Về lộ Vòng Cung nhớ thời mở đất

Trở lại lộ Vòng Cung, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng), nghe tiếng gió rì rào xô qua đám lá dừa nước dưới con sông Ngã Cũ như lời kể chuyện năm xưa thời cha ông đi khai hoang mở đất. Tự hào khi quê hương trên đường phát triển, người dân xã Phú Hữu tiếp tục vững bước đi lên, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Quê hương Phú Hữu tiếp tục đi lên. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Quê hương Phú Hữu tiếp tục đi lên. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Khởi hành cuộc hành trình từ vàm Phú Hữu, đi theo lộ Vòng Cung, cạnh sông Ngã Cũ tìm lại dấu tích xưa của một thời khai hoang mở đất. Điểm dừng chân đầu tiên là tại đình Phú Hữu với những cây cổ thụ che rợp trời càng thấm đẫm không khí linh thiêng nơi thờ tự. Gặp gỡ, trò chuyện với những cư dân cố cựu nơi đây, mở ra cả một trời thương nhớ những tiền nhân dày công mở cõi, xây dựng nên vùng đất này.

Lão nông Nguyễn Văn Nháng, ngụ ấp Phú Hữu, xã Phú Hữu, năm nay gần 90 tuổi nhớ lại: “Ông nội tôi ngày xưa hay kể lại rằng, ba của ông nội tôi đi từ Chòi Mòi (xã Tân Thạnh, huyện Long Phú) chèo ghe chở vợ con dọc theo sông Ngã Cũ để tìm kế sinh nhai, tìm vùng đất mới khẩn hoang, trên đường đi gặp thêm một người cùng cảnh ngộ nên kết nghĩa anh em rồi chèo tuốt vô đất Phú Hữu. Thấy đất mới, chưa có người khai khẩn nên cắm dùi ở luôn, đến đời tôi là mấy thế hệ rồi. Cũng theo người xưa kể lại nơi đây là đất rừng, thú rừng vẫn còn, cọp vẫn thường đi săn mồi ở đất này, bà con phải cùng nhau chống chọi với thú dữ, thiên tai, dịch bệnh mới gắn bó với đất này qua bao thế hệ. Sau này, ngay tại Cầu Ngang có người sên mương còn móc được xương cọp”.

Được biết, lộ Vòng Cung trải dài qua địa bàn 3 ấp: Phú Đa, Phú Hữu, Phú Thứ của xã Phú Hữu, huyện Long Phú, con lộ men theo con sông Ngã Cũ, bao quanh xứ Cầu Ngang, Xẻo Chổi, đi qua Thổ Mộ, Đìa Thùng hòa vào dòng chảy sông Saintard tại vàm Phú Hữu.

Xã Phú Hữu là xã vùng sâu của huyện Long Phú gồm 4 ấp, tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 1.377,42ha. Ngay từ buổi đầu khai hoang, mở đất, người dân Phú Hữu đã biết phát huy tinh thần và bản lĩnh của mình, cần cù lao động, đoàn kết gắn bó với nhau để cùng vượt qua những khó khăn, thử thách của thiên nhiên, của các thế lực thù địch.

Ông Dương Mãnh Liệt, ngụ ấp Phú Đa, xã Phú Hữu, tâm sự: “Nói đâu xa, ngay tại xứ này, ngày xưa nghe các thế hệ trước kể lại những lúc vào vụ cấy hay thu hoạch lúa, bà con thường vần công cho nhau để cùng làm; bà con sống đùm bọc thương yêu nhau, tối lửa tắt đèn có nhau. Lúc tôi còn trẻ, ngay tại con rạch Sơn Trắng này, cạnh đất tôi đây mọi người trong xóm phải cùng nhau be bờ, đắp đập nhưng nước tháng 9, tháng 10 là ngập hết ruộng vườn, nhà cửa, bà con phải cùng nhau ven bờ. Nhưng bù lại cá mắm nhiều vô số kể, tháng mùa khô anh em chúng tôi đi đào hầm bắt cá vào những đêm trăng sáng, nghe cá nhảy hầm mà thấy sợ; còn lội xuống rạch bị cá nhảy trúng lưng hoài. Còn nói về làm ruộng thì vất vả, cực nhọc không kể xiết. Mọi người còn nhắc lại hoài ở đây rừng cây che kín mặt trời, ruộng thì cỏ mọc như nêm; có người dẫn đôi trâu đi trục ruộng ngủ gục té nhào về trước, cây trục lăn qua người mà không sao hết, đứng dậy trục tiếp, bởi vì cỏ năn, cỏ lác, u du và các cây cỏ khác dày và cao quá đầu người nên trục đâu đè xuống được”.

