'Về nơi nguồn cội'- cuốn truyện ký hấp dẫn về một dòng họ

Ngày 25/5, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buồi giao lưu, giới thiệu truyện ký 'Về nơi nguồn cội' của đạo diễn, nhà văn Đới Xuân Việt tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Bìa cuốn truyện ký "Về nơi nguồn cội".

Bìa cuốn truyện ký "Về nơi nguồn cội".

Tác phẩm “Về nơi nguồn cội” phản ánh gần như bức tranh toàn cảnh của gia tộc tác giả những năm đầu thế kỷ trước cho đến khi đất nước được độc lập, giang sơn thu về một mối. Lồng ghép vào đó là phần ký sự, ghi lại các biến cố của dòng họ thông qua số phận các nhân vật gắn liền với sự biến động của đất nước.

Sách dày 208 trang với các nội dung tiêu biểu: Mẹ tôi về làm dâu họ Đái huyện Quảng Xương; Tuổi thơ; Trang ấp của ông ngoại; Trở lại Huế; Ra Hà Nội; Về sống ở trường Chu Văn An; Bố Tôi; Đam mê và liều lĩnh; Mẹ tôi một đời gồng gánh… “Về nơi nguồn cội” là một thiên ký sự, một truyện dài về một dòng họ đã trải qua hơn một thế kỷ từ khi đất nước còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ cho đến khi đất nước hoàn toàn được độc lập.

Qua đó, cuốn sách đã ghi nhận những đóng góp của các vị đức cao vọng trọng trong dòng tộc cho xã hội và cho dòng họ. Đó chính là lý do tác giả Đới Xuân Việt đặt bút viết thiên ký sự này.

Cuốn sách kể về cội nguồn của dòng họ nội, họ ngoại của nhà văn Đới Xuân Việt, về các bậc tiên tổ cũng như những tấm gương sáng đáng được ca ngợi và noi theo của các vị đã để lại cho con cháu.

Khai thác nét đẹp trong cội nguồn được quán xuyến trong toàn bộ tác phẩm. Thông qua dòng họ của mình, tác giả còn cho thấy người Việt Nam ta từ xưa tới nay đều gắn bó máu thịt với quê hương, làng xóm, đều có lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Tác giả và các khách mời trong buổi giao lưu, ra mắt sách.

Tác giả và các khách mời trong buổi giao lưu, ra mắt sách.

Trong truyện, có những đoạn đời, phần đời gắn với nhiều sự kiện lớn của đất nước. Bằng giọng văn chân thật và trân trọng, những vấn đề gai góc, thường rất khó truyền tải suôn sẻ bỗng trở nên đơn giản, dễ chấp nhận.

Tác giả đã kể cho người đọc biết những câu chuyện đau lòng, cười ra nước mắt nhưng không khoét sâu vào nỗi đau quá khứ mà chủ yếu phản ánh những con người, những số phận đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát đã đứng dậy ra sao, đã phấn đấu ra sao cho một cuộc sống bình yên và tốt đẹp hơn.

Những đau khổ, đắng cay của cuộc đời đã không đẩy họ đến những hành động tiêu cực. Họ vẫn phấn đấu hướng đến những điều tốt đẹp, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho xã hội, cho đất nước.

Theo nhà văn Kao Sơn, qua từng trang sách, độc giả sẽ bắt gặp những chân dung sống động về những người con ưu tú của họ Đái như giáo sư Đái Xuân Ninh, nhà văn TchyA Đái Đức Tuấn, kỹ sư Đái Xuân Du, bác sĩ Đái Xuân Phương…

“Bằng giọng văn chân thật cùng cái nhìn của một đạo diễn điện ảnh, Đới Xuân Việt đã đem lại cho độc giả một cái nhìn vừa sâu sắc đậm chất văn học vừa như một cận cảnh trong một thước phim quay chậm làm rõ đến từng chi tiết nhỏ nhất về dòng họ mình”- Nhà văn Kao Sơn nhận xét về cuốn sách.

Chính vì thế, giá trị của cuốn sách đã vượt qua giới hạn là một cuốn gia phả, trở thành một cuốn truyện ký sự hấp dẫn rất đáng được quan tâm.

Nhà văn Kao Sơn chia sẻ về cuốn sách "Về nơi nguồn cội".

Nhà văn Kao Sơn chia sẻ về cuốn sách "Về nơi nguồn cội".

“Về nơi nguồn cội” là tác phẩm tôn vinh các bậc tiền nhân của tác giả đã có công xây dựng dòng họ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, của xã hội và để lại các tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Nó cũng là nguồn động lực tiếp sức cho các thế hệ sau phấn đấu và vươn lên.

“Tôi chợt nghĩ đến công lao của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở rộng bờ cõi, tạo dựng nên nước Việt Nam hào hùng và tươi đẹp như ngày hôm nay. Do vậy, tôn trọng công lao của của các bậc tiền nhân là phẩm giá của lớp người kế thừa lịch sử”- tác giả Đới Xuân Việt chia sẻ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ve-noi-nguon-coi-cuon-truyen-ky-hap-dan-ve-mot-dong-ho-post811130.html