Muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho thương binh, liệt sĩ (bài cuối)

Trong 'Lời kêu gọi nhân ngày 27/7/1948', Bác Hồ viết: 'Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mạng, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta.

Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào.

Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ đang tìm mọi cách để giúp cho anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng mong đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và về tinh thần".

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/1949, trong "Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh", Bác Hồ viết: "Mỗi năm đến 27/7 là ngày thương binh tử sĩ, nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho đồng bào... Vậy tôi xin xung phong: Tặng một số khăn mặt và áo quần mà đồng bào các nơi đã biếu tôi, gửi một tháng lương của tôi là 1.000 đồng. Và nhờ cụ chuyển lời thân ái của tôi an ủi anh em thương binh cùng các gia đình tử sĩ”.

Vào năm 1950, trong "Thư gửi anh em thương binh mặt trận Lê Hồng Phong" (01/5/1950), Bác Hồ cảm ơn các thầy thuốc đã chăm sóc thương binh rất chu đáo. Gửi thư cho Ban tổ chức Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1950), Bác Hồ viết: "Năm nay Chính phủ không mở cuộc lạc quyên cho ngày thương binh, liệt sĩ nhưng tôi mong rằng các đoàn thể văn hóa, công nhân, nông dân, phụ nữ, nhi đồng và các bộ đội hoặc đến an ủi thương binh và gia đình tử sĩ, hoặc viết thư hỏi thăm, ai sẵn quà gì thì biếu quà ấy để tỏ lòng thương mến. Nhân dịp này, tôi xin gửi một tháng lương để góp vào quỹ tổ chức".

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu các gia đình có công với cách mạng của tỉnh Cao Bằng tại Phủ Chủ tịch năm 1962. Ảnh: tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu các gia đình có công với cách mạng của tỉnh Cao Bằng tại Phủ Chủ tịch năm 1962. Ảnh: tư liệu

Ngày 20/9/1950, trong "Thư gửi các chiến sĩ bị thương trong trận Đông Khê”, Bác Hồ ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của các thương binh.

Năm 1951, trong "Thư gửi các thương binh tại mặt trận Trung du và Đông Bắc (02/1951), Bác viết: "Các chú đã anh dũng xung phong giết giặc. Nay bị thương tạm nghỉ ít lâu. Bác gửi lời thân ái chúc các chú mau khỏe, để sẽ đánh giặc nữa và dặn các chú cứ yên lòng dưỡng bệnh cho mau lành mạnh".

Ngày 26/7/1951, gửi thư cho cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Nhân ngày thương binh, tôi nhờ cụ biếu lại những anh em thương binh kiểu mẫu mấy bộ quần áo mà đồng bào đã biếu tôi... Tôi có ý kiến như sau: "Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh... Mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của những đồng bào hằng tâm hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã chung sức phá vỡ một số đất mới để giúp thương binh".

Năm 1952, trên Báo Nhân dân, số ra ngày 03/7/1952, Bác Hồ đã viết bài tuyên dương một cán bộ quân y tên là Hoạch, được cử đi dự Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, vì đã có thành tích hết sức xuất sắc trong mấy chiến dịch và đã cõng gần 100 thương binh. Bác đã cho đồng chí Hoạch cái biệt danh là: Một anh "Mẹ thương binh".

Vào năm 1953, nhân Ngày Thương binh (7/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh một tháng lương và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu để nhờ cụ chuyển cho thương binh.

Năm 1954, trong "Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh nhân ngày Thương binh, tử sĩ” (7/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Nhiều nơi đã hăng hái đón thương binh, bệnh binh về xã, giúp đỡ anh em làm ăn và đã chiếu cố chu đáo các gia đình liệt sử. Thế là rất tốt... Tôi xin gửi cụ 30.600 đồng do một kiều bào ở Trung Quốc gửi tặng và một tháng lương của tôi là 45.000 đồng để cụ làm quà cho anh em".

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, ngày 27/7/1954. Ảnh: tư liệu

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, ngày 27/7/1954. Ảnh: tư liệu

Sau khi chúng ta tiếp quản thủ đô Hà Nội, trong bài viết "Nhờ ai có hòa bình" đăng trên Báo Nhân dân ngày 26/11/1954, Bác Hồ viết: "Chính nghĩa thắng lợi, hòa bình trở lại là nhờ nhân dân ta đoàn kết, toàn quân ta anh dũng... nhờ những chiến sĩ anh hùng đã vui lòng chết để cho Tổ quốc sống, nhân dân sống. Chúng ta cần ghi chép và thường nhắc lại những sự tích ấy để giáo dục nhân dân ta chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, quyết tâm làm tròn nghĩa vụ xây dựng nước nhà”.

