'Về nhà đi con': Biên kịch nói gì trước phản ứng của khán giả về các tình tiết vô lý?

Trước những phản ứng của khán giả về các tình tiết vô lý, nhất là việc để cho Bảo - Dương hỗn láo một cách quá đáng, biên kịch Nguyễn Thu Thủy (đại diện nhóm biên kịch của phim) đã chia sẻ quan điểm về điều này.

“Về nhà đi con”, bộ phim tâm lý - tình cảm đang gây sốt màn ảnh Việt chỉ còn khoảng 22 tập nữa là kết thúc. Các nút thắt đang được tháo gỡ dần. Tuy nhiên, diễn biến phim vẫn ngả theo nhiều hướng khiến khán giả khó lòng đoán định về cái kết của phim. Đây cũng là một sự thú vị rất riêng mà trước đây nhiều bộ phim truyền hình không thể chạm tới.

Quốc nảy sinh tình cảm với Huệ khi cô xin vào làm tạp vụ tại công ty.

Quốc nảy sinh tình cảm với Huệ khi cô xin vào làm tạp vụ tại công ty.

Từ sau khi Khải (Trọng Hùng) phải vào tù vì vô ý gây tai nạn, cuộc đời của Huệ (Thu Quỳnh) cũng phải đối diện với nhiều biến cố hơn. Cô xin vào làm tạp vụ ở công ty của Quốc (Tuấn Tú) nhưng không ngờ đây chính nơi cô vướng phải lưới tình của Quốc. Dù bên ngoài Huệ tỏ ra không thích Quốc nhưng trong lòng Huệ đã có chút rung rinh.

Trong khi đó, sau khi phát hiện ra Quốc chính là “game thủ” mà mình “thầm thương trộm nhớ” bấy lâu thì Dương (Bảo Hân) cũng tìm mọi cách để tiếp cận hòng chiếm trái tim của “chú Quốc”. Trớ trêu thay, khi đang nuôi bao nhiêu hy vọng thì cô bé 19 tuổi này lại phát hiện ra Quốc thích chị gái mình. Bi kịch nảy sinh khi Dương bỏ nhà đi trong đêm mưa và khi trở về lại xem chị gái như một tình địch.

“Chị Huệ ạ, tôi sợ chị rồi đấy. Sợ đến nỗi rùng mình rồi đây này. Tốt nhất chị cứ từ từ mà tận hưởng tình yêu đi. Người dối trá mà có được hạnh phúc cũng là điều bình thường”, Dương buông lời với Huệ. Không chỉ thế, khi thấy Thư đến, Dương không suy nghĩ mà nói luôn: “Từ giờ phút này, em chỉ có một người chị là chị thôi”.

Ở tập 60, Dương đã có những lời hết sức hỗn láo với chị gái khiến khán giả "không chịu nổi".

Ở tập 60, Dương đã có những lời hết sức hỗn láo với chị gái khiến khán giả "không chịu nổi".

Ngay sau khi kết thúc tập 60, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS đã bày tỏ: “Tôi bắt đầu thấy Ánh Dương vô lý đến mức phi logic. Tôi nhớ năm tôi 19 tuổi, tôi cũng không vô lý như thế, mà những cô bé 19 tuổi khác cũng không vô lý đến mức đó”.

Không dừng ở đó, bản thân Bảo cũng có nhiều câu thoại hỗn láo với bố. Khi đi tìm Dương ở công viên, Bảo “đốp” vào mặt bố mình và Huệ: “Tự gây ra hậu quả thì tìm cách khắc phục thôi”. Khi bị Quốc chỉnh đốn thái độ, cậu thản nhiên nói bố: “Đồ bẩn tính”. Trước đó, Bảo cũng nhiều lần hục hặc với bố vì chuyện tình cảm với Dương.

Trên trang Fanpage của phim, nhiều khán giả cũng tỏ ra bất bình khi biên kịch và đạo diễn để cho hai chị em cùng thích một người đàn ông và chuyện báo quá đà khi có những câu không đúng mực với bố mình.

“Biên kịch xây dựng Dương như một thần tượng của giới trẻ. Cá tính mạnh, thẳng thắn... khiến người xem trông ngóng từng tập nhưng rồi cái kết lại mất lòng người xem. Việc cố chấp, thích bố bạn thân khiến em bị khán giả ghét, chửi là bệnh hoạn. Bảo từ đầu phim vốn ngoan ngoãn giờ ăn nói vô lễ, biểu cảm trâng tráo với người lớn”, Nguyễn Thế Anh bình luận.

Biết là phim khắc họa chân thật cuộc sống của lớp trẻ bây giờ ở một khía cạnh nhất định. Nhưng có những lời nói, hành động rất láo và hỗn từ Thư, Dương, Bảo. Càng coi càng thấy tức và nhảm chứ không biết chân thật như thế nào.

Có thể là xây dựng hình tượng họ hơi hỗn hào nhưng dùng các từ ngữ như vài tập vừa rồi chiếu thì quả thực hỗn hào quá đáng. Nhân vật Dương từ đầu yêu mến bao nhiêu thì giờ lại thấy ghét. Chả muốn xem phim nữa”, An Nhiên bày tỏ.

Thái độ hỗn láo của Bảo khi gặp bố và Huệ cũng bị cho là quá trớn.

Thái độ hỗn láo của Bảo khi gặp bố và Huệ cũng bị cho là quá trớn.

