Về nơi nước chảy chia hai
Nhà Bè như một tờ giấy trắng về du lịch đang dần được vẽ lên những hình ảnh đặc trưng về lịch sử, địa lý, văn hóa và ẩm thực rất riêng.
"Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về".
Câu ca được dân gian truyền miệng từ thuở Nhà Bè chỉ là địa danh dân gian gọi nơi xưa kia dân thương hồ neo thuyền, đóng bè họp chợ trên sông cho đến khi Nhà Bè trở thành địa danh hành chính vào đầu thế kỷ XX tới nay.
Tìm dấu xưa, biết chuyện nay
Sống ở một thành phố lớn nhất nước, nơi đầu nguồn khách du lịch đã từ lâu nhưng người dân Nhà Bè (TP HCM) mới tập tành đón, phục vụ khách du lịch khoảng một năm. Họ còn nhiều bỡ ngỡ, trong sự bỡ ngỡ lại toát lên vẻ chân chất của người dân ngoại thành.
Đường bộ từ quận 7 qua huyện Nhà Bè được kết nối bởi 3 đường lớn là Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ và Lê Văn Lương. Đường Huỳnh Tấn Phát kéo dài đến tận chỗ đất dôi nhọn ra sông Soài Rạp mà người dân gọi là mũi Nhà Bè.
Dừng xe cuối đường Huỳnh Tấn Phát, tới bến đò Phước Khánh, cách cầu tàu phà Bình Khánh (đi Cần Giờ) chỉ 200 m, chúng tôi lên thuyền đi cho biết chỗ sông nào mà dân gian nói là "nước chảy chia hai".
Chúng tôi được giải thích về địa danh theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong sách "Gia Định thành thông chí". Vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, nhiều cư dân đàng ngoài đi thuyền theo biển Đông ngược vào sông, tới gần ngã ba sông lớn đã tụ họp trên sông để nghỉ ngơi. Thuở ấy, nơi đây dân cư thưa thớt, ghe đò hẹp, khách thương hồ nấu cơm ăn rất khó. Phú hộ ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng đã kết tre làm bè, dựng nhà tạm, sắm đủ đồ dùng nấu nướng để khách lấy dùng, không phải trả tiền. Sau đó, nhiều người cũng đóng bè làm chỗ buôn bán, trao đổi hàng hóa, họp thành chợ bè trên sông, nên nơi này được dân chúng gọi là Nhà Bè.
Địa danh được ra đời như vậy. Thế nhưng, vị trí nơi sông "chảy chia hai" giờ vẫn song song hai hướng lý giải.
Có người cho rằng Nhà Bè trước kia là vùng rộng lớn bao gồm quận 7 và huyện Nhà Bè ngày nay, nơi thương hồ kết bè buôn bán là ở Mũi Đèn Đỏ hiện thời, vì đó là nơi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn hợp lưu. Nếu thuyền từ biển hay ghe thương hồ từ vùng đồng bằng sông Cửu Long lên, vào sông Nhà Bè thì đến Mũi Đèn Đỏ sẽ thấy điểm giao nhau của sông Sài Gòn - sông Đồng Nai - sông Nhà Bè, người ta có thể đi Sài Gòn - Gia Định theo sông Sài Gòn, đi Đồng Nai theo sông Đồng Nai.
Người khác lại cho rằng nơi sông Nhà Bè chia hai trong câu ca là ở bến đò Phước Khánh, bởi nơi đây sông Nhà Bè rẽ thành hai ngả: sông Lòng Tàu đi về phía huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và sông Soài Rạp theo hướng huyện Nhà Bè.
Cho dù lý giải nào thì huyện Nhà Bè cũng nằm ở vị trí kết nối đường thủy quan trọng từ biển Đông vào TP HCM, cùng với hệ thống kênh, rạch kết nối tuyến đường thủy từ đồng bằng sông Cửu Long lên.
Đã nhiều lần đến Nhà Bè công tác, tới bây giờ tôi mới đến Nhà Bè với tư cách khách du lịch, xem có "rung động" gì khác không.
Thuyền chúng tôi đi theo sông Soài Rạp ôm trọn phía Đông của huyện Nhà Bè. Gần mũi Nhà Bè là miếu Ngũ Hành có cổng phụ bên bờ kè sông Soài Rạp, gần bến đò số 9, còn cổng chính thì đi vào từ đường Huỳnh Tấn Phát ở xã Phú Xuân. Miếu Ngũ Hành còn được gọi là chùa Bà Châu Đốc 2, vì trong khuôn viên miếu có điện thờ Bà Châu Đốc An Giang mà nhiều người đến cầu làm ăn phát đạt.
