Vệ quốc Vĩnh Tế hà
Lặng lẽ nằm yên bình dọc theo tuyến biên cương giữa hai nước Đông Dương Việt Nam và Campuchia, kênh đào lịch sử Vĩnh Tế giữ trong mình sứ mạng là đại sứ giao thương, vận tải đường thủy, an ninh quốc phòng, góp ý nghĩa to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của nước nhà, kể từ triều đại phong kiến cuối cùng cho đến ngày hôm nay.
Dấu mốc chủ quyền trong lịch sử
Sau khi kết thúc cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, danh tướng Nguyễn Văn Thoại - tức Thoại Ngọc Hầu (1761-1829), được vua Nguyễn Ánh cử về trấn thủ xứ Vĩnh Thanh (Tây Nam Bộ). Năm 1817, trong công cuộc khẩn hoang mở đất, lập làng của mình, Thoại Ngọc Hầu nhận ra vai trò đặc biệt khi có một tuyến sông để có thể vừa phát triển sản xuất, giao thương, cũng vừa bảo vệ tuyến biên giới, xác lập chủ quyền bờ cõi, nên ông đã đệ trình lên triều đình nhà Nguyễn cho đào một tuyến sông kéo dài từ sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan.
Lúc bấy giờ, với trình độ kỹ thuật và nguồn lực hạn chế, để có thể đào một con sông thẳng tắp với chiều dài gần 91km, rộng 25m, sâu 3m xuyên qua những cánh đồng xanh ngát của vùng biên cương rộng lớn là một điều không dễ dàng. Dân phu lúc ấy đã sử dụng hàng chục cây sào lửa (sào có cột đuốc lửa trên đỉnh) để đóng thành một đường thẳng tắp, căng dây để người đào có thể căn cứ theo dây căng mà đào xuyên suốt ngày đêm. Vì thế, khi nhìn từ mặt sóng nước gập ghềnh, con kênh Vĩnh Tế dài thẳng tắp đến hút tầm mắt.
Tầm nhìn chiến lược của vị công thần
Lịch sử có thể dễ dàng đếm được số lượng kênh đào tại Việt Nam, nhưng chỉ duy nhất hình tượng kênh đào Vĩnh Tế vinh dự được vua Minh Mạng cho chạm khắc lên Cao Đỉnh (một trong Cửu Đỉnh đặt tại Hoàng thành Huế) vào năm 1835 nhằm ghi nhận những cống hiến quan trọng mà thành tựu thủy nông này mang lại.
Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên,
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu.
Trong quốc phòng, kênh Vĩnh Tế được ví như một hào nước quân sự khổng lồ nằm trườn dài bảo vệ biên giới quốc gia phía Tây Nam. Dưới thời vua Minh Mạng, con kênh dài hơn 11.000 trượng (gần 91km) góp công làm chùn bước quân Xiêm La sang đánh chiếm. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (1975-1979), kênh đào trở thành hệ thống phòng thủ quan trọng, ngăn chặn và đẩy lùi toàn bộ cánh quân của địch về phía bên kia biên giới, giữ gìn từng tấc đất linh thiêng của tổ quốc. Vị thế của kênh Vĩnh Tế trong quốc phòng giữ vai trò chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố chủ yếu góp nên “Đất nước của ngàn chiến công”.
Thành tựu thủy nông dưới triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam ngày nay còn giữ nhiệm vụ tưới cho khoảng 144,000ha đất nông nghiệp tại An Giang, cung cấp dồi dào phù sa cho người dân canh tác trong những ngày nước lớn. Ngoài ra, kênh Vĩnh Tế còn là một trong những nơi đầu tiên đón lượng nước lũ tràn về từ dòng Mekong, đưa nguồn lợi thủy sản dồi dào cá tôm về phục vụ đời sống của bà con địa phương.
Có thể nói, kênh đào vệ quốc phía Tây Nam là thành tựu đáng tự hào của vị công thần Thoại Ngọc Hầu, minh chứng cho tài năng của bậc thầy xác định tầm nhìn chiến lược quân sự lẫn kinh tế lâu dài.
Dòng kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai
Mỗi khi thả hồn trong những chuyến du khảo về nguồn dọc theo tuyến biên giới trên dòng Vĩnh Tế, ta mới cảm nhận hết thảy những gian lao khó nhọc của lưu dân xưa trong quá trình đào kênh, mới hiểu rõ vì sao người xưa đã không mấy thiết tha đặt cho dòng kênh này với tên gọi kênh Vĩnh Biệt.
Ngày nay, với tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc tại miền biên viễn Tây Nam, nhiều khu đô thị, thành phố đã mọc lên theo dòng chảy của con nước và thời gian, sầm uất và nhộn nhịp tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Cảnh vật bên hai bờ Vĩnh Tế khoác lên màu áo xanh thẳm của sự sống, của sự phát triển, đâm chồi nảy lộc như minh chứng cho sức sống tiềm tàng đang trỗi dậy mãnh liệt sau những tháng ngày máu lửa.
Vệ quốc hà Vĩnh Tế, điểm chót của một lộ trình khai khẩn, nay đã mở ra một vùng trời nước nên thơ đến lạ thường.
Tuyến du lịch dã ngoại nối mạch Khu du lịch Trà Sư đến kênh Vĩnh Tế sẽ đưa bạn hồi ức lại công trình thuở xa xưa và hướng đến tương lai của sự phát triển sang trang.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/ve-quoc-vinh-te-ha-615636/