Về miền Ban trắng
Không e ấp nơi sân nhà, không chao nghiêng bên mái hiên như Đào, như Mận, hoa Ban mang sức sống bời bời bung trắng núi rừng sau giấc ngủ đông. Ban trắng trời, trắng đất, phủ kín những thung lũng xa xa, hất lên nền trời xanh sắc trắng dịu dàng, thanh khiết nhưng cũng đầy mê hoặc như bản tình ca Tây Bắc không bao giờ mất…
Không biết đất trời có sự sắp đặt ngẫu nhiên nào không mà loài hoa từ xa xưa vốn thuộc về núi rừng lại gắn liền với một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Rừng Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - 70 năm trước và lâu hơn thế nữa vẫn náu mình giữa những cây Chò chỉ, cây Dẻ. Nhưng ở đó còn có hoa Ban vươn mình bung sắc. Những chùm Ban trắng bao phủ thung sâu khiến ta như chìm đi trong khung cảnh bồng lai. Thoắt cái, ngước mắt lên lại bắt gặp những nhành Ban vút cao bồng bềnh như mây vắt ngang đỉnh núi. Và bao năm qua, vẫn loài hoa ấy dù mọc trên đồi cỏ khô hay bám vào vách đá cheo leo luôn mang trong mình sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp làm mê hoặc lòng người.
Băng qua thung lũng hẹp với những cánh đồng lúa đương thì con gái xanh mơn mởn, Mường Phăng đón chúng tôi bằng những tia nắng vàng như hân hoan, nhảy múa. Bất chợt cảm nhận làn gió mát rượi thổi tới cũng là lúc tôi thấy phía trên đầu mình là những tán cây của khu rừng di tích mà người dân nơi đây thường gọi với cái tên rất đỗi thân thương - rừng cây Đại tướng. Đi dưới cây rừng mát rượi, ngẫm về quá khứ, trong tâm trí tôi hình dung ra năm xưa, nơi đây, dưới tán cây này, những quyết định lịch sử đã được đưa ra để rồi ông cha ta làm nên một chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Có điều lạ là du khách đến với Mường Phăng rất đông nhưng nơi này vẫn luôn giữ được không gian tĩnh lặng đến lạ thường. Dường như mỗi người đặt chân đến đây đều muốn giữ cho mình một khoảng lặng để liên tưởng về trận chiến năm xưa mà họ chỉ được biết qua sách báo.
Từ Sở Chỉ huy, leo ngược lên núi, đứng ở điểm cao nhất có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ. Thung lũng Mường Thanh vốn đẹp như tranh với bao bọc xung quanh là những ngọn đồi xanh hùng vĩ, mọc san sát chạy đến chân trời trở thành chiến trường ác liệt nhất trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Vượt lên trên thương đau, bảy thập kỉ trôi qua thung lũng Mường Thanh vẫn đó, như một trong những minh chứng lịch sử hào hùng của dân tộc. Lần giở lại 56 ngày đêm đầy máu, lửa, mùi khét của bom đạn tàn phá mảnh đất và con người nơi đây mới thấm thía những đau thương, mất mát mà đồng bào và các chiến sĩ năm xưa đã gánh chịu. Nhưng biết bao người lính Điện Biên ngày ấy đã mặc nhiên coi hoa Ban là kí ức đẹp đẽ, thơ mộng nhất trong những ngày mà sự sống và cái chết mong manh gang tấc. Loài hoa nhỏ xinh, trắng thanh khiết mọc khắp núi rừng Tây Bắc là biểu tượng cho vẻ đẹp của người con gái Thái mộc mạc với khăn piêu, áo cóm cũng là biểu trưng của tình yêu đôi lứa trong sáng và thủy chung. Trong năm tháng chiến tranh oanh liệt, những người lính "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt" đã từng vin vào vẻ đẹp thanh khiết, sức sống phi thường của hoa Ban để vững niềm tin vào ngày chiến thắng.
