Về thăm làng hoa lâu đời của vùng Tây Nam Bộ
Những ngày cuối năm, không khí tại làng hoa Bà Bộ (TP Cần Thơ) trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Người dân luôn tất bật từ sáng sớm đến tận khuya, miệt mài chăm bón từng luống hoa, từng chậu cảnh để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Làng hoa Bà Bộ nằm tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, được biết đến là một trong những làng hoa truyền thống lâu đời nhất miền Tây Nam Bộ.
Từ trước năm 1954, hình ảnh những chiếc ghe xuồng chở đầy hoa và cây trái cập bến bờ sông trước khi đưa lên đường Hàng Dương (gần nhà lồng chợ cổ hiện nay) đã trở thành nét đặc trưng của làng.
Đến nay, làng hoa vẫn giữ vững giá trị truyền thống, đồng thời phát triển thành trung tâm sản xuất và cung cấp đa dạng các loại hoa kiểng, cây cảnh cho không chỉ khu vực địa phương mà còn nhiều tỉnh thành lân cận. Vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán, làng hoa trở thành điểm tham quan thu hút du khách đến chiêm ngưỡng và chọn mua hoa cảnh, mang theo không khí rộn ràng và sự háo hức đón xuân.
Đi qua những con đường dẫn vào làng hoa, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn hoa bạt ngàn xanh mướt, khoe sắc dưới ánh nắng. Các loài hoa chơi Tết như: vạn thọ, cúc mâm xôi, cát tường... đã được người dân cẩn thận đưa vào chậu, bón phân từng gốc cây để đảm bảo sự phát triển đều và đẹp.
Riêng hoa mai vàng, một biểu tượng không thể thiếu trong ngày Tết của người dân miền Nam, được người dân chăm chút kỹ lưỡng, uốn nắn thân cây thành nhiều hình dáng độc đáo, bắt mắt. Mỗi gốc mai là một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo và tâm huyết của người trồng.
Chị Phạm Thị Cẩm Tú, một người dân gắn bó với làng hoa chia sẻ, nghề trồng hoa cần rất nhiều công sức; từ khâu chọn giống, chăm sóc đến khi hoa nở đều phải thật tỉ mỉ. Với nghề này, phải yêu thiên nhiên, cây cảnh mới có duyên lâu dài vì rất vất vả, từ lúc mua giống về chăm sóc, cho vào chậu chăm bón đều phải cẩn thẩn.
Gia đình chị Tú chủ yếu trồng các loại vạn thọ, cúc mâm xôi, cát tường và cúc vàng. Vào những tháng cận Tết, chị và gia đình thường làm việc ngoài vườn đến tận nửa đêm để chăm sóc “những đứa con tinh thần”. Niềm vui lớn nhất của chị là thấy hoa đạt chất lượng tốt, được các thương lái đến đặt mua sỉ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Tại nhà bác Bảy, người đã gắn bó với nghề trồng hoa hơn 30 năm, câu chuyện về nghề như một hành trình trải nghiệm đầy cảm xúc. Bác Bảy cho biết, mọi kỹ thuật chăm hoa đều là tự học và đúc kết qua từng mùa vụ, không sách vở nào có thể dạy được. Mỗi loài hoa đều có đặc điểm và cách chăm sóc riêng, đòi hỏi sự quan sát và tỉ mỉ. Nghề trồng hoa tuy vất vả nhưng mang lại niềm vui vì mỗi ngày được ngắm nhìn vườn hoa rực rỡ, cảm nhận mùa Xuân đang đến gần hơn. Vườn hoa không chỉ là nguồn thu nhập chính mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, niềm tự hào và sự gắn bó với quê hương.
Ngày nay, trước sự phát triển và đô thị hóa đang diễn ra nhanh, dù diện tích làng hoa đã bị thu hẹp đáng kể, nhưng những gia đình như nhà chị Tú hay bác Bảy vẫn quyết tâm giữ nghề truyền thống. Đối với họ, làng hoa không chỉ là kế sinh nhai mà còn là biểu tượng của làng hoa Bà Bộ, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đẹp qua bao thế hệ.
Đến với làng hoa Bà Bộ, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vườn hoa rực rỡ mà còn cảm nhận được tình yêu, sự tận tụy và niềm tự hào của những người nông dân dành cho nghề trồng hoa, góp phần làm nên hương sắc đặc trưng của Tết miền Tây.
Một số hình ảnh tại làng hoa Bà Bộ:
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ve-tham-lang-hoa-lau-doi-cua-vung-tay-nam-bo-465788.html