Chiều ngày 31/12/1954, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ đã hy sinh tại Đài Liệt sĩ Hà Nội. Trong diễn từ, Bác Hồ viết: "Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước".

Năm 1968, trước khi vĩnh biệt non sông đất nước để "đi theo cụ Các Mác, cụ Lênin", Bác Hồ đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho thương binh, liệt sĩ. Trong Di chúc thiêng liêng, Người viết: "Đối với liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm, ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tình cảm yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

Trong những tháng năm kháng chiến, Nam Bộ là chiến trường ở xa Trung ương, tuy vậy Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam và Ủy ban kháng chiến - hành chính Nam Bộ luôn luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, chúng ta đã thấy cách đây 77 năm, giữa lúc ở chiến khu Việt Bắc tiến hành tổ chức kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên; trong thời điểm ấy tại Chiến khu Đồng Tháp Mười, Bộ Tư lệnh Khu 8 cùng với Huyện ủy và Ủy ban kháng chiến - hành chính huyện Mộc Hóa phối hợp tổ chức cuộc mít-tinh trọng thể để kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Có một sự kiện đặc biệt là, sau buổi lễ đó đã có tới 10 cô gái ở vùng Rau Má, Nước Trong (huyện Mộc Hóa, Đồng Tháp Mười) đã tự nguyện lấy chồng thương binh. Vì vậy, trong nhân dân đã lưu truyền câu ca dao:

"Ai về Rau Má Nước Trong

Mà xem phụ nữ lấy chồng thương binh"

Năm 1949, tại miền Đông, Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Chợ Lớn đã tổ chức đám cưới tập thể cho 5 thương binh kết hôn với 5 cô gái ở địa phương.

Ở miền Tây cũng có những đám cưới tập thể của các cô gái lấy chồng thương binh. Các cơ quan chính quyền cách mạng trong vùng giải phóng đã trợ cấp cho thương binh mỗi tháng 20 đồng và 18 giạ lúa/năm. Mỗi gia đình liệt sĩ được trợ cấp 30 - 40 đồng/quý.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, Hội Phụ nữ cứu quốc và Hội Mẹ chiến sĩ đóng vai trò rất quan trọng đối với thương binh, liệt sĩ. Ở Tân Thạnh, huyện Mộc Hóa có gương má Võ Thị Kiệt đã nuôi dưỡng 10 thương binh trong nhiều ngày.

Điều rất cảm động là, khi chiến sự xảy ra trong vùng địch kiểm soát, nhiều khi bộ đội ta rút quân không kịp đưa thương binh, tử sĩ về vùng căn cứ, thì các Mẹ tìm cách giấu thương binh để nuôi dưỡng chăm sóc, sau đó tìm cách móc nối để đưa thương binh trở về đơn vị. Đối với các tử sĩ, các Mẹ tắm rửa, chôn cất chu đáo. Có khi các Mẹ đấu tranh quyết liệt với địch, buộc chúng phải để cho nhân dân chôn cất tử sĩ khi bị chúng bỏ mặc ngoài nắng mưa để hành hạ thân xác.

Trong những Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Hội Mẹ chiến sĩ đã huy động nhân dân trong xóm tu sửa mồ mả liệt sĩ, đón thương binh về nuôi. Các Mẹ đã đến tận nơi để thăm gia đình liệt sĩ và vào các quân y viện để tặng quà thương binh, bệnh binh.

Chúng ta đều biết, cả nước ta hiện nay có trên 1,2 triệu người có công được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi. Hàng năm, chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán và Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Chủ tịch nước đã dành hơn 900 tỷ đồng tiền quà cho các đối tượng có công. Đến nay hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "việc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ mồ côi", việc "phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng", việc các tầng lớp nhân dân tổ chức những hoạt động về nguồn, thăm chiến trường xưa, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ... đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" mà Bác Hồ đã dạy.

TRẦN HỮU PHƯỚC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/muon-van-tinh-thuong-yeu-cua-bac-ho-danh-cho-thuong-binh-liet-si_165304.html