Vé Tết TP.HCM - Hà Nội quá đắt, sang Thái còn rẻ hơn
Xem xét giá vé về Hà Nội ăn Tết Nguyên Đán quá cao, một số người đã tính chuyện đi sang Thái Lan trước để tiết kiệm chi phí.
Hoàng Anh (sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) mới bắt đầu vào TP.HCM làm việc từ đầu năm nay. Cô chưa bao giờ biết cảm giác phải mua vé máy bay về quê ăn Tết. Khi năm mới đã cận kề, Hoàng Anh tìm thử vé máy bay và thấy giá tăng chóng mặt. Chuyến bay rẻ nhất vào 15/1 (24 Tết) cô tìm được đã vào khoảng 3 triệu đồng/chiều (bay đêm).
Mẹo hay dịp Tết
Chưa bao giờ, Hoàng Anh nghĩ mình sẽ phải mua vé một chiều TP.HCM đi Hà Nội với giá "trên trời" như thế. Cô thừa nhận mình vẫn luôn mặc định đây là chặng bay có giá ổn định nhất khi hầu như chỉ tăng/giảm nhẹ trong năm. Tuy nhiên, giai đoạn Tết Nguyên Đán, mức giá đã tăng đột biến khiến cô bối rối.
Sau khi tìm hiểu kinh nghiệm từ một số người bạn ở TP.HCM, Hoàng Anh được chỉ cho một mẹo là bay đi Bangkok (Thái Lan) trước rồi trở về Hà Nội sau. Tra thử giá vé, cô nhận thấy số tiền mình phải trả ít đi hẳn.
Nếu bay từ TP.HCM đi Bangkok vào 12/1 và chiều về từ Bangkok đến Hà Nội Nội vào 15/1, số tiền phải trả chưa tới 3 triệu đồng. Nếu áp dụng mẹo này, các du khách như Hoàng Anh có thể tận dụng thêm thời gian đi chơi với số tiền phải bỏ tương đương.
"Tôi làm công việc tự do nên không bị ràng buộc nhiều về thời gian. Đây là phương án khá hợp lý. Tôi sẽ dành khoảng 4 ngày ở Thái Lan để du lịch, nhân tiện mua quà Tết rồi mới trở về Hà Nội. Theo tôi tìm hiểu, Thái Lan không đón Tết Nguyên Đán nên hoạt động du lịch không bị ảnh hưởng", Hoàng anh chia sẻ.
Không áp dụng với nhiều người
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, nhận xét câu chuyện của Hoàng Anh là một bài toán kinh tế hợp lý. Tuy nhiên, không phải ai cũng áp dụng được.
Theo ông Đạt, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán hàng năm thường rơi vào khoảng 27, 28 Tết. Do đó, mọi người chỉ có một, hai ngày để chuẩn bị, thu xếp công việc về quê. Ít ai còn nghĩ đến chuyến đi chơi thời điểm này.
"Nếu bạn chủ động được công việc và có thể sắp xếp thời gian đi chơi, đây sẽ là bài toán hợp lý. Tuy nhiên, cách tính này chỉ phù hợp với một số người", ông Đạt nói.
Nếu chi li từng đồng, bạn có thể đi chặng TP.HCM về Hà Nội theo kiểu transit tại Thái Lan. Tới Thái Lan, bạn sẽ không đi đâu và chỉ ở sân bay để chờ về Hà Nội. Dù vậy, thời gian để hoàn thành chuyến bay kiểu này cũng mất khoảng nửa ngày. Do đó, phương án này không khả thi.
Hiện tại, du khách khó chờ được giá rẻ từ các hãng hàng không cho chặng TP.HCM đi Hà Nội hoặc về các tỉnh thành phía bắc khác. Lựa chọn khả dĩ nhất là chọn các chuyến bay đêm để giá "mềm" hơn chút. Bù lại, hành khách cũng sẽ khá mệt mỏi.
Từ thực tế hàng năm, không ai dám chắc 100% giá vé máy bay Tết sẽ đắt liên tục. Có một số người thường chờ tới sát ngày mua để đợi vé rẻ đi. Điều này không sai nhưng cũng đi kèm rủi ro cao là hết vé hoặc vé tăng giá mạnh hơn. Do đó, việc đi vào thời điểm nào còn tùy thuộc vào nhu cầu của du khách.
Theo ông Đạt, chặng TP.HCM đi Hà Nội và ngược lại là "tuyến đường vàng" trong ngành hàng không. Nhu cầu du lịch chỉ chiếm phần nhỏ trong chặng này. Nhiều người có nhu cầu qua lại giữa hai thành phố để phục vụ việc làm ăn, kinh doanh, thăm thân, công tác... Trong năm, giá vé máy bay chặng này thường ở mức ổn định.
Tuy nhiên, vào dịp Tết, nhu cầu từ TP.HCM đi các tỉnh phía bắc, đặc biệt là Hà Nội tăng cao. Lý do là nhiều người ở phía bắc vào TP.HCM lập nghiệp, làm ăn. Cận Tết, nhu cầu về quê cao khiến giá vé máy bay từ TP.HCM đi các tỉnh phía bắc tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, giá vé máy bay cũng sẽ cao vào dịp các công ty bắt đầu quay lại làm việc (khoảng mùng 6, mùng 7 Tết). Sau thời gian này, giá vé có thể "mềm" hơn.
"Tóm lại, việc bay đi Thái trước rồi về Hà Nội hoàn toàn hợp lý nếu bạn có thể sắp xếp thời gian. Ở Thái chỉ có động đồng người Hoa đón Tết Nguyên Đán nên việc du lịch vẫn diễn ra bình thường", đại diện công ty lữ hành này nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ve-tet-tphcm-ha-noi-qua-dat-sang-thai-con-re-hon-post1378906.html