Về quyền phát triển kinh tế của người dân Việt Nam
Một trong những thành tựu quan trọng trong bảo vệ quyền con người tại Việt Nam là quyền phát triển kinh tế của người dân. Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và thực hiện những chính sách phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ quyền lợi của người dân, đặc biệt là trong việc tạo ra cơ hội kinh tế cho tất cả các tầng lớp dân cư. Đây là một minh chứng cụ thể về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam.
Việt Nam thực hiện chính sách phát triển kinh tế toàn diện
Việt Nam đã thực hiện một loạt các chính sách phát triển kinh tế nhằm tạo ra cơ hội cho người dân tham gia vào nền kinh tế thị trường, đồng thời cải thiện đời sống và giảm nghèo. Chính phủ đã xây dựng các chương trình phát triển nông thôn, giảm nghèo và tạo việc làm cho người dân. Từng địa phương cũng luôn tích cực thực hiện các giải pháp tạo điều kiện để người dân có thể tìm được việc làm, cải thiện thu nhập, như hỗ trợ để xuất khẩu lao động, tặng các phương tiện sinh kế, dạy nghề và giới thiệu việc làm… Trong đó, các đối tượng yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, phụ nữ… luôn được ưu tiên.
Chính phủ đã triển khai các chương trình giảm nghèo bền vững, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số và các khu vực khó khăn. Như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58%; đến năm 2021, con số này là 2,23%, điều này chứng tỏ thành công của chính sách phát triển kinh tế đối với người dân.
Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Thúc đẩy quyền tự do kinh doanh
Chính sách của Việt Nam đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau. Quyền tự do kinh doanh của người dân được bảo vệ trong khuôn khổ pháp luật, đồng thời cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tài sản cũng được tăng cường.
Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp 2020 đã đảm bảo quyền tự do thành lập doanh nghiệp của công dân, đồng thời giảm thiểu thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Luật quy định nhiều quyền của doanh nghiệp, trong đó có: tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm; tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng; kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động… (Điều 6).
Hay trong các chính sách về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã mở rộng cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài thông qua các chính sách hỗ trợ, như giảm thuế, tạo cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Điều này đã góp phần tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Quyền tiếp cận tài chính và tín dụng
Một yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế của người dân là quyền tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tài chính. Việt Nam đã và đang phát triển các chương trình tài chính nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ, được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc phát huy các quỹ tín dụng, các hình thức hỗ trợ vốn từ các đoàn thể, từ cộng đồng dân cư…, đã có tác dụng rất tích cực để giúp vốn cho người nghèo được tham gia sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và những người dân ở các vùng khó khăn, kể cả hỗ trợ cho các gia đình nghèo được vay để học văn hóa, học nghề nhằm tạo điều kiện căn bản trong việc phát triển nghề nghiệp. Qua kênh này, người dân có cơ hội tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế gia đình.
Hay các tổ chức tín dụng vi mô và các ngân hàng thương mại trong nước cũng đang phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng cho những người lao động tự do hoặc các doanh nghiệp nhỏ, tạo điều kiện để họ mở rộng sản xuất và nâng cao thu nhập.
Thúc đẩy tự do thương mại và hội nhập quốc tế
Việc tham gia vào các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy việc hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo cơ hội phát triển cho tất cả các doanh nghiệp và người dân.
Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn, giàu tiềm năng, từ đó giúp tăng trưởng xuất khẩu và tạo ra việc làm.
Hay đối với một lực lượng lao động đông đảo là nông dân, thời gian qua, các chính sách thúc đẩy xuất khẩu đã tạo điều kiện rất quan trọng cho nông dân được tăng thu nhập. Các sản phẩm Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo, thủy sản, một số loại trái cây… đã vươn ra thế giới, có mặt hàng nằm trong nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu, và trở thành nguồn thu nhập quan trọng cho nông dân. Điều này phản ánh rõ nét quyền phát triển kinh tế của người dân, đặc biệt là các cộng đồng nông thôn.
Tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở
Ở Việt Nam hiện nay, các chính sách về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, đã giúp hàng triệu người dân có cơ hội sở hữu nhà, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã triển khai nhiều dự án xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp, giúp họ có điều kiện sinh sống ổn định. Những dự án này không chỉ cải thiện điều kiện sống mà còn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Luật Nhà ở năm 2023 đã có nhiều quan điểm rất tiến bộ về việc tạo điều kiện để người dân được sở hữu nhà ở. Chẳng hạn, Điều 4 nêu một số vấn đề như: Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người đều có chỗ ở thông qua việc thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, bao gồm nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của cá nhân, gia đình, hỗ trợ vốn để cải tạo, xây dựng lại nhà ở; Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công để cho thuê, cho thuê mua; Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính về đất đai, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Có thể nói, quyền phát triển kinh tế của người dân tại Việt Nam luôn được quan tâm và ngày càng được tạo điều kiện, hỗ trợ. Đây là một trong những điểm rất nổi bật trong số rất nhiều thành tựu về nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ve-quyen-phat-trien-kinh-te-cua-nguoi-dan-viet-nam-post772150.html