Năm tháng đó, bằng sức sống mãnh liệt, kiên cường giữa bom đạn, nắng gió, cây Ban đã góp phần chở che cho bộ đội, pháo binh, xe tăng… của những người lính Cụ Hồ. Có người lính già kể với tôi rằng, đồng đội của ông là lính trinh sát khi hành quân giữa ngút ngàn rừng sâu để khỏi lạc đường đã dùng hoa Ban đánh dấu nơi mình đi qua. Sắc hoa ấy gợi nhớ trong tôi những điều đã được học, được đọc về mùa Xuân năm 1954 khi bộ đội ta giấu quân dưới những cánh rừng Ban, chờ ngày khai hỏa mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Và tôi tin, cứ mỗi độ hoa Ban nở, kí ức của một thời "hoa lửa" lại dội về trong tâm trí chiến sĩ Điện Biên, cho dù giờ đây nhiều người trong số họ không còn minh mẫn nữa, nhưng sắc trắng hoa Ban mãi là thời thanh xuân đầy dấu ấn của họ. Nơi đây, sự sống vẫn lên xanh bên cạnh những kí ức hào hùng sống mãi.
Tháng Ba, khi tiết trời lạnh giá của mùa Đông dần tan đi, hơi thở ấm áp của mùa Xuân tràn ngập đất trời cũng là lúc hoa Ban nở rộ khoe sắc khắp núi rừng Tây Bắc. Trong tiềm thức người dân nơi đây, hoa Ban biểu trưng cho sự thủy chung son sắt và vẻ đẹp trắng trong của người con gái. Nhắc đến Tây Bắc người ta hay nói đến những cánh đào tươi thắm, những cánh đồng hoa cải trắng như tuyết. Chẳng biết giữa bộn bề mưu sinh tất bật có bao nhiêu người nhung nhớ, yêu thương một mùa hoa Ban tinh khôi, để rồi tìm về Điện Biên trong những ngày hoa bung nở để yêu hơn mảnh đất linh thiêng này...
Tôi nhìn thấy nam thanh, nữ tú cười nói ríu ran trên những cung đường quanh co, thơ mộng. Họ lẩn khuất rồi lại hiển hiện giữa màu trắng muốt của hoa Ban, gieo những nụ cười thánh thiện, biết ơn khi hiểu rằng từng cung đường ấy được làm nên từ mồ hôi, xương máu của biết bao chiến sĩ, người dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước. Trong làn hương trầm tỏa ra dịu nhẹ nơi đỉnh đồi A1, bên những ngôi mộ liệt sĩ, các chàng trai, cô gái độ tuổi đôi mươi lặng lẽ chắp tay cầu nguyện và biết ơn. Dấu vết chiến trường xưa còn đó, khắc ghi những tháng ngày gian khổ, những con đường từng hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn giờ đây trở nên bình yên và thơ mộng. Từng cánh hoa trắng mỏng tang đung đưa trong gió tựa sự thướt tha, dịu dàng của những người con gái vùng cao như níu giữ bước chân lữ khách...
70 mùa Ban đã đi qua, 70 năm từng người con đất Việt khắc cốt, ghi tâm công ơn của những chiến sĩ Điện Biên. Và 70 năm đổi thay từng ngày trên chiến trường năm xưa, nhưng dư âm của chiến thắng chưa bao giờ thôi vang vọng, nhất là khi những cánh hoa Ban sáng bừng sườn núi, thung sâu...
Những người lính Điện Biên thuở đó, giờ tóc đã trắng như hoa Ban. Lại nhớ câu thơ của vua Trần Nhân Tông hơn 700 năm trước: “Bạch đầu quân sĩ tại/Vãng vãng thuyết Nguyên Phong” (Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong) nhớ một thời quá khứ oanh liệt, pha lẫn niềm tự hào dân tộc bao lần chiến thắng ngoại xâm. Họ kể về Điện Biên Phủ với phút quyết định sinh tử - kéo pháo ra - từ Đại tướng Tổng tư lệnh. Mặc cho năm tháng phủ gay gắt lên mọi thứ, hoa Ban như người lính đứng đó - ở Điện Biên, chiến chinh tàn thì buông súng cuốc cày và ca bài bình yên trời đất, nhưng trong từng cánh hoa thanh khiết, có đôi mắt trong veo không ngừng dõi theo mây trắng rồi nhận diện từng mặt người. Có lẽ thông điệp vô ngôn - từ đó rằng, những giấc mơ thanh bình, trắng trong và tươi đẹp chỉ đến khi đi qua gian lao, nhuộm máu và nước mắt bao người. Có bữa ngồi nhìn điệu xòe Thái, bắp chân cô gái Thái trắng như ức con chim, lấp lóa giữa rộn ràng xiêm áo, như cánh Ban đậu lên ở đó một nụ cười…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ve-mien-ban-trang-post1631493.tpo