Về miền Hoa Ban
Tôi may mắn được lên thăm mảnh đất miền Tây Bắc vào đúng mùa hoa ban đua nhau khoe sắc. Điện Biên - vùng đất bom đạn, khói lửa ngày nào trong chiến tranh giờ đây khoác lên mình diện mạo mới. Trên những con đường đèo, dốc núi, ngõ nhỏ, phố nhỏ... hoa ban bung nở như minh chứng cho vẻ đẹp thiên nhiên, con người Tây Bắc. Những chứng tích lịch sử hào hùng, những con người thân thiện, mến khách và vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc hùng vĩ... gây thương nhớ đong đầy cho người lữ khách.
Mảnh đất huyền thoại
...Tháng 3 về miền Tây Bắc, tôi mải miết ngắm nhìn hoa ban bung nở những cánh trắng xinh giữa núi rừng dọc Quốc lộ 6 lên các tỉnh Sơn La, Điện Biên và ở trung tâm TP Điện Biên Phủ. Những cánh hoa ban mỏng manh như minh chứng cho sự thuần thiết, thủy chung và sức sống bền bỉ, kiên cường của mảnh đất, con người nơi đây.
Nơi đèo Pha Đin huyền thoại - những đoàn xe dừng lại tại các trạm dừng nghỉ để du khách mua sắm những sản vật đặc sản của vùng Tây Bắc, cùng nhau tìm hiểu về lịch sử hào hùng của đèo Pha Đin, về câu chuyện “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ” trong chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng năm 1954. Đèo Pha Đin dài 32km, điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển. Cách đây 70 năm là nơi hứng chịu nhiều trận bom đạn oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, thực phẩm của quân và dân Việt Nam phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới làn bom đạn của kẻ thù, với lòng quyết tâm và tinh thần quả cảm, bộ đội, dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong vẫn bám trụ, vừa phá đá mở đường, vừa tháo gỡ bom mìn, giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến dịch đến ngày toàn thắng.
Những ngày trên vùng đất Điện Biên, tại các điểm di tích thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ như: Đồi A1, Đồi D, Đồi Độc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm Đờ Cát), tượng đài Chiến thắng (TP Điện Biên Phủ) và Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (Mường Phăng)... tôi chứng kiến nhiều đoàn khách nước ngoài, du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Tại Nghĩa trang liệt sĩ A1; Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thế hệ trẻ chúng tôi, nghiêng mình kính cẩn, xúc động thắp những nén hương thơm trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong buổi sớm mai, trong khuôn viên Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, những em bé của Trường Mầm non số 2, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên được các cô giáo hướng dẫn vào thăm di tích. Những khuôn mặt ngây thơ, tròn vạnh, chiếc áo đỏ có hình sao vàng nổi bật trong nắng sớm khiến những người chứng kiến xúc động. Để có độc lập, tự do như ngày hôm nay, biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho quê hương, đất nước đến ngày toàn thắng. Trước cổng Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ là những dòng chữ thân thương “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới lên cao đến thắng lợi hoàn toàn” (7.5.1964 - Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Ở TP Điện Biên Phủ, cầu Mường Thanh - di tích lịch sử bắc qua sông Nậm Rốm chảy hiền hòa. Cây cầu minh chứng cho tinh thần bất khuất của quân và dân ta. Ngay cầu Mường Thanh là bức phù điêu và những dòng chữ ghi lại thời khắc lịch sử trọng đại cách đây 70 năm: “14 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, Đại đội 360, Đại đoàn 312 tiến công vượt cầu Mường Thanh, tiêu diệt ổ trọng liên 4 nòng của địch, đánh thẳng vào Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”. Ngày nay, cỗ trọng liên 4 nòng - Bảo vệ Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị thủ pháo của Đại đội 360, Đại đoàn 312 và đạn pháo của Đại đoàn công - Pháo 351 tiêu diệt hồi 16 giờ 00 phút ngày 7 tháng 5 năm 1954, được đặt ngay cầu Mường Thanh như minh chứng cho trận đánh lịch sử 70 năm về trước. Trên cầu Mường Thanh, tôi gặp em bé Điện Biên bên chiếc súng trọng liên 4 nòng nở nụ cười thân thiện, hồn nhiên khi gặp người khách lạ.