Quá trình hình thành nên vùng đất Phú Hữu là quá trình lâu dài và trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi của lịch sử. Theo thông tin từ cuốn Lịch sử truyền thống cách mạng xã Phú Hữu (1930 - 1975) thì Phú Hữu là vùng đất đầm lầy, lau sậy hoang sơ, ít người đến khẩn hoang. Những người đến đây khai khẩn đầu tiên là người gốc ở làng Phú Hữu (Cần Thơ). Khi khai khẩn xong vùng đất này, họ đã đặt tên cho vùng đất này là Phú Hữu theo đúng tên gọi của nơi họ đã ra đi. Dưới triều Minh Mạng thứ 20, Phú Hữu thuộc tổng Định Khánh, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Trải qua các triều đại vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, Phú Hữu nằm trong tổng Định Hòa, huyện Vĩnh Định. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và chiếm luôn Nam Kỳ lục tỉnh thì Phú Hữu vẫn thuộc tổng Định Hòa nhưng đặt thuộc hạt thanh tra Ba Xuyên, rồi Sóc Trăng. Từ năm 1876, Phú Hữu được gọi là làng thuộc hạt tham biện Sóc Trăng, kể từ năm 1900 thuộc tỉnh Sóc Trăng. Năm 1920, làng Phú Hữu nằm trong quận Kế Sách, thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 1952, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Sóc Trăng đồng ý sáp nhập hai xã Phú Hữu và Long Đức thành xã mới có tên gọi là Phú Đức; sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, lại tách ra thành xã Phú Hữu và Long Đức cho đến ngày nay.

Rời đình thần Phú Hữu, tôi đi thêm một hồi dọc lộ Vòng Cung, cạnh con sông Ngã Cũ là đến Cầu Ngang, mà theo lời kể của các bậc cao niên thì nơi đây cũng là một địa điểm tạo nên nhiều câu chuyện huyền hoặc như thật, như đùa, mặc dù bây giờ chỉ còn lại phế tích. Khoảng vài trăm năm về trước khi chưa có kênh Saintard thì con sông Ngã Cũ ngày xưa là con đường huyết mạch để di chuyển đi các nơi, ghe tàu tấp nập, có cả ghe với trọng tải lớn. Và đoạn sông tại Cầu Ngang thuộc ấp Phú Đa là điểm giao nhau của sông Ngã Cũ và các dòng chảy tự nhiên khác đã tạo nên xoáy nước hung dữ kinh người. Ghe tàu các nơi qua đây phải cung kính thần linh bằng việc đốt pháo nổ vang một khúc sông như để thông báo và xin được qua xứ này và phải hết sức cẩn thận để không rơi vào xoáy nước. Không ít ghe tàu đã chìm xuống khúc sông này khi không quen địa hình, địa vật của sông Ngã Cũ. Bây giờ không còn xoáy nước nữa, dòng sông Ngã Cũ cũng bồi lắng do thời gian, nhỏ và hẹp dần. Hiện nay, dòng sông chỉ còn giá trị về mặt thủy lợi, chứ về giao thông vận tải hầu như không còn.

Bỏ lại xứ Cầu Ngang, tôi tiếp tục đi hết đoạn đường lộ Vòng Cung đi qua Thổ Mộ, Đìa Thùng rồi đến Xẻo Chổi, nơi nào cũng thơm mùi rạ mới. Trên cánh đồng từng chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất; từng bao lúa được đưa lên xe công nông chở vô nhà bán ngay cho thương lái đang chờ sẵn. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng cười vang rộn ràng khắp xóm khi năm nay bội thu mùa lúa mà nghe lòng phấn khởi vô cùng khi chứng kiến quê hương Phú Hữu tiếp tục đi lên.

Đồng chí Võ Thanh Bình - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Hữu cho biết: “Xã Phú Hữu được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2020. Hiện 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng luôn được tiến hành đồng bộ và đạt nhiều kết quả, giúp tăng năng suất, cải thiện lợi nhuận; thu nhập bình quân của người dân ở Phú Hữu cũng tăng lên hơn 50 triệu đồng/người/năm. Lưới điện phủ kín địa bàn, hơn 100% hộ có điện sử dụng, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-long-phu/ve-lo-vong-cung-nho-thoi-mo-dat-61030.html