Đoàn kết để bảo vệ và dựng xây Thành phố

Nhớ lại chiến thắng lịch sử 30/4/1975 là để cả dân tộc ta cùng nhìn lại để yêu đất nước hơn, quý trọng từng giọt máu của các tầng lớp cha anh đã đổ ra suốt 30 năm đấu tranh giành giành độc lập, để từ đó cùng đoàn kết xây dựng đất nước, xứng đáng với con cháu Vua Hùng.

Cùng làm lành những vết thương

Lịch sử thế giới từng biết rõ rằng, cuộc cách mạng nào cũng đầy nước mắt và những nụ cười, nhưng cách mạng sẽ làm thay đổi tất cả chúng ta. Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 cũng vậy. Đây là trang sử hào hùng của dân tộc về dựng nước, giữ nước. Sự kiện 30/4/1975 đâu đó có thấp thoáng nước mắt, nụ cười, nhưng những người con của đất mẹ Việt Nam đã hiểu và thấm nhuần lợi ích dân tộc, đất nước là trên hết, chính nghĩa là trên tất cả. Chúng ta có chính nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự hy sinh của toàn dân để có chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975

Ngày nay, giang sơn quy về một mối. Việt Nam của chúng ta bước vào kỷ nguyên thống nhất, dân tộc chúng ta độc lập, tự do. Để có chiến thắng vĩ đại 30/4/1975, dân và quân ta đã đổ biết bao xương máu. Theo thống kê sơ bộ, cả nước có 1.146.250 liệt sĩ, trong đó có 191.605 liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 105.627 liệt sỹ hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc như chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo... Hơn 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy, thi thể các anh còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, biển Đông... Ngoài ra, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có khoảng hơn 4 triệu đồng bào Việt Nam ở hai miền Bắc và Nam đã chết và bị thương tật suốt đời do bom đạn.

Bến Bạch Đằng, TPHCM trong những ngày tháng Tư lịch sử

Bến Bạch Đằng, TPHCM trong những ngày tháng Tư lịch sử

Một đất nước mà có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn các tỉnh thành, đủ thấy sự đánh đổi không gì so sánh nổi. Cái giá của hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ là quá đắt, nhưng đó là khát vọng ngàn đời của cả dân tộc Việt Nam mà không thế lực nào có thể ngăn cản được. Chiến tranh qua đi không chỉ để lại những mất mát về người và của, mà còn là những nỗi đau tâm lý và rạn nứt trong mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt là sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một bộ phận người dân do bị tuyên truyền sai lệch, chưa nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hoặc vì những lý do khác nhau đã chọn rời xa quê hương để định cư tại một số quốc gia trên thế giới. Họ cũng chưa hiểu để chia sẻ khát vọng của một dân tộc đang vươn lên, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do, văn minh và phát triển. Lỗi này thuộc về chúng ta, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin về chính sách đại đoàn kết của dân tộc, để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền sai sự thật.

Còn nhớ, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước (2005), cố Thủ tướng Phan Văn Khải có bài phát biểu rất ấn tượng: "Vận nước vừa thôi thúc, vừa tạo cơ hội tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước trong khối đại đoàn kết dân tộc, chung lòng và dốc sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phân biệt quá khứ và vượt lên trên những sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế... và cả sự khác nhau về chính kiến". Cũng trong bài phát biểu này, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh: "30 năm qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất, trong dân số nước ta hiện nay, 60% là những người sinh sau ngày 30/4/1975". Điều này cho thấy quá khứ đã thuộc về quá khứ và hãy hướng về tương lai.

