Về miền di sản
Xưa, di chỉ Óc Eo - Ba Thê nằm lẻ loi giữa cánh đồng mênh mông, bát ngát được các nhà khảo cổ phát hiện và khai quật, từng bước làm sáng tỏ nhiều điều bí ẩn còn ẩn chứa cách đây hàng ngàn năm. Có rất nhiều hiện vật được khai quật, nguồn tư liệu lịch sử quý giá, bằng chứng quan trọng về một nền nền văn minh cổ trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, có mối liên hệ nhất định với lịch sử phát triển của cả vùng Đông Nam Á xưa kia.
Trong một tương lai không xa, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê sẽ được Việt Nam trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây không chỉ là tài sản vô giá của của người dân xứ Thoại Hà mà còn của cả vùng ĐBSCL, nhất là trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị vốn có của nó.
Năm 1944, Louis Malleret phát hiện ở phía Đông núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn) có những dấu tích của một nền văn hóa cổ.
Những bằng chứng khảo cổ cho thấy, Óc Eo từng là một trung tâm kinh tế, văn hóa và tôn giáo quan trọng của Vương quốc Phù Nam. Nơi đây có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, kết nối đan xen với các vùng lân cận và giao thương với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, có tổng diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 433ha; trong đó, diện tích khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) là 143,9ha, cánh đồng Óc Eo (khu B) là hơn 289ha. Di tích gồm các loại hình tiêu biểu: Di tích kiến trúc, di chỉ cư trú, di chỉ mộ táng, di chỉ xưởng, hệ thống giao thông thủy, baray (hồ chứa nước)…
Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, nơi lưu giữ và trưng bày hàng trăm hiện vật quý giá được khai quật, giúp đó giúp du khách hình dung rõ nét hơn về đời sống văn hóa, kinh tế và tín ngưỡng của cư dân Vương quốc Phù Nam cổ đại.
Hàng ngàn hiện vật khảo cổ được trưng bày tại đây, từ đồ gốm, tượng thần, trang sức, tiền cổ... cho đến những công cụ sản xuất, sinh hoạt của người Phù Nam xưa.
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những di vật tinh xảo, tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng và đời sống của một nền văn minh rực rỡ từng tồn tại trên vùng đất Nam Bộ.
Đồ trang sức đá quý được các nhà khảo cổ tìm thấy với số lượng lớn.
Dẫn chúng tôi tham quan tại Khu di tích Gò Cây thị A, anh Trần Thế Khá (Ban Quản lý Khu di tích văn hóa Óc Eo) cho biết, nơi đây có kiến trúc dạng bình đồ, hình chữ nhật, chia làm hai phần: Tiền điện (cửa đền) và trung tâm hành chính điện.
Khu vực này từng là trung tâm kinh tế, chính trị và tôn giáo của người Phù Nam, có vị trí địa lý thuận lợi, là một trung tâm giao thương và trao đổi văn hóa.
.
Khu di tích Gò Cây Thị B trong quần thể Di chỉ Óc Eo - Ba Thê. Theo lời của Trần Thế Khá (Ban Quản lý Khu di tích văn hóa Óc Eo), nơi đây từng là nơi dùng để hỏa táng người đã khuất. Bởi, khi khai quật nơi này, các nhà khảo khổ còn thấy lớp tro tàn vẫn còn đó.
Di tích Gò Cây Thị thuộc loại kiến trúc cung đình mang tính tôn giáo. Trước đây, một số tượng Phật bằng đồng được tìm thấy quanh gò này, cách khoảng 20m về phía Đông (di tích Gò Cây Thị B) là kiến trúc mộ hỏa táng được xây bằng gạch và đá. Cả 2 di tích đều được xây dựng trên 1 tầng văn hóa cư trú chứa nhiều gốm mịn Óc Eo và cọc nhà sàn.
Di tích khảo cổ Nam Linh Sơn Tự nằm trên sườn phía Đông của núi Ba Thê ở độ cao khoảng 30m so với mặt nước biển, cách chùa Linh Sơn (Ba Thê) về phía Nam khoảng 60m. Di tích có niên đại từ thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên và tiếp tục tồn tại cho đến thế kỷ 7 thì bị đất, cát chôn vùi. Kiến trúc này phản ánh một trình độ văn minh khá cao của dân cư cổ Phù Nam thuộc khu vực châu thổ sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng.
Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo đang khẩn trương hoàn tất các hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình Tổ chức Giáo dục, khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Năm 2012, Di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Nằm cặp bên di tích khảo cổ Nam Linh Sơn Tự là chùa Linh Sơn. Chùa được xây dựng bên trên nền móng của một công trình kiến trúc cổ. Trong chùa hiện đang lưu giữ tượng thần Vishnu, hai bia đá và nhiều hiện vật khác có giá trị.
Chùa Linh Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1988.
Cảnh quan thiên nhiên xung quanh chùa Linh Sơn rất đẹp, với khí hậu thoáng đãng, trong lành. Đến đây, chúng ta có thể tận hưởng không khí trong lành, yên bình và thư giãn sau những giờ phút khám phá lịch sử. Hãy đến đây tham quan để phần nào hiểu thêm về các giá trị lịch sử của dân tộc ta.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ve-mien-di-san-a412359.html