Về Phúc Khánh thưởng thức bánh ngày rằm tháng Bảy

Tháng Bảy âm lịch hằng năm, về với xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên), du khách được thưởng thức các loại bánh, xôi và cơm lam mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực của đồng bào Nùng, Dao, Tày nơi đây.

 Bà con các dân tộc ở xã Phúc Khánh làm nhiều loại bánh trong ngày rằm tháng Bảy.

Bà con các dân tộc ở xã Phúc Khánh làm nhiều loại bánh trong ngày rằm tháng Bảy.

Rằm tháng Bảy đối với đồng bào nơi đây được coi là cái tết lớn thứ hai chỉ sau tết Nguyên đán. Trong dịp này, những tín ngưỡng thờ cúng dân gian cùng phong tục, tập quán giàu bản sắc của mỗi dân tộc được thể hiện rõ nét, bên cạnh sự tương đồng còn có những nét riêng, độc đáo. Đặc biệt, rằm tháng Bảy, hầu như các gia đình người Tày, Nùng, Dao ở Phúc Khánh đều gói bánh truyền thống.

Tất cả nguyên liệu để làm các loại bánh và xôi đều từ các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng, truyền thống của địa phương. Các loại bánh thường xuất hiện trong ngày rằm như: bánh chưng đen, bánh lẳng của người Tày, bánh sừng trâu, bánh dày của người Nùng, bánh lá đao, bánh rợm của người Dao... Cùng với đó là xôi bảy màu và cơm lam.

 Bánh bột nếp của người Dao.

Bánh bột nếp của người Dao.

Bánh rợm là chiếc bánh không thể thiếu trong ngày rằm tháng Bảy của đồng bào Dao xã Phúc Khánh. Bánh rợm có vỏ ngoài làm từ bột nếp bọc nhân bánh làm từ đậu xanh giã nhuyễn và thịt nạc băm, nêm chút gia vị hạt tiêu viên tròn, gói lá chuối rừng. Bánh rợm có nhiều kiểu gói: gói vuông, gói khum khum hoặc gói vồng lên như bánh tẻ.

 Bánh chưng đen.

Bánh chưng đen.

Bánh chưng đen được làm từ gạo nếp trộn với tro cây núc nác và tro hoa cây vừng đen, là món ăn quen thuộc trong ẩm thực người Tày, Nùng, Dao. Cây núc nác mang về được tước vỏ, phơi khô, đốt thành than, sau đó giã than mịn như bột rồi trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh, dùng tay miết mạnh mà hạt gạo vẫn vẹn màu đen thì mới đạt yêu cầu, làm bánh mới ngon.

 Bánh sừng trâu của đồng bào Tày, Nùng.

Bánh sừng trâu của đồng bào Tày, Nùng.

Bánh sừng trâu là món ăn bình dị nhưng quyến rũ bởi mùi vị riêng biệt. Bánh có hình chóp nhọn làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, được xâu thành từng cặp hoặc từng chủm nhỏ. Bánh có màu xanh của lá, vị dẻo, hương thơm thanh khiết của ruộng đồng vùng núi cao, vị ngậy của lạc nhân đỏ. Người ưa ngọt có thể ăn bánh kèm mật ong hay đường kính. Trước đây, bánh thường được đồng bào người Tày, Nùng làm trong những dịp đặc biệt như ngày rằm, mừng đầy tháng, thôi nôi... Ngày nay, khi nông nhàn đồng bào Tày, Nùng cũng thường làm bánh để gia đình, làng xóm quay quần thưởng thức hoặc mang ra chợ phiên bán.

 Bánh lá đao.

Bánh lá đao.

 Bánh lá đao được gói rất cầu kỳ.

Bánh lá đao được gói rất cầu kỳ.

Bánh lá đao được người Dao xã Phúc Khánh làm từ gạo nếp (giống bánh chưng) và được gói bằng lá đao rừng. Lá đao rừng được người Dao hái về và tách từng chiếc lá nhỏ, sau đó khéo léo đan từng chiếc lá vào nhau rồi gói. Khó nhất khi gói bánh bằng lá đao đó chính là phải đan lá làm sao cho kín để nguyên liệu ở bên trong không rơi ra được và phải bện lá cho thật chắc để khi luộc bánh không bị bung ra…

Mỗi loại bánh đều ẩn sâu trong đó ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc. Ngoài các loại bánh thì vào dịp rằm tháng Bảy, xôi bảy màu, xôi lá gừng và cơm lam, vịt lam ống nứa… là những món ẩm thực không thể thiếu trong mâm cơm của đồng bào Tày, Nùng, Dao nơi đây. Họ quan niệm rằng, rằm tháng Bảy vừa là dịp để người dân cầu mong mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, vừa là dịp để gia đình đoàn tụ, tri ân công dưỡng dục của cha mẹ, tưởng nhớ tổ tiên. Đề cao giá trị gia đình trong những ngày rằm tháng Bảy chính là nét đẹp văn hóa đậm tính nhân văn đã được đồng bào duy trì từ ngàn đời nay.

Bích Quyên

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ve-phuc-khanh-thuong-thuc-banh-ngay-ram-thang-bay-post388663.html