Về quê ăn Tết
'Tôi đang đau đầu không biết làm cách nào để lũ trẻ nhà tôi vui vẻ về quê ăn Tết với ông bà. Mấy năm nay, cứ nhắc tới việc ăn Tết ở quê là chúng đều phụng phịu', tâm tư của cô bạn tôi có lẽ cũng là trăn trở của nhiều người. Trước đây, tôi cũng từng trải qua những lúc khó xử như thế khi con không chịu về quê. Còn bây giờ, về quê lại biến thành một sự kiện đáng trông đợi nhất trong năm của lũ trẻ.
Còn nhớ cách đây 4 năm, cả nhà khăn gói về quê vào chiều 29 Tết. Lúc đó, đứa lớn đã sang lớp 6, đứa bé lên lớp 3. Mải lo sắm sửa về quê nên tôi không để ý đến thái độ của bọn trẻ, cứ mặc định là “lên đường”. Cho đến buổi sáng Mồng Một Tết, tôi gọi các con dậy để chuẩn bị đi chúc Tết họ hàng thì đứa lớn nhất định không đi mà muốn ở nhà đọc sách. Lúc đó tôi mới để ý nó về quê mà ôm theo một chồng sách đủ loại, như thể cả Tết chỉ dành cho sách vậy.
Tôi nói thêm vài câu, nó mới uể oải mặc đồ qua loa rồi theo bố mẹ đi chúc Tết. Vừa ra khỏi cổng, gặp một tốp người lớn bé có cả, họ chào hỏi gia đình chúng tôi, con bé lớn cũng nhanh nhảu chào lại: “Cháu chào cô, cháu chào chú”. Bà nội thấy thế liền chỉnh: “Ấy ấy, đây là em của con, đây là cháu gọi con bằng dì đấy”. Tôi thấy mặt con bé đỏ lựng vì... ngượng.
Còn đứa thứ hai tuy mới học lớp 3 nhưng cũng không mặn mà gì với chuyện ăn Tết ở quê. Thằng bé rất khó tính, suốt ngày than thở là không có gì chơi, ăn uống không hợp khẩu vị. Đi đâu được một lúc là đòi về hoặc xị mặt ngồi một góc khiến vợ chồng tôi rất áp lực.
Năm ấy, trên đường về, tôi trò chuyện với các con rất nhiều về chuyện ăn Tết ở quê. Đó không chỉ là chuyện về quê ăn Tết mà còn là dịp để các con hiểu giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình. Có ông bà mới có bố mẹ, mới có các con. Ông bà đã già, điều giá trị nhất với ông bà là được quây quần bên con cháu vào dịp Tết cổ truyền. Nghe thì biết thế, nhưng bọn trẻ cũng không hào hứng hơn.
Tôi bắt đầu nghĩ cách tạo cơ hội cho các con tự cảm nhận ý nghĩa của việc về quê ăn Tết. Hè năm ấy, tôi đón ông bà nội cùng hai đứa cháu con nhà chị gái cùng tuổi với hai con tôi lên Hà Nội chơi. Ngày nghỉ, tôi tranh thủ đưa ông bà và cả 4 đứa đi dã ngoại, trải nghiệm ở ngoại thành, rồi xem phim, đi phố đi bộ, hiệu sách... Ở nhà, ông bà nội chiều chuộng các cháu, nấu đủ loại món ăn mà chúng thích, kể cho chúng nghe những câu chuyện chăn trâu, cắt cỏ cùng bạn bè khi ông bà còn nhỏ. Các con tôi rất ngạc nhiên khi biết trước kia ông bà mình cũng “quậy” đến thế, cũng nghịch “nhất quỷ nhì ma” ở làng.
Những câu chuyện của ông bà đã gieo cho chúng sự tò mò khiến chúng hào hứng muốn được về quê trải nghiệm. Tết năm ấy, các con tôi về quê với tâm trạng vui vẻ hẳn. Chúng được tự tay gói bánh chưng, ra đê đạp xe cùng các anh chị. Ông nội còn làm diều cho chúng chơi. Mỗi buổi sáng, bà nội thường dậy rất sớm chuẩn bị đồ ăn, rồi tranh thủ đến chỗ các cháu để vỗ về cho đỡ nhớ.
Từ đó, đã mấy năm trôi qua, cứ gần đến Tết là bọn trẻ nhà tôi lại háo hức vì sắp được về quê với ông bà. Khi nghe cô bạn than thở về việc con không chịu về quê ăn Tết, tôi mới nhận thấy mình may mắn nhường nào. Nói cho cùng, mọi biện pháp ép buộc con về quê đều không mấy tác dụng. Mà thay vào đó, hãy dạy con khôn lớn bắt đầu từ giá trị của tình cảm gia đình, giá trị của nguồn cội. Hãy tạo cho trẻ những niềm vui bằng nhiều trải nghiệm thú vị mà ở thành phố không có để chúng có động lực về quê ăn Tết.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/ve-que-an-tet-651311