguyên năm 1617.

(4) Theo “Thủy tạo đình miếu bi” làng Thổ Hà.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ve-lang-tim-kho-bau-cua-cha-ong-giup-do-thi-hoa-44292.html