Về thăm khu vườn đặc sản nổi tiếng thơm ngon ở xứ Công tử Bạc Liêu
Thành phố Bạc Liêu chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch phong phú với những nét độc đáo về văn hóa, xã hội, trong đó có khu vườn đặc sản nổi tiếng thơm ngon.
Thanh nhãn được bảo hộ thương hiệu độc quyền
Bà Trần Kiều (71 tuổi, còn gọi là Thanh), một chủ khu vườn nhãn cổ rộng lớn ở ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu lai tạo thành công. Giống nhãn mới nổi tiếng thơm ngon được đặt, ghép theo tên của bà Thanh nên gọi là thanh nhãn.
Bà Thanh cho biết: “Vào năm 1994, trong vụ mùa thu hoạch nhãn, bà tình cờ thấy trong vườn nhãn của gia đình có một vài gốc nhãn già cỗi nhưng có trái rất thơm ngon. Trái nhãn có màu vàng tươi, cơm dày, khô ráo, vị thơm, ngọt và giòn hơn hẳn những giống nhãn khác. Thấy vậy, bà Thanh đã mày mò lấy cành cây nhãn này để tháp, bo, ghép lên những gốc nhãn cũ trong vườn và đã cho ra đời giống nhãn mới.
Trải qua nhiều năm cắt ghép, bà Thanh đã lai tạo thành công cây giống thanh nhãn. Được coi là đặc sản nổi tiếng thơm ngon ở xứ Công tử Bạc Liêu hiện nay. Bà Thanh còn tự hào hơn khi năm 2014, thanh nhãn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu độc quyền. Đây không chỉ là niềm vui của gia đình bà Thanh mà còn là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu.
“Bạc Liêu đang là một điểm đến du lịch hấp dẫn, nếu cây thanh nhãn được trồng phổ biến thì sẽ tạo được một sản phẩm độc đáo, hấp dẫn khách du lịch. Thanh nhãn còn mở ra nhiều tiềm năng cho các nhà vườn trong việc xuất khẩu, bởi có những ưu điểm mà nhiều loại nhãn khác không có được” - bà Thanh chia sẻ.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng
Bà Đỗ Ái Lam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu, cho biết: “Tiềm năng về phát triển du lịch (Toàn thành phố có 9/10 điểm trên toàn tỉnh được Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông cửu long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng Bằng sông Cửu Long, 07 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh); có nhiều khu, điểm du lịch nổi bật như: Vườn Chim Bạc Liêu, Vườn nhãn, Quán âm phật đài, chùa Xiêm cán, nhà Công tử Bạc Liêu, Điện gió Bạc Liêu, khu Du lịch Nhà Mát, thiền viện Trúc Lâm,… có nhiều món ăn ngon mang nét đặc trưng: thanh nhãn, bánh xèo, bún bò cay, rượu Công xi Bạc Liêu,…”.
“Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Chiến lược phát triển du lịch thành phố Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng năm 2030 và tổ chức triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, bước đầu đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ cán bộ và nhân dân. Thành phố đã và đang tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch thu hút du khách, trong đó tập trung nhiều vào sản phẩm du lịch vườn nhãn Bạc Liêu. Đặt chỉ tiêu sẽ xây dựng khu du lịch Vườn nhãn trở thành khu du lịch cộng đồng trọng điểm của thành phố gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhiều dịch vụ phong phú” - bà Đỗ Ái Lam cho biết thêm.
Xây dựng xã Hiệp Thành trở thành phường Hiệp Thành
Bà Đỗ Ái Lam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có và để du lịch Bạc Liêu tiếp tục phát triển, có đủ sức cạnh tranh và thu hút được khách du lịch trong và ngoài tỉnh, hướng tới xây dựng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng,… là vận động, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp, các cơ sở, các hộ dân kinh doanh tham gia vào đầu tư lĩnh vực du lịch, nâng cấp các cơ sở hiện có theo hướng ngày càng đủ chuẩn phục vụ du lịch, phát triển du lịch cộng đồng gắn với đầu tư phát triển dịch vụ du lịch và khai thác du lịch từ Thanh nhãn và nhãn cổ,… đồng thời, hỗ trợ nhân dân đầu tư mở rộng diện tích trồng Thanh nhãn gắn với phát triển du lịch trải nghiệm quy trình chế biến bánh xèo, từng bước hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương; thực hiện các tiêu chí xây dựng xã Hiệp Thành trở thành phường Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông đạt tiêu chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Để du lịch thành phố Bạc Liêu phát triển mạnh, đột phát, phát triển có trọng tâm, trọng điểm đủ sức cạnh tranh và thu hút được khách du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế thì đòi hỏi phải có sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố Bạc Liêu nói riêng, tỉnh Bạc Liêu nói chung.
Nhân rộng mô hình trồng cây thanh nhãn gắn với phát triển du lịch sinh thái
Để phát huy giá trị, nhân rộng mô hình trồng cây thanh nhãn gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn TP. Bạc Liêu, bà Lê Thị Ái Nam – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho rằng: “Cây thanh nhãn đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng nhưng hiện nay chỉ mới tập trung nhân rộng diện tích, chưa tổ chức liên kết sản xuất. Về bảo vệ thương hiệu thanh nhãn cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Do đó, bà Lê Thị Ái Nam đề nghị các sở, ngành khẩn trương triển khai thực hiện đề án, có giải pháp bảo vệ thương hiệu, xây dựng hồ sơ chỉ dẫn địa lý thanh nhãn Bạc Liêu. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền những giá trị của thanh nhãn để cán bộ, nhân dân hiểu đúng, đầy đủ và tự hào về thương hiệu nhãn Bạc Liêu. Quan tâm chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất và phát triển theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị cây thanh nhãn.
Đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu gắn với tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Đầu năm 2023, xây dựng sản phẩm du lịch homestay từ thanh nhãn và kết hợp với các điểm tham quan tiêu biểu của tỉnh để phát triển du lịch, thu hút khách thập phương đến Bạc Liêu.