Về nơi 'muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh'

'Từ ngày xa đất Tiền Giang, em theo anh về xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu mà như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh. Em yêu anh nên đành xa xứ, xuôi ghe chèo Miệt Thứ Cà Mau…'. Lời bài hát 'Em về Miệt Thứ' của nhạc sĩ Hà Phương mượt mà và buồn não ruột...

Cạnh Đền xưa được ví như chốn “thâm sơn cùng cốc”. Nếu ai đã đọc truyện của nhà văn Sơn Nam sẽ hiểu hơn về vùng đất này. Trong truyện Cô Út về rừng, nhà văn Sơn Nam miêu tả cảnh tượng ngôi nhà của cậu Quỳnh ở xứ Cạnh Đền khoảng năm 1930-1940: “Căn nhà ngói vách ván, xung quanh có vườn tược lai rai… Và rừng xanh một dãy che phủ tứ phía chân trời”. Bà Cả Ba lo lắng: “Ngặt cái xứ đó kỳ quái, hiểm nguy. Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm”…

Xứ Cạnh Đền giờ thuộc địa phận của 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Ở Kiên Giang, Cạnh Đền gồm 5 ấp: Cạnh Đền 1, Cạnh Đền 2, Cạnh Đền 3, Căn Cứ và Thị Mỹ thuộc xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận.

Tên gọi Cạnh Đền ẩn chứa nhiều giai thoại. Người dân Cạnh Đền kể, cuối thế kỷ 18 chúa Nguyễn Ánh vì tránh quân Tây Sơn mà bôn ba đến xứ này. Bấy giờ, trong đoàn tùy tùng có công chúa Ngọc Hạnh vì không quen phong sương, mưa nắng nên lâm bệnh, qua đời. Công chúa được an táng và được dựng đền thờ. Sau này, người dân tứ xứ về nơi này lập nghiệp và cất nhà cạnh đền thờ công chúa, địa danh Cạnh Đền bắt đầu từ đó.

Nhiều người thắc mắc, xứ Cạnh Đền có giai thoại đẹp vậy sao nhà văn Sơn Nam lại cho rằng nơi này dị hợm. Theo các cụ cao niên, nhà văn Sơn Nam có cái lý của ông bởi vùng Cạnh Đền vài chục năm trước rất hoang vu, khó khăn, hiểm trở và thiếu thốn. Do đó, người dân sáng tạo ra câu chuyện mang tính chất tiếu lâm để quên đi khó khăn trước mắt như chuyện hai người đàn ông từ nơi khác đến xứ này thì trời tối, đậu xuồng nán lại qua đêm. Buổi chiều, hai người luộc trứng vịt ăn cơm. Khi họ lột hai trứng vịt bỏ vào tô thì trứng biến mất, trong tô chỉ thấy hai cục đất. Nhìn kỹ mới biết, hai hột vịt bị muỗi bu kín... Bởi vậy, những câu chuyện như giăng mùng để ăn cơm, hay muỗi xứ này bự như con gà mái xuất phát từ đó.

Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa cùng những ngôi nhà khang trang là hình ảnh dễ gặp ở xứ Cạnh Đền hôm nay. Ảnh: QUỐC TRINH

Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa cùng những ngôi nhà khang trang là hình ảnh dễ gặp ở xứ Cạnh Đền hôm nay. Ảnh: QUỐC TRINH

Theo ông Nguyễn Hoàng Lựu, ngụ ấp Thị Mỹ, xứ Cạnh Đền, những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, một công đất trồng lúa thu hoạch khoảng 40-60kg lúa, nhiều được 1 tạ nhưng chỉ toàn lúa lửng do nhiễm phèn. Đến những năm 90 trở đi, khi kênh, rạch được khơi thông, đời sống nhân dân nâng lên, những vuông tôm rộng thu hoạch mỗi vụ hàng tấn tôm, những ngôi nhà khang trang bắt đầu mọc lên. Đến năm 1997 gia đình ông có 200 công đất. Hiện ở ấp Thị Mỹ có hàng chục căn biệt thự giữa các cánh đồng tôm vốn trước đây toàn là cỏ năn và lau sậy…

Cạnh Đền hôm nay không còn là vùng đất xa xôi, cách trở và khó khăn như trước. Hiện các ấp nối liền bằng những con đường được bê tông hóa thuận lợi cho việc giao thương, đi lại của bà con. Xứ Cạnh Đền nổi tiếng với đặc sản từ con tôm là món mắm tôm chua. Tôm tươi sau khi bắt lên được ủ bằng kỹ thuật gia truyền nên màu đỏ tự nhiên và con tôm thành mắm rồi vẫn săn cứng, dai, giòn chứ không bở, nhũn nước. Vị chua mặn đủ độ, vừa miệng được nhiều người ưa chuộng.

“Xứ Cạnh Đền giờ chuyển mình nhờ con tôm, cây lúa. Nơi này không còn “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” nữa. Không chỉ riêng xứ này, tôi còn nghe Cạnh Đền ở Bạc Liêu có câu lạc bộ tỷ phú nhờ trúng tôm... Dù trải qua muôn vàn gian khó, người dân Cạnh Đền không bỏ đất, bỏ quê bởi ở đây có tình cảm cố tri, sâu nặng giữa đất và người, tình cảm đó bén duyên cho những vụ tôm đầy ắp ở Cạnh Đền”, ông Phan Văn Nam, ngụ ấp Thị Mỹ nói.

TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/ve-noi-muoi-keu-nhu-sao-thoi-dia-lenh-tua-banh-canh-6796.html