Về miền Cửu Long chín nhánh phù sa
Giữa phố thị náo nhiệt, sự ngột ngạt nơi chốn văn phòng bao quanh bởi những tòa nhà cao ốc như lời nhắn nhủ đưa tôi trở lại ghé thăm, khám phá miền Tây - với miệt vườn sông nước, nơi có những con người thuần phác, nhân hậu và nghĩa tình.
Sau một hành trình bay khoảng hai giờ đồng hồ từ thủ đô Hà Nội tới TP.HCM, từ đây, có nhiều chuyến xe nối tiếp đến miền Tây Nam Bộ.
Đặc trưng của các tỉnh miền Tây đều có sông nước, đất đai màu mỡ trù phú bởi sự bồi đắp của hai dòng sông Tiền và sông Hậu - hai nhánh lớn nhất của sông Cửu Long, nơi hội tụ của chín cửa sông đổ ra biển. Những cửa sông này lại chia thành nhiều dòng chảy, tạo nên một mê cung kênh, rạch của miền Tây. Qua đó, góp phần tạo nên phong vị riêng có cho mỗi vùng đất mà chúng đi qua.
Xứ sở của dừa
Những rừng dừa xanh bát ngát trải dài là hình ảnh đặc trưng của vùng sông nước miền Tây, đó không phải là những cây dừa vươn cao từ mặt đất mà là rừng dừa nước hoang dã sống trong đầm lầy – vốn được coi là một “đặc sản” không thể thiếu của nơi đây.
Nằm ở hạ lưu sông Tiền, cù lao Thới Sơn hay còn gọi là cồn Lân (thuộc xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho) là nơi có nhiều dừa nhất vùng.
Chiếc xuồng ba lá đưa chúng tôi lách luồn qua những con kênh to nhỏ khác nhau, giữa một màu xanh bát ngát của những tán lá dừa để ngắm nhìn miền quê sông nước trong veo yên ả. Chúng tôi đi qua những “cổng vòm” thơ mộng uốn cong về phía nhau, được tạo nên từ những đôi “bàn tay” khéo léo của tự nhiên như lời kể thầm thì về câu chuyện “xứ sở của dừa”.
Không có tiếng động cơ của xuồng máy, chỉ có tiếng mái chèo quạt nhẹ êm đềm trên mặt nước, như hơi thở của cuộc sống bình yên, chậm rãi. Thỉnh thoảng vang lên những tiếng chim hót ríu rít, lảnh lót chuyền cành sau tán lá khiến lòng ta đầy hứng khởi, dịu bớt những lo toan, cho ta cảm giác về bức tranh quê bình yên, thanh thản lạ kỳ.
Dừa nước không chỉ mang đến nét độc đáo cho cảnh sắc miền Tây mà còn rất hữu ích trong đời sống hằng ngày.
Lá dừa được dùng để lợp nhà che mưa che nắng, làm rổ rá, còn bẹ và sống lá làm lạt buộc, dệt thảm, bện thừng, hoặc phơi khô làm chất đốt… Không những thế, dừa nước còn là thức uống thanh mát cho mùa hè oi ả.
Điều đặc biệt mà chúng ta quan sát thấy, cùng là họ dừa nhưng dừa nước nhìn như quả thông to, được kết hợp bởi nhiều “mắt” dừa nhỏ bằng quả trứng. Gọi là dừa nước nhưng quả không có nước, chỉ có cùi dừa. Người ta cạo cùi dừa trong từng “mắt” pha cùng nước đường với đá tạo thành món giải khát ưa thích của người miền Tây.
Độc đáo chợ nổi
Được biết đến với tên gọi "Đất chín rồng", đồng bằng sông Cửu Long là nơi có những dòng sông chở nặng phù sa, cuốn hút bởi vẻ đẹp nguyên sơ, đời sống bình dị và dân dã với những nét sinh hoạt văn hóa vô cùng đặc biệt.
Một trong những nét sinh hoạt độc đáo đó chính là chợ nổi, tiêu biểu hơn cả là chợ nổi Cái Răng với hình ảnh buôn bán nhộn nhịp trên sông nước đan xen cùng văn hóa của cư dân bản địa tạo nên sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước.
