Về nguồn tri ân bên dòng Cổ Chiên

Hướng tới kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2022), Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh, Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 (Quân khu 7) phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và một số mạnh thường quân, đã tổ chức hoạt động về nguồn, tri ân người có công ở vùng quê cách mạng bên bờ sông Cổ Chiên.

Địa chỉ đoàn về nguồn tri ân là xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Nhà thơ, doanh nhân cựu chiến binh Phạm Thanh Long, nguyên cán bộ Sư đoàn 5 (Quân khu 7), người tham gia kết nối, tổ chức chuyến về nguồn đậm tính nhân văn này cho biết: Đức Mỹ là vùng căn cứ kháng chiến nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đức Mỹ là nơi được Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định (C112) đặt căn cứ chỉ đạo kháng chiến. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng… đã về đây hoạt động, xây dựng căn cứ, trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong vùng.

 Căn nhà tình nghĩa tặng gia đình bà Võ Thị Đát được xây dựng khang trang.

Căn nhà tình nghĩa tặng gia đình bà Võ Thị Đát được xây dựng khang trang.

 Các cựu chiến binh ân cần thăm hỏi, tặng quà bà Võ Thị Đát trong buổi khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa.

Các cựu chiến binh ân cần thăm hỏi, tặng quà bà Võ Thị Đát trong buổi khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa.

Buổi lễ bàn giao nhà tình thương cho gia đình bà Võ Thúy Hằng diễn ra trong không khí nghĩa tình, ấm áp, với sự tham dự của lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh Trà Vinh.

Buổi lễ bàn giao nhà tình thương cho gia đình bà Võ Thúy Hằng diễn ra trong không khí nghĩa tình, ấm áp, với sự tham dự của lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh Trà Vinh.

 Các cựu chiến binh đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Dung.

Các cựu chiến binh đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Dung.

Với địa thế thuận lợi, những xóm, ấp của đồng bào nằm rải rác dọc bờ sông Cổ Chiên, giữa bạt ngàn rừng dừa nước, Đức Mỹ là địa bàn lý tưởng để xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng dân. Nhạc phụ, nhạc mẫu của nhà thơ, doanh nhân Phạm Thanh Long là một trong những gia đình cách mạng tiêu biểu, đã tổ chức nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao của Đảng trong suốt thời kỳ kháng chiến.

Đồng chí Nguyễn Tấn Khải, Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ cho biết: Đức Mỹ trong kháng chiến được mệnh danh là nơi “dễ vào, khó ra” của địch. Với phương châm mỗi xóm, ấp là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ… đồng bào Đức Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định và Đảng bộ địa phương, đã đoàn kết, thống nhất một lòng, kiên cường bám trụ quê hương, phát triển chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, làm thất bại các cuộc hành quân càn quét của địch.

Chiến tranh đã đi qua 47 năm nhưng nỗi đau, hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng trong đời sống đồng bào dọc bờ sông Cổ Chiên. Đức Mỹ là một trong những xã có tỷ lệ hộ gia đình người có công nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Xã có 51 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện chỉ còn 3 mẹ còn sống, hơn 150 gia đình chính sách, người có công.

Đời sống của nhiều hộ dân, gia đình chính sách vẫn còn rất nhiều khó khăn. Một số ấp ở xã hiện chưa có đường ô tô. Đời sống kinh tế của bà con dựa chủ yếu bằng nghề làm vườn, trong đó dừa là sản phẩm chủ đạo. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công ở địa phương, vì thế, đang còn rất nhiều việc phải làm.

Mẹ Dung năm nay 84 tuổi, sức khỏe yếu nhưng trí tuệ vẫn anh minh. Mẹ nói: “Cả đời má đã đi theo Đảng, má muốn con cháu mình cũng vững tin trên con đường ấy mà đi…”

Mẹ Dung năm nay 84 tuổi, sức khỏe yếu nhưng trí tuệ vẫn anh minh. Mẹ nói: “Cả đời má đã đi theo Đảng, má muốn con cháu mình cũng vững tin trên con đường ấy mà đi…”

 Thăm, tặng quà bà Nguyễn Thị Năm, là vợ liệt sĩ.

Thăm, tặng quà bà Nguyễn Thị Năm, là vợ liệt sĩ.

 Đoàn đến dâng hương tại phần mộ gia đình đã nuôi giấu cán bộ cách mạng của Đảng trong kháng chiến.

Đoàn đến dâng hương tại phần mộ gia đình đã nuôi giấu cán bộ cách mạng của Đảng trong kháng chiến.

 Địa điểm dự định sẽ xây dựng công trình Bia lưu niệm Đặc khu Sài Gòn – Gia Định (C112).

Địa điểm dự định sẽ xây dựng công trình Bia lưu niệm Đặc khu Sài Gòn – Gia Định (C112).

Đại tá Lê Thanh Song, Phó chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh cho biết: Dưới sự đồng hành, hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân..., trong thời gian qua, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Cựu chiến binh, các doanh nghiệp, Ban liên lạc truyền thống một số đơn vị trên địa bàn, đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa ở các vùng quê cách mạng, với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Các cấp hội đã tổ chức xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhiều căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tổ chức trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử kháng chiến, trong đó nổi bật nhất là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt (Long An); hỗ trợ gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn; trao học bổng cho con em thương binh, liệt sĩ, người có công…

 Cảnh sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” của người dân xã Đức Mỹ.

Cảnh sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” của người dân xã Đức Mỹ.

 Một số ấp ở địa phương chưa có đường ô tô, giao thông còn nhiều khó khăn.

Một số ấp ở địa phương chưa có đường ô tô, giao thông còn nhiều khó khăn.

 Sản phẩm lao động của người dân Đức Mỹ chủ yếu là dừa.

Sản phẩm lao động của người dân Đức Mỹ chủ yếu là dừa.

Nhà thơ, doanh nhân cựu chiến binh Phạm Thanh Long (bên trái), người gắn bó sâu sắc với vùng quê cách mạng Đức Mỹ, tham gia kết nối, tổ chức chuyến về nguồn lần này.

Nhà thơ, doanh nhân cựu chiến binh Phạm Thanh Long (bên trái), người gắn bó sâu sắc với vùng quê cách mạng Đức Mỹ, tham gia kết nối, tổ chức chuyến về nguồn lần này.

Trong chuyến về nguồn lần này, các cựu chiến binh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức khánh thành, bàn giao hai căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng gia đình bà Võ Thị Đát (con liệt sĩ) và gia đình bà Võ Thúy Hằng (đối tượng người có công). Mỗi căn nhà, gia đình được hỗ trợ 50 triệu đồng cùng một số đồ gia dụng do các mạnh thường quân gửi tặng.

Đoàn đã đến thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ, gia đình có công hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Đặc biệt, đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, lập phương án xây dựng công trình Bia lưu niệm căn cứ Đặc khu Sài Gòn – Gia Định (C112): “Người dân địa phương đã hiến đất xây dựng công trình, chính quyền xã cũng đã phối hợp đặt bảng di tích. Với bề dày truyền thống của vùng quê cách mạng bên bờ sông Cổ Chiên, chúng tôi mong muốn nhận được sự đồng hành, ủng hộ cả về vật chất, tinh thần của các tổ chức, cá nhân để sớm khởi công xây dựng Bia lưu niệm căn cứ Đặc khu Sài Gòn – Gia Định” – đồng chí Nguyễn Tấn Khải, Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ nói.

Bài và ảnh: THANH KIM TÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ve-nguon-tri-an-ben-dong-co-chien-692483