Về nghe tiếng vọng non sông
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những người Việt ở khắp năm châu tìm về ngôi nhà của mình để cảm nhận và tự hào về một dân tộc kiên cường, rồi tự hỏi về khí chất cây tre Việt Nam phải chăng đã biến mỗi người thành một Phù Đổng Thiên Vương khi đất nước lâm nguy?
Tiếng gót giày rầm rập của đội diễu binh, diễu hành trên đường phố trong Thành phố mang tên Bác, từng đoàn quân bước đi giữa rừng cờ đã chuyển tới bạn bè trên thế giới về một dân tộc Việt Nam kiên cường. Còn nhớ năm 2024, tờ Spunik của Nga xếp hạng, chỉ số sức mạnh chiến đấu của Việt Nam là 0,3158, vị trí 22/145 quốc gia. Nhưng nếu Spunik cộng thêm địa hình núi rừng hiểm trở, sông suối khắp nơi, chiến hào lòng dân trên dải đất hình chữ S thì xếp hạng sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Những bước chân rầm rập không chỉ gợi nhắc đến dấu mốc 50 năm, mà sâu xa hơn, làm vọng lên trong tấm lòng của hàng triệu con cháu Lạc Hồng về một dân tộc kiên cường gắn với những chiến công hiển hách: Trận Bạch Đằng (năm 938), trận Như Nguyệt (năm 1077), trận Chi Lăng Xương Giang (năm 1427), trận Ngọc Hồi Đống Đa (năm 1789), Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), trận Điện Biên Phủ trên không (năm 1972) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975).
Tổng Bí thư Tô Lâm nhân sự kiện 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã nhấn mạnh: "Cuộc chiến tranh đã qua không còn là hố ngăn cách giữa những người con cùng một dòng máu Lạc Hồng... Không có lý do gì để những người Việt Nam - cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh - lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách".
Hai tiếng "quê hương" càng trở nên da diết trong trái tim của mọi người. Nhịp đập đó hòa trong lời hiệu triệu bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Tổng Bí thư kêu gọi người Việt ở khắp năm châu bốn bể, hãy trở về chung tay xây dựng ngôi nhà của con Lạc cháu Hồng, về nghe tiếng gọi non sông.

Hàng triệu trái tim đang hướng về Thành phố mang tên Bác, nghe tiếng non sông vọng về
Xuất hiện trên nhiều tờ báo, ông Lương Xuân Hòa - Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan) - chia sẻ: Rất vinh dự khi được về TPHCM ngay dịp đất nước kỷ niệm 50 năm thống nhất. Khi về Việt Nam, kiều bào đều đến kính cẩn nghiêng mình trước tượng đài Hồ Chí Minh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ông Hòa kể, trước năm 1975, kiều bào Thái Lan thường quyên góp tiền ủng hộ cuộc kháng chiến của cách mạng Việt Nam bằng cách tổ chức đám cưới giả để quyên góp tiền, tổng số tiền gởi về Việt Nam là hơn 10 triệu USD.
Bà Trần Thị Chang - Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam kể về những hoạt động cầu nối giữa 2 nước nhằm giúp các y bác sĩ nâng cao trình độ, hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo. Bà công tác tại Viện Tim quốc gia Malaysia nên đã nhiều lần hỗ trợ cho y bác sĩ từ Việt Nam sang nước bạn để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ ngành y. Bà tâm sự, đi xa càng thấy yêu hơn đất nước và dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình và cũng sẵn sàng đứng lên để giành độc lập cho đất nước mình, với tinh thần Không có gì quý hơn độc lập - tự do.
Nhân dịp này, mỗi người dân Việt Nam đều có một nghĩa cử, hành động để thể hiện niềm vui ngày thống nhất đất nước. Chàng thanh niên Đào Quang Hà (24 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) đã xuất phát từ tỉnh Hà Nội vào TPHCM bằng chiếc xe đạp cũ của ông ngoại để chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành; cựu chiến binh Trần Văn Thanh (76 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) đã chạy xe máy vào Thành phố mang tên Bác để đón mừng sự kiện trọng đại.
Họ chỉ là 2 trong hàng triệu người dân Việt Nam đang đổ về Thành phố mang tên Bác, hoặc hướng về Thành phố này để lắng nghe tiếng gọi non sông.
Trong tháng 4 lịch sử này, hơn 60 kiều bào ở 24 vùng, lãnh thổ đã về quê hương và tham gia chuyến hải trình ra thăm Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Bà Trương Thị Hồng, kiều bào tại Israel và ông Hoàng Xuân Bình, kiều bào tại Ba Lan và nhiều bà con đã chia sẻ cảm xúc khi đất nước liền một dải, đồng thời còn vươn mình ra trụ vững trên Biển Đông, nhiều người cất cao bài hát về quê hương đất nước.
Những ngày này, nhiều tờ báo phản ảnh câu chuyện kiều bào trên khắp thế giới, nhất là thế hệ sinh ra sau năm 1975 tìm về quê cha đất tổ. Nhiều người mang theo câu hỏi và niềm tự hào "Vì sao dân tộc bên lũy tre làng lại chiến thắng những siêu cường số 1 trên thế giới, mỗi con người Việt Nam như một cây tre hiền lành và phải chăng lúc đất nước có giặc thì họ lại biến thành bó tre trên tay của Thánh Gióng?".
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, có một hình ảnh Chiến thắng lay động lòng người, đó là người lính Hồng quân Liên Xô cắm cờ trên nóc tòa nhà Reichstag Quốc hội Đức vào ngày 30/4/1945. Khung cảnh xung quanh mù mịt khói đạn và đổ nát. Còn vào ngày 30/4/1975, lá cờ 2 màu xanh, đỏ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên Dinh Độc Lập giữa một thành phố còn vẹn nguyên.
Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh - đã viết trong cuốn hồi ký: "Đánh vào Sài Gòn như thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào mà không dẫn tới chỗ làm cho đồng bào bị thiệt hại nhiều về tính mạng, cuộc sống mau trở lại bình thường...".
Sài Gòn, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước giờ đã mang tên TPHCM. Đất Gia Định, Bến Nghé xưa giờ đây càng lùi sâu vào sử sách khi TPHCM được mở rộng đơn vị hành chính, nhập thêm 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. TPHCM đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt từ 13.000 - 14.000 USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm dao động khoảng 8 - 8,5%. Thành phố mang tên Bác, vị thế đầu tàu kinh tế của đất nước đã thu hút bước chân trở về của con Lạc cháu Hồng ở khắp năm châu. Mọi người về đây theo tiếng gọi của non sông, thực hiện ước nguyện của Bác Hồ trước lúc đi xa: "Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn... Không có gì quý hơn độc lập - tự do!".