Áp địa phận xã Long Thới, ngồi trên thuyền, chúng tôi nhìn rõ cầu Bình Khánh thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng. Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn thời gian giao thông liên vùng miền Tây (qua Long An) và miền Đông Nam Bộ (qua Đồng Nai) mà không cần quá cảnh TP HCM.
Nói như vậy chứ Nhà Bè cũng có thuận lợi theo tuyến đường bộ trong tương lai này, bởi cao tốc Bến Lức - Long Thành giao cắt tại vị trí cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, kết nối với trục đường số 1 - Khu Công nghiệp Hiệp Phước.
Thuyền thả dần về xã Hiệp Phước, nơi là niềm tự hào biến khu đầm lầy thành khu công nghiệp của huyện Nhà Bè. Trên sông, tàu ngược xuôi vận chuyển hàng hóa đến các cầu tàu vào nhà máy sản xuất hay tàu đưa hàng hóa ra vào cảng Hiệp Phước.
Nói với chúng tôi là khách du lịch, ông Võ Phan Lê Nguyễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè - cho biết bên cạnh việc tiếp tục phát triển thành trung tâm công nghiệp - logistics, huyện đang mời gọi các nhà đầu tư khai thác phát triển du lịch dựa trên các tuyến sông rạch và những cung đường đồng quê yên bình mà Nhà Bè đang muốn giữ lại nét đặc trưng của vùng ngoại thành để thu hút khách du lịch.
Có quyến rũ được du khách không thì chính Nhà Bè phải trả lời được câu hỏi: Khách đến đây chơi gì, ăn gì, mua gì làm quà để đủ ấn tượng về Nhà Bè?
Trên những đường quê
Thuyền cập bến đò Hiệp Phước, các bạn thanh niên trong huyện đón, trao cho khách nón lá có viết câu ca "Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về".
Mọi người đạp xe đi trên "tuyến đường hoa" phục vụ du lịch do người dân chung tay trồng, chăm sóc. Những cây hoa còn thấp nhưng hai hàng cây giáng hương cao rợp bóng đủ khiến khách mát mẻ, dễ chịu với không khí làng quê. Đường làng này được dân làm du lịch đặt tên "đường giáng hương", nối liền vào đường Liên ấp 2-3.
Chúng tôi dừng ở tiệm tạp hóa của chị Đặng Thị Mai, ăn bánh xèo tép bạc. Chị Mai nói mới "bị dụ" làm du lịch nên dù chuẩn bị chén đĩa, đũa muỗng, khăn ăn đầy đủ rồi, chỉ chiên bánh mang ra cho khách vậy mà không khỏi lúng túng. Thôi thì mọi người cứ ăn ngon cho biết vị ngọt tép bạc sông Nhà Bè, còn phục vụ chỉn chu thì chị sẽ học tiếp để làm cho thạo hơn sau này. Chân tình như vậy, sao bắt bẻ được!
Du lịch muốn thu hút khách phải có bản sắc và sự khác biệt. Nhà Bè như một tờ giấy trắng về du lịch đang dần được vẽ lên những hình ảnh đặc trưng về lịch sử, địa lý, văn hóa và ẩm thực rất riêng.
Nhiều sản vật sông nước ở đây khác lạ, có lẽ do đặc điểm vùng nước lợ, cộng thêm cách chế biến, cách ăn kèm từng loại tôm, cua, cá, ếch với rau, trái mọc tự nhiên thành những món ăn riêng có của Nhà Bè. Ví dụ: cá kèo đỏ kho tộ với cơm dừa nước ngọt thơm, béo béo; cua cái so hai da tròn trịa, đầy gạch, thịt trong hai cái càng chắc nịch; trái bần ổi chua chua chát chát hòa vị với mắm còng làm tại địa phương; gỏi còng nhấm nháp với rượu đông trùng hạ thảo; ếch tơ xào lá bui; lịch um nghệ; bạch tuộc nhúng giấm bần; cá ngát đánh bắt ở kênh Cây Khô nấu lẩu.