Du thuyền quốc tế tiến vào cảng Sài Gòn

Du thuyền quốc tế tiến vào cảng Sài Gòn

Ngày 31/3/2005, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn báo Quốc tế: "Một sự kiện (chiến thắng 30/4/2005) liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu". Và trong một bài báo khác, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể câu chuyện một lần cùng cố Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đến thăm các cháu thiếu nhi đang vui chơi trong vườn Tao Đàn. Tại đây, cố Thủ tướng đã nói: "Nhìn những cháu bé đang chơi với nhau, làm sao có thể phân biệt được cháu nào có đạo, cháu nào không, cháu nào là "con quốc gia", cháu nào là "con cộng sản". Đức Tổng Giám mục đồng tình: "Chỉ người lớn mới phải chịu trách nhiệm về những sự phân biệt đó”. Một vị chính khách, một vị tu hành hoàn toàn gặp nhau ở ý nghĩa trách nhiệm. Vậy mà cho đến hôm nay, ở đâu đó vẫn còn những định kiến hẹp hòi.

Đưa thành phố phát triển mạnh mẽ

Từ năm 2005 - 2006, một số nhân vật nổi tiếng từ nước ngoài trở về, chính sách đại đoàn kết dân tộc của chúng ta đã được phát huy. Đó là sự trở về của ông Nguyễn Cao Kỳ và nhạc sĩ Phạm Duy. Trong hai nhân vật này, ai là người trở về nhẹ nhàng hơn? Nhẹ nhàng hay nặng nề tùy suy nghĩ của mỗi người, nhưng cả hai đều "tự làm lành vết thương" để trở về, dù ở bên kia Thái Bình Dương vẫn có những người cực đoan gọi họ là những kẻ "chiêu hồi". Tết năm 2006, người ta nhìn thấy ông Kỳ ung dung dạo phố Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy thì đứng chung sân khấu với nhạc sĩ cách mạng Nguyễn Văn Tý, GS-TS Trần Văn Khê, giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ.

"Tự làm lành vết thương" là dòng chữ của TS Nguyễn Xuân Thu, nguyên giảng viên chính Đại Công nghệ Hoàng gia Melbourne (ĐH RMIT - Úc), người đã từng phải tập trung cải tạo 5 năm sau 1975 và từ tháng 3/1997 đã tự nguyện rời giảng đường RMIT để trở về làm việc tại Việt Nam. Ông tâm sự rằng, ông là một đứa trẻ mồ côi lớn lên ở một tỉnh miền Trung, giờ đây ông muốn được làm điều gì đó cho quê hương. Và để thực hiện mong muốn đó, ông đã phải tìm cách tự làm lành vết thương trong quá khứ. TS Nguyễn Xuân Thu viết trên Journal of Vietnamese: "Bạn không thể làm lành vết thương của mình bằng cách nhìn lại quá khứ và bạn cũng không thể tạo dựng được một tương lai tốt đẹp cho con cái mình bằng thù hận. Quá khứ cần thuộc về quá khứ. Tương lai là cách duy nhất để đem lại sự an bình và hạnh phúc". Chúng ta, người Việt trong và ngoài nước đều đang tự làm lành vết thương, thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu...

TPHCM đẹp lung linh khi đêm về

TPHCM đẹp lung linh khi đêm về

Sáng 26/02, phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn tại TPHCM, về kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu: "Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước là sự kiện trọng đại của lịch sử. Vì đây là kết thúc cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân, cũng là chiến thắng cuối cùng, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên hòa bình. Cho nên, kỷ niệm dấu mốc 50 năm là để khẳng định giá trị của hòa bình, chứ không phải là chuyện hơn thua".

Người đứng đầu Thành ủy cũng bày tỏ: "Chúng ta tổ chức sự kiện 50 năm để thể hiện đất nước trải qua một chặng đường đầy thử thách của dân tộc, để đạt được thành quả, cơ đồ và tiềm lực như hôm nay. Nếu không có ngày 30/4 của 50 năm trước thì không có ngày hôm nay". Và theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, kỷ niệm ngày chiến thắng để lan tỏa niềm tự hào trong tất cả các thế hệ và để nhận lãnh sứ mệnh tiếp tục phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

NHÓM PV THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/doan-ket-de-bao-ve-va-dung-xay-thanh-pho_177382.html