Về thăm quê Bác
Tôi về thăm quê Bác đúng dịp sen đang mùa hoa nở. Một không gian Việt, một làng quê Việt, một hình ảnh Việt đã quy tụ thu nhỏ ở đây, kết tinh lại bao vẻ đẹp bình dị, thân thương của những nếp nhà mái tranh, tường tre ấm áp tình người, làng quê xóm mạc. Mới biết tình quê mộc mạc đã ngấm sâu vào Bác cả những câu dân ca như mạch nguồn nuôi dưỡng Người bằng những phong vị từ văn hóa dân gian đến với văn hóa bác học. Năm 1906, Bác Hồ rời làng Sen theo cha vào Huế và phải đến năm 1957 Người mới trở lại thăm quê nội. Về quê Bác tôi gặp lại sông Lam là cái nôi sinh ra tục hát đò đưa nổi tiếng. Có lẽ cũng bởi vì thế mà dù xa quê hơn 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước nhưng Bác Hồ vẫn nhớ như in những câu hát quê nhà: 'À ơi! (chứ) ai biết nác sông Lam răng lại trong lại đục/ Thì biết được cuộc đời răng là nhục là vinh/ (chứ) thuyền em lên thác xuống gành/ Nác non là nghĩa/ là tình ai ơi'. Và chính Bác Hồ đã sửa chữ 'nước' thành chữ 'nác' cho một nghệ nhân trong đoàn dân ca Nghệ Tĩnh khi hát cho Người nghe.
Chúng tôi về Hoàng Trù quê ngoại của Bác (xưa gọi là làng Chùa), đây là nơi cất tiếng khóc chào đời của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ngôi nhà sinh ra Bác gồm ba gian, hướng nhà mở về phía nam. Gian nhà ngoài và gian nhà trong được ngăn cách bằng một bức phên nứa. Năm 1883, khi Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan làm lễ thành hôn, ông bà Hoàng Xuân Đường đã dựng ngôi nhà này trong vườn của mình cho ở riêng. Gian nhà ngoài là nơi học tập và nghỉ ngơi của ông Nguyễn Sinh Sắc, đầu hồi là một chiếc án thư, trên án có nghiên mực và ống đựng bút lông, chếch phía trong có cái giá để sách. Đây là nơi hàng ngày Nguyễn Sinh Sắc dùi mài kinh sử và đón ông Hoàng Xuân Đường sang trao đổi văn chương các điển tích điển cổ, bình văn và bình thơ. Dân làng Chùa còn nhớ kỳ thi Hương khoa Giáp Ngọ (1894), lúc cậu bé Nguyễn Sinh Cung đang cùng bè bạn câu cá bên hồ sen thơm ngát là lúc tin ông Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân trường Nghệ lan nhanh về làng Chùa, cậu hớn hở chạy ra đồng tìm mẹ báo tin. Bà Hoàng Thị Loan vẫn bình thản cấy hết đám ruộng. Bà vui vẻ nói với mọi người “Ông Nghè, ông Cống cũng sống về ăn”. Nói vậy thôi nhưng bà thoăn thoắt làm xong rồi dắt tay cậu bé Cung về sớm lo nấu nước chè xanh đậm đà, rang mẻ lạc thơm giòn, để đãi bà con làng xóm đến chung vui. Gian nhà thứ hai là gian buồng, nơi nghỉ ngơi của bà Hoàng Thị Loan. Ở đây có kê một chiếc giường tre nhỏ đơn sơ và tấm vải màn nhuộm nâu do bà tự dệt lấy. Chính tại ngôi nhà nhỏ này bà đã sinh ra ba người con: Năm 1884 là con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh hiệu là Bạch Liên, năm 1888 sinh con trai thứ là Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt). Và một sáng năm Canh Dần (1890), khi mặt trời tháng 5 hắt những tia sáng bình minh đầu tiên làm rực đỏ chân trời dãy núi Đại Huệ và hương sen thơm ngát từ bầu sen ùa về, người con thứ ba Nguyễn Sinh Cung mà dân địa phương thường gọi là Nguyễn Sinh Côông (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) cất tiếng khóc chào đời. Ở đây còn lưu giữ chiếc rương gỗ, món quà hồi môn bà ngoại cho bà Hoàng Thị Loan ngày đi lấy chồng để đựng gạo và các vật dụng quý. Ở gian thứ ba có một bộ dụng cụ dệt vải. Ngoài công việc đồng áng, đêm đêm sau khi lo cơm nước cho chồng con, bà Hoàng Thị Loan lại ngồi vào khung cửi miệt mài dệt những tấm vải. Bà như chuốt vào đó những tháng ngày lam lũ nhưng ngời lên bao hy vọng về con đường học hành thi cử của chồng và sự khôi ngô tuấn tú chăm học của những đứa con, đặc biệt là sự thông minh sáng dạ của cậu bé Cung. Bà dệt vào đó những đêm gà gáy sáng canh hai, canh ba mà ngọn đèn dầu lạc vẫn còn tỏa sáng. Tôi bồi hồi đứng bên chiếc khung cửi mà màu gỗ đã ngả bóng thời gian nhưng hơi ấm bàn tay của bà vẫn còn đây, tiếng thoi đưa vẫn còn đó. Tôi mới hiểu vì sao kiến trúc sư thật có lý và tinh tế chọn mẫu chiếc khung cửi cách điệu làm giá đỡ khi xây mộ bà Hoàng Thị Loan.