“Dương tập vừa rồi quá đáng quá! Quá đáng với cả Bảo và chị Huệ. Đạo diễn xây dựng nhân vật này hơi sai sai. Một cô bé yêu chị như mẹ và sống tình cảm như thế không thể vì tình yêu mà đối xử cạn tình và ăn nói hỗn láo với chị mình như thế được. Làm mất cảm tình quá. Cô bé lúc trước đáng yêu bao nhiêu, bây giờ thấy đáng trách”, khán giả Nhím bức xúc.

Biên kịch cho Bảo láo quá! Ai lại chửi bố đồ bẩn tính. Trong khi đó Bảo mới 19 tuổi mà nhìn qua cách nói chuyện từ đầu phim thì có vẻ khá ngoan ngoãn”, Mèo sứt tai nói.

Khán giả Thu Hương đề nghị: “Ê-kíp nên ngưng việc xây dựng Dương theo chiều hướng này, làm mất đi vẻ đáng yêu, trong sáng của cô bé. 19 tuổi mà ăn thua, hằn học với chị gái vì người đàn ông đáng tuổi bố mình”.

Biên kịch Nguyễn Thu Thủy - đại diện tổ biên kịch của phim cho rằng, trong kịch bản, tuyến bố con Quốc - Bảo là một tuyến nhân vật khá đặc biệt. Nếu ông Sơn là tuýp gà trống nuôi con truyền thống thì Quốc là gà trống nuôi con thời hiện đại. Cách Quốc đối xử với Bảo không chỉ như với một cậu con trai mà còn giống như một người bạn. Vì thế, có những hành xử và đối thoại của họ không theo quy chuẩn thông thường.

“Đây cũng là tuyến nhân vật mà ở hiện trường, đạo diễn đã có những xử lí linh hoạt, gia tăng thêm sự hài hước, sự chân thật đời thường. Thậm chí, đạo diễn tôn trọng quan điểm cảm xúc diễn viên ở đúng lứa tuổi đó, xem họ sẽ phản ứng thế nào, nói năng ra sao”, biên kịch Nguyễn Thu Thủy nói.

Biên kịch Nguyễn Thu Thủy (áo trắng) và các thành viên trong tổ biên kịch.

Biên kịch Nguyễn Thu Thủy (áo trắng) và các thành viên trong tổ biên kịch.

Theo nữ biên kịch họ Nguyễn, phân đoạn của Bảo với Huệ và Quốc, cũng là một tình huống như thế. Bảo, cũng như Dương, đều thiếu vắng mẹ, có những kỹ năng sống mà họ hoàn toàn thiếu hụt. Đôi bạn ấy sống thật với cảm xúc của mình, thật cả trong những cảm xúc có khi thái quá và thậm chí có phần hỗn láo như khán giả từng nhận xét.

“Nhưng chúng tôi nghĩ, đó mới là thế giới thực sự của của những cô cậu mới lớn: đầy rắc rối, hỗn loạn, đôi khi không thể hiểu và người ngoài nhìn vào đều muốn xắn tay lên, muốn sắp xếp lại, muốn uốn nắn lại thế giới ấy cho ngay ngắn.

Chúng tôi không định xây dựng Bảo và Dương như những hình mẫu hoàn hảo với cách hành xử hoàn hảo mà họ giống như bao cô bé, cậu bé ngoài kia, bước vào đời, với đầy những vấn đề, đầy những bồng bột và sai lầm, còn có phần ảo tưởng sức mạnh. Phải qua những va vấp, đối diện nỗi buồn, sự mất mát và cả những nỗi tan vỡ. Dần dần, họ mới dần trưởng thành và hiểu về những giới hạn trong cuộc sống”, nữ biên kịch “Về nhà đi con” chia sẻ.

Đề cập đến việc xây dựng chuyện tình tay bốn giữa Quốc - Huệ - Bảo - Dương, biên kịch Nguyễn Thu Thủy giải thích rằng: “Chúng tôi nghĩ, thực tế cuộc sống thì luôn đa dạng và phong phú. Thậm chí oái oăm và kỳ lạ hơn trên phim nhiều. Bằng tình huống đặc biệt và mối quan hệ đặc biệt của chuyện “tay 4” này, chúng tôi chỉ là một phần nào đó, tái hiện những sự phong phú và đa dạng của thực tế đời sống mà thôi.

Tất cả nhân vật trong phim đều đầy những thiếu sót và Ánh Dương cũng thế. Khi cô bé dành tình cảm cho một người không phù hợp, cả thế giới của cô bé bị đảo lộn, cách hành xử của cô bé cũng vì thế mà vượt ra ngoài khuôn phép.

Nhưng, cũng như hành trình của tất cả các nhân vật “Về nhà đi con”, hành trình của Ánh Dương cũng là hành trình không ngừng sửa sai và thay đổi để tìm đến phiên bản tốt nhất của bản thân mình. Giống như nhân vật cô Hạnh nói: “Đôi khi chúng ta rất giận, cũng chỉ là vì chúng ta đã quá thương thôi”. Chúng tôi cho rằng khán giả “ghét” Ánh Dương, chính là vì họ đã dành cho cô bé quá nhiều yêu thương và kỳ vọng”.

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ve-nha-di-con-bien-kich-noi-gi-truoc-phan-ung-cua-khan-gia-ve-cac-tinh-tiet-vo-ly-542395.html