Món lạ còn có trong các gia đình ở Nhà Bè được lưu truyền như món ăn truyền thống địa phương. Khách của dân Nhà Bè trước giờ là người trong gia đình về, bạn bè thân thiết đến chơi. Sống bao đời có khi nào nói tới mấy từ "khách du lịch" đâu! Đón người nhà, tiếp khách quen thì có gì ngon là làm đãi, thiệt tình không nghĩ đó là món ngon, món lạ. Khi học làm du lịch, chị Thu Thủy và chị Kim Lan (ngụ xã Hiệp Phước) mới biết mì trường dạ, cháo cối, nước chấm thấm là món lạ, nói ra thì khách hỏi tới, đòi ăn cho biết.
Bởi hai món mì trường dạ, cháo cối gây tò mò, rất muốn dùng, chúng tôi đã tiếp tục có một buổi tối khám phá Nhà Bè.
Nếu như trên bức tranh du lịch Nhà Bè đang được vẽ đã có cảnh sắc sông nước, đường làng xanh mát ban ngày làm dịu hình ảnh cứng nhắc của một khu công nghiệp - cảng thì về đêm, bức tranh được bổ sung "chất quê" chưa phôi phai qua từng góc xóm đêm tràn ngập hương đồng gió nội trong lành cùng âm thanh hòa tấu của ếch nhái, côn trùng, cỏ cây mà ở nội thành làm sao tìm được.
Tối hôm ấy có một nhóm giáo viên ở quận 3 cũng đến Nhà Bè trải nghiệm "Làng rạch trăng 16". Chúng tôi thấy được tinh thần muốn làm du lịch ở xã Hiệp Phước khi đã có ít nhất 2 người dân dành diện tích đất khá rộng tạo không gian "trăng thanh gió mát" và một "xóm đêm bên sông" cho khách thỏa sức check-in.
Thúc đẩy tiềm năng
Tâm thế trải nghiệm một nơi đang trong giai đoạn thử nghiệm đón khách, hiểu mong muốn của người dân là ghi tên Nhà Bè lên bản đồ du lịch TP HCM, nên chúng tôi cũng không đòi hỏi nhiều. Thế nhưng, những gì trải nghiệm từ sáng đến đêm ở Nhà Bè có thể thấy huyện ngoại thành này đáng là điểm đến hấp dẫn nếu có thêm điểm nhấn gắn với lịch sử, văn hóa của địa phương.
Có thể phục dựng trên sông những bè nổi làm nơi cho khách đi thuyền lên trải nghiệm một chợ nhà bè, thậm chí có cả nhà bếp tự phục vụ như trong chuyện thời khai khẩn vùng đất này mà họ được nghe kể.
Tuy người dân làm nông nghiệp không còn nhiều nhưng những ngôi đình ở Nhà Bè vẫn giữ 3 lần cúng hội mỗi năm để cầu cho làng xóm bình yên, cuộc sống sung túc: lễ Kỳ yên vào 16 tháng 2; lễ Hạ điền vào 16 tháng 5; lễ Cầu bông vào 16 tháng 9 âm lịch. Những lễ cúng hội ấy là dịp để giới thiệu văn hóa bản địa, làm phong phú thêm trải nghiệm cho du khách.
Đường sông ở Nhà Bè khá thuận lợi cho tàu thuyền di chuyển nhưng Nhà Bè đang ở thế có sông nhưng thiếu thuyền, thiếu bến, thiếu nhà chờ đủ chuẩn để đón khách. Hệ thống bến đò ngang, bến thủy nội địa, nhà chờ của Nhà Bè mau được thực hiện thì nhà đầu tư thuyền du lịch sẽ bắt tay vào đón khách nhanh hơn, đông hơn.
Sẽ có 3 đối tượng khách
Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc - có nhiều năm chuyên đón khách nước ngoài du lịch tàu biển, nhận định: "Chúng tôi mong muốn cùng địa phương đầu tư các điều kiện cần có để đưa khách thưởng lãm Nhà Bè từ đường sông lên đường làng. Nhà Bè nếu quyết tâm phát triển du lịch sẽ có 3 đối tượng khách: người dân TP HCM thích đi du lịch đường thủy, thích cảnh vật tự nhiên yên bình; du khách trong nước tới TP HCM và khách du lịch quốc tế muốn hưởng thụ một không gian khác đô thị".
Xem link nguồn
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ve-noi-nuoc-chay-chia-hai-post270426.html