Về vùng đất Mường Phăng, thăm Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, câu ca “Vinh quang thay đất Mường Phăng/ Có hầm Đại tướng, có rừng chỉ huy” được người dân nơi đây tự hào giới thiệu khi du khách về thăm. Chị thuyết minh viên hướng dẫn du khách dâng hương trong nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thăm các điểm di tích. Trong âm hưởng của núi rừng Mường Phăng, được nghe những câu chuyện về tình quân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng trí tuệ, bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của 70 năm về trước. Thế hệ trẻ chúng con xin bày tỏ lòng biết ơn trước sự hy sinh lớn lao của cha anh đã làm nên cuộc chiến thắng vĩ đại, để quê hương, đất nước hòa bình, độc lập.
Xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến hấp dẫn
Những ngày ở Điện Biên, ngoài đến thăm các điểm di tích, tôi có dịp gặp gỡ những người con Thanh Hóa đang sinh sống, làm việc ở TP Điện Biên Phủ. Họ là những người đã dành cả tuổi thanh xuân trong chiến tranh rồi gắn bó với mảnh đất Điện Biên cho đến ngày hôm nay. Đó là chiến sĩ Điện Biên Lê Thế Duệ, quê ở huyện Hoằng Hóa năm nay đã gần 90 tuổi; là cựu thanh niên xung phong Lê Trần Cát quê ở huyện Hậu Lộc đã có hơn 60 năm gắn bó với vùng đất Điện Biên; là cựu dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Lý, quê ở huyện Thọ Xuân... Còn những người trẻ với khao khát được lập thân, lập nghiệp trên vùng đất mới, đã khoác “ba lô” lên vùng đất Điện Biên như anh Võ Văn Tâm quê ở Thọ Xuân đang công tác tại Báo Điện Biên Phủ; anh Lê Ngọc Huấn quê ở huyện Hoằng Hóa, hiện đang công tác tại Kho bạc tỉnh Điện Biên... đã phối hợp với những người bạn mở trang trại nuôi cá tầm ở Mường Phăng, nhà hàng cá tầm ở TP Điện Biên Phủ...
Đã hơn 10 năm sinh sống ở Điện Biên, anh Võ Văn Tâm, phóng viên Báo Điện Biên Phủ kể với tôi về cảm nhận của anh trên quê hương thứ 2. Điện Biên đã và đang đổi thay từng ngày với những công trình hạ tầng, đường giao thông thuận lợi, điện thắp sáng bản làng, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách thập phương. Cánh đồng Mường Thanh trong lịch sử hào hùng giờ đây là “vựa lúa” rộng lớn cung cấp nhiều loại gạo thơm, dẻo, đại diện cho đặc sản Tây Bắc đến mọi miền Tổ quốc. Năm 2024 là năm du lịch quốc gia được tổ chức tại tỉnh Điện Biên với nhiều hoạt động ý nghĩa gắn với Lễ hội Hoa Ban. Đây là dịp quảng bá, giới thiệu với du khách thập phương về sản phẩm du lịch đặc trưng, mảnh đất, con người Điện Biên, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025.
...Rời Tây Bắc, rời mảnh đất Điện Biên thân yêu, tôi nhớ đôi mắt trong veo, nụ cười thân thiện của em bé Điện Biên bên cầu Mường Thanh. Nhớ những cánh hoa ban trắng xinh, biểu trưng cho tình yêu bất diệt, thể hiện ước vọng ngàn đời của cộng đồng các dân tộc về hạnh phúc vĩnh cửu. Từ di tích chiến trường Điện Biên Phủ đến những con đường đèo dốc núi, ngõ nhỏ, phố nhỏ ở Điện Biên mang trong mình dấu ấn của một thời lịch sử hào hùng. Cùng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã và đang góp phần đưa Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của mảnh đất Tây Bắc.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ve-mien-hoa-ban-30975.htm