5 giờ sáng tinh mơ, du khách hồ hởi xuống thuyền ở bến Ninh Kiều. Để đến được chợ, người ta phải di chuyển khoảng 6km, dọc theo hai bờ sông là những ngôi nhà nhỏ san sát nhau, được lợp bằng mái tôn hay mái tranh nằm chênh vênh trên các cột gỗ, hoặc cột bê tông cốt thép, giống như những ngôi nhà sàn trên mặt nước.
Anh Hoàng lái thuyền cho biết, chỉ những gia đình có điều kiện mới đủ khả năng làm cột nhà bằng bê tông cốt thép. Những người vất vả, nghèo khó hơn chỉ dùng cột gỗ, thường là thân cây sao đen có khả năng chịu đựng được nước và độ ẩm cao từ 10 đến 15 năm.
Mùa mưa ở đây thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12, lúc này những cây cột nhà nằm chìm sâu dưới nước chỉ còn phần nhà chính cách mặt nước khoảng nửa thước đến 1m, khiến ai nhìn thấy cũng nhói lòng bởi sự lam lũ vất vả của con người miền Tây sông nước. Có những gia đình vì quá khó khăn, họ sinh sống ngay trên những con thuyền nhỏ của mình, con thuyền vừa là phương tiện kiếm sống, vừa là ngôi nhà che nắng che mưa, là nơi nghỉ khi đêm về. Nhưng dù trong hoàn cảnh thế nào, người miền Tây vẫn giữ được nét hồn hậu, yêu đời đáng quý.
Đang mải mỉm cười với mấy đứa nhỏ, tôi chợt nhận ra mình đã tới chợ qua câu rao có vần, có điệu cất lên với làn hơi dài mướt: "Trầu, cau, vôi, thuốc, mắm ruốc, khoai lang, mía tây, dừa tươi… hôn!".
Trên bến sông rộng lớn này cũng xảy ra tình trạng “tắc sông” không phải do quá đông ghe hàng họp chợ mà bởi quá nhiều thuyền chở khách du lịch tham quan. Thuyền của chúng tôi áp sát những ghe thuyền chở đầy rau củ quả như: dừa, bí ngô, cà chua, dưa hấu… để khách tham quan có thể chụp ảnh mua bán. Động cơ của những chiếc ghe thuyền máy ầm ĩ xen lẫn tiếng mời chào của người bán hàng tạo nên một thứ âm thanh hỗn tạp trong bầu không khí nhộn nhịp, sầm uất đầy sinh khí.
Người mua cần gì thì nhìn cây bẹo treo mặt hàng mà gọi lại để mua. Người bán cân đo, đong đếm cũng chỉ mang tính ước chừng chứ không quá chi li. Rau bán mớ, trầu bán ốp (xấp), cau, khóm, xoài, cam… bán bằng chục, ba khía bán bằng con... Và ở trên khúc sông buôn bán ấy chẳng thể thiếu được những chiếc xuồng bán bánh cam, bánh còng cho bọn trẻ nhỏ, cũng như du khách muốn thưởng thức một lần khi đến đây.
Xuồng bánh cam ghé lại, người bán bánh thoăn thoắt lấy lá gói mấy cái bánh đưa cho người mua, rồi lại tất tả ngược xuôi để mong sao rổ bánh mau hết để trở về nhà. Bánh cam, bánh còng chẳng phải món ăn cao sang nhưng nó là tuổi thơ của người dân miền sông nước. Có bôn ba khắp nẻo đường đời họ vẫn nhớ cái bánh ngọt lịm như lời ru của mẹ thuở nào: "Nhớ vị ngọt, cái bánh xưa. Nhớ hình bóng mẹ nắng mưa tảo tần".
Mặt trời lên cao, cũng là lúc tôi kết thúc hành trình khám phá chợ nổi của mình. Thuyền máy lại đưa tôi trở lại điểm xuất phát ban đầu, lại đi ngang qua những ngôi nhà tuềnh toàng, bé nhỏ, xa xa dần hiện ra những tòa nhà cao tầng hiện đại phía trước, tạo nên một quang cảnh đầy mâu thuẫn trong ánh mắt của kẻ lữ khách phương xa.
Bùi Trung Dũng