Về nơi thành lập chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên

Những ngày mùa thu tháng Tám, chúng tôi trở lại thôn Phiêng Chì, xã Thượng Giáo (Ba Bể), nơi diễn ra Lễ mít tinh thành lập chính quyền cấp châu (huyện) đầu tiên trên cả nước trong phong trào kháng Nhật cứu nước năm 1945 (30/3/1945). Trong thời kỳ đổi mới, vùng quê cách mạng này đã có nhiều đổi thay, đời sống của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày.

Di tích lịch sử Phiêng Chì, xã Thượng Giáo (Ba Bể).

Di tích lịch sử Phiêng Chì, xã Thượng Giáo (Ba Bể).

Nơi thành lập chính quyền cấp huyện đầu tiên trên cả nước

Theo lịch sử địa phương, ngày 23/3/1945 châu lỵ Chợ Rã hoàn toàn giải phóng. Ngày 30/3/1945, tại thôn Phiêng Chì, xã Thượng Giáo, đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì cuộc mít tinh trọng thể tuyên bố Quyết định thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời cấp châu (huyện) và đặt tên là châu Chợ Rã với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân địa phương. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trên cả nước trong cao trào kháng Nhật cứu nước. Sự kiện lịch sử này gây tiếng vang lớn trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật cứu nước của Nhân dân ta trên khắp cả nước; khẳng định đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, trực tiếp là Mặt trận Việt Minh do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Ủy ban nhân dân lâm thời châu lỵ do ông Hoàng Văn Đàm được chỉ định làm Chủ tịch; ông Hoàng Văn Phủ làm Phó Chủ tịch, các ủy viên là ông Triệu Văn Hiến và Chu Khắc Xứng.

Sự ra đời của chính quyền châu Chợ Rã là kết tinh truyền thống yêu nước, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng của địa phương, để lại nhiều bài học quý báu về công tác tuyên truyền, vận động, lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cách mạng cũng như xây dựng các tổ chức chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương... Chính quyền châu Chợ Rã ra đời đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cao trào chống Nhật cứu nước, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay Nhân dân.

Phiêng Chì trở thành nơi ghi dấu chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cả nước được thành lập. Giờ đây Phiêng Chì là di tích lịch sử cấp tỉnh, là nơi để Nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung gìn giữ truyền thống cách mạnh của quê hương, tuyên truyền, giáo dục về lịch sử dân tộc cho thế hệ mai sau.

Đổi mới ở vùng quê cách mạng

Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Nhân dân các dân tộc thôn Phiêng Chì đoàn kết thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.

Những ngày này, bà con Phiêng Chì đang phấn khởi, thi đua lao động sản xuất để chào mừng Quốc khánh 2/9. Trên khắp nẻo đường, mỗi ngôi nhà đều rực đỏ màu cờ Tổ quốc. Ông Nông Văn Vũ- Trưởng thôn Phiêng Chì phấn khởi cho biết: “Thôn có 50 hộ dân nhưng đến nay chỉ còn 01 hộ nghèo. Có được kết quả đó là nhờ những năm qua bà con nhân dân đã chủ động thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo định hướng của huyện, xã với những cây trồng cho giá trị kinh tế cao như: Ổi, táo, bưởi da xanh và chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi dê thương phẩm”.

Với lợi thế về giao thông, Nhân dân thôn Phiêng Chì tập trung trồng cây ăn quả trên đất ruộng, phát triển cây dược liệu, trồng gừng, trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi cá lồng, nuôi dê thương phẩm. Nhờ phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế nên đời sống của bà con ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm.

Gia đình anh Ma Thế Toán là một trong những hộ đi đầu trong phát triển kinh tế ở Phiêng Chì với mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Hiện gia đình anh có khoảng 3ha bưởi da xanh, áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng quả thơm ngon, đảm bảo an toàn. Nhờ năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế nên đến nay gia đình anh đã xây dựng được cơ ngơi khang trang.

Thôn Phiêng Chì có hơn 90% số hộ có nhà xây kiên cố, khang trang; 90% số hộ đạt “Gia đình văn hóa”; thôn đạt “Thôn văn hóa” 5 năm liên tục (2016 - 2020) và là thôn tiêu biểu của xã về công tác khuyến học.

Phiêng Chì hôm nay đang có sự chuyển mình rõ nét. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa tạo thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Những kết quả đó là nỗ lực cố gắng và niềm tự hào của thôn Phiêng Chì, xứng đáng với truyền thống của quê hương cách mạng./.

Hà Thanh

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202109/ve-noi-thanh-lap-chinh-quyen-cach-mang-cap-huyen-dau-tien-f7a2d03/