Ngày 9/12/1961, sau hơn 50 năm xa cách về thăm quê lần thứ hai Bác Hồ mới có dịp thăm lại ngôi nhà nơi Người cất tiếng khóc chào đời và sống những năm đầu ấu thơ. Vì năm 1957 khi lần đầu về Nam Đàn, Bác chỉ mới thăm quê nội, vì đường sang quê ngoại chưa được sửa chữa và đến năm 1959 thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Ty Văn hóa Nghệ An đã khôi phục lại căn nhà này trên nền đất cũ, để làm di tích lưu niệm. Người làng Chùa kể lại rằng: Khi về thăm nhà, Bác đi từ gian này đến gian kia. Bác dừng lại giây lát trước chiếc án thư để một đôi tràng kỷ nơi xưa cụ Hoàng Xuân Đường ngồi giảng sách. Bác bùi ngùi nhìn chiếc gường thấp, nơi người mẹ thân yêu thường ôm Bác vào lòng. Bác nhìn cái rương đựng lương thực có cái lỗ nhỏ mà ngày ấu thơ Bác và anh cả Khiêm thường thò ngón tay trỏ vào ngoáy ngoáy. Bồi hồi Bác nói: “Các cô các chú thật khéo giữ, chiếc rương gỗ ngày xưa vẫn còn ...”. Sau đó Bác ra ngồi xổm trước thềm nhà thân mật nói chuyện với bà con làng Chùa. Bất ngờ Bác gặp lại ông Nguyễn Thuyên, người bạn câu cá ngày nhỏ, Bác nhắc lại kỷ niệm một lần đi câu, bè bạn giật lưỡi câu khiến rách vành tai. Khi nghe bạn thưa Chủ tịch, Bác thân mật bảo: “Cứ gọi tôi là Cung như ngày trước”. Tạm biệt quê ngoại Hoàng Trù, chúng tôi theo con đường làng sang thăm quê nội làng Sen của Bác. Sau nhiều năm dùi mài đèn sách và trải qua hai lần thi Hội, ông Nguyễn Sinh Sắc đã đậu Phó bảng khoa Tân Sửu (1901). Theo quy định dưới triều Thành Thái, người đậu đại khoa như ông được hưởng lễ “Vinh quy bái tổ”. Khi triều đình đưa về đến Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An, chức sắc và dân làng Sen mang cờ, võng xuống rước quan Phó bảng về quê. Ông Nguyễn Sinh Sắc đã từ chối mọi nghi thức. Rồi cuốn cờ, võng cùng mọi người đi bộ về làng. Vinh dự tự hào khi lần đầu tiên trong làng có người đậu đại khoa, và cũng là để bày tỏ lòng cảm thông trước cảnh ngộ gà trống nuôi con của ông, làng đã tặng ông mảnh ruộng học điền rộng 4 sào 14 thước Trung Bộ. Làng mua một ngôi nhà gỗ 5 gian từ xã Xuân La về dựng rồi trân trọng xuống Hoàng Trù mời 4 cha con về sinh sống. Chính vì vậy vào ngày 16/6/1957, trong dịp về thăm quê lần đầu, khi vào thăm nhà, Bác Hồ đã chỉ vào ngôi nhà mà nói: “Đây là nhà ông Phó bảng”. Để ghi nhớ công ơn người vợ hiền mẹ thảo, nhắc nhở các con luôn nhớ tới tấm gương cao quý của mẹ mình, ông Nguyễn Sinh Sắc đã lập bàn thờ giản dị để thờ bà Hoàng Thị Loan. Người làng Sen không thể nào quên được câu nói rưng rưng của Bác Hồ khi đứng trước bàn thờ của mẹ: “Xưa nhà Bác nghèo bàn thờ chỉ làm bằng tre không có chân, mà chỉ dùng hai miếng gỗ đóng giá vào hai bên cột đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa trên trải bằng chiếc chiếu mộc”. Gian thứ nhất ông Nguyễn Sinh Sắc kê một bộ phản gỗ được ngả từ cây đa làng làm nơi tiếp khách. Khách của ông thường là những người bạn hữu khoa bảng, những chiến sĩ yêu nước đương thời như: Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Nguyên Cẩn... Cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường được làm công việc tiếp nước, hầu trà cho các cụ. Qua những buổi lắng nghe các cụ xướng họa, bình văn, đàm đạo thời cuộc, với sự mẫn cảm sẵn có, nhận thức về truyền thống lịch sử văn hóa, về nỗi thống khổ nước mất nhà tan như một dòng chảy tự nhiên ngấm dần vào tâm hồn Nguyễn Sinh Cung, để từ đó cậu sớm nảy nở lòng yêu quê hương đất nước, ý chí cứu nước cứu dân. Gian thứ ba là gian buồng, nơi nghỉ ngơi của người con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh. Gian thứ tư là nơi nghỉ và đọc sách của ông Nguyễn Sinh Sắc. Gian thứ năm là nơi nghỉ của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Ngoài ra còn có ngôi nhà ngang ba gian là nơi nấu ăn của gia đình Bác. Nội trợ là chị cả Thanh, còn cậu bé Cung thì gánh nước ở giếng Cốc về giúp chị thổi cơm. Khi về thăm quê nội, Bác bồi hồi chào hỏi bà con rồi đi theo lối riêng. Bác bảo: "Lối đi của nhà tôi ngày trước ở đàng này”. Ra thăm sân vườn, Bác chỉ chỗ nào có hàng cau năm cây, chỗ nào có cây ổi đào nhiều quả ngọt. Bác chỉ bên nào có hàng rào dâm bụt, bên nào có hàng rào chè mạn hảo. Đi trên con đường nhỏ rợp bóng tre của làng, Bác hỏi thăm giếng Cốc và lò rèn cố Điền. Hôm đó Bác đã nói chuyện với bà con Kim Liên tại gốc đa bên con đường đi vào xóm Phú Đầm, Bác cho kẹo các cháu nhỏ và gửi trà cho phụ lão.
Về thăm quê Bác, chúng tôi đã lên thắp hương phần mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ. Đây là nơi ông Nguyễn Sinh Khiêm đi khắp Nam Đàn tìm huyệt đất tốt để cải táng cho mẹ. Vị trí được chọn này tại núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huệ (xã Nam Giang). Theo thuyết phong thủy Phương Đông, thế đất ở đây hội tụ đủ các yếu tố cần thiết cho một huyệt đất tốt. Đầu mộ gối lên núi Động Tranh cao thuộc dãy Đại Huệ hùng vĩ, chân mộ đạp lên con lạch nhỏ từ Nộm Hộ chảy qua làm tiểu mạch và xa hơn là dòng Lam huyền thoại chảy quanh làm đại mạch thủy. Đứng nơi đây có thể bao quát cả một vùng quê rộng lớn sơn thủy hữu tình nhìn thẳng về làng Chùa, làng Sen. Toàn bộ phần mộ được che bằng giàn hoa bê tông kiểu dáng như giàn hoa ở Phủ Chủ tịch, đồng thời như một chiếc khung cửi cách điệu - một công cụ lao động gắn bó suốt cuộc đời bà. Trên giàn hoa được phủ bằng hoa giấy đưa từ khu mộ ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) về trồng. Hai bên phần mộ là đường lên, xuống với hàng trăm bậc đá như hai dải lụa đào uyển chuyển. Đặc biệt, ở lưng chừng núi Bạch Hổ thuộc núi Động Tranh gần mộ bà Hoàng Thị Loan có mộ bà Hà Thị Huy (bà nội Bác Hồ) cũng được ốp gạch granit màu đỏ thẫm. Du khách qua đây thắp hương trước khi lên viếng mộ bà Hoàng Thị Loan.
Tháng 5 này tôi xúc động khi gặp nhiều đoàn khách ở khắp mọi miền đất nước, đủ các lứa tuổi, từ các cụ già đến các cháu nhỏ quy tụ về đây - về làng Sen: Quê chung! Và tôi bồi hồi mong ước, được một lần vào Cao Lãnh (Đồng Tháp), quê hương của những đầm sen bát ngát, để được viếng thăm đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Bỗng ngân nga và vang vọng trong tôi hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang đẹp như một áng ca dao thuần Việt: “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ...”.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202005/ve-tham-que-bac-3003837/