Vê thăm thắng tích Hàn Sơn
Nằm soi bóng bên bờ sông Lèn - nơi núi, sông giao hòa là cụm di tích danh thắng Hàn Sơn thuộc địa bàn xã Hà Sơn (Hà Trung). Cảnh sắc cụm di tích này được du khách thập phương biết đến như một bức tranh thủy mặc nhuốm màu tâm linh hiếm nơi nào có được.
Bằng nguồn xã hội hóa, đền Hàn Sơn từng bước được đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tâm linh của người dân.
Từ cầu Lèn (thị trấn Hà Trung), ngược về phía Tây khoảng 9km là đến xã Hà Sơn - nơi đứng chân cụm di tích danh thắng Hàn Sơn nổi tiếng xứ Thanh, mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh mỗi năm. Tên gọi Hàn Sơn, được người dân địa phương cắt nghĩa: “Hàn” có nghĩa là vực, thác ngầm, “Sơn” là núi và giải thích rằng, khi sông Mã tách dòng chảy qua hệ thống đá ngầm nơi chân núi, dòng sông trở nên hung dữ và xoáy xiết, tạo nên cảnh sắc hùng vĩ. Xưa kia, nơi đây thường xảy ra xói lở, ảnh hưởng đến thuyền bè qua lại. Vì thế, vừa là chốn dừng chân chiêm ngắm cảnh đẹp núi sông, song cụm thắng tích Hàn Sơn cũng là nơi người dân, du khách gửi gắm ước vọng, cầu mong thần linh phù trợ, che chở để cuộc sống bình an.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và các tài liệu bia ký cùng truyền thuyết dân gian địa phương lưu truyền: Vào thời Lê, Thái úy Lê Thọ Vực- người được giao trấn giữ ải Ba Bông (ngã ba sông Mã - nơi giao nhau với sông Lèn). Trong trận giao tranh ác liệt kéo dài với quân giặc, không phân thắng bại, tình thế nguy cấp, đêm đến ông được một người con gái xiêm y trắng giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng báo mộng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu thoải tất ứng linh”. Theo lời, danh tướng dẫn quân xuôi về Chí Thủy (đền Hàn Sơn bây giờ) dâng lễ cầu Mẫu. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm. Đợi khi nước thủy triều xuống, tổng lực phản công, ắt sẽ thắng. Vận dụng theo kế sách này, quân giặc chết nhiều vô kể, máu nhuộm thành sông.
Theo tín ngưỡng dân gian, người con gái trong kiệu võng về báo mộng cho tướng quân Lê Thọ Vực đêm hôm ấy chính là con gái Ngọc Hoàng (Công chúa Mai Hoa) nay gọi là Cô Ba hay Cô Bơ thoải phủ đền Ba Bông. Còn người báo mộng hiến kế để tướng quân Lê Thọ Vực phá giặc là “Đệ Tam Thủy Tiên Thánh Mẫu Bạch Ngọc Hồ Trung Xích Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ” hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thoải, Mẫu Hàn Sơn. Đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu lên vua cho lập đền thờ Cô Ba ở bãi bồi ven ngã Ba Bông hiện nay. Đền thờ Thánh Mẫu Đệ Tam ở non cao Thạch Bàn - Núi Chúa (núi phía sau đền), về sau mới di chuyển xuống ven sông để Nhân dân thuận lợi thăm viếng. Nhớ ơn công đức của tướng quân Lê Thọ Vực, Nhân dân địa phương lập đền thờ ông ngay phía dưới đền Mẫu, được tách rời bởi sân Đại Bái.
Người dân dâng hương tại thắng tích Hàn Sơn. Ảnh: Tư liệu
Đền Hàn Sơn (tức đền Đức Ông) thờ thái úy Lê Thọ Vực. Ngôi đền được lập ở nơi sườn núi ven sông Lèn. Nhìn bên ngoài, ngôi đền không tráng lệ nhưng cổ kính, uy nghi. Cổng đền hướng ra bờ sông Lèn, ở giữa là bức đại tự “Hàn Sơn linh từ”. Bên trong, đền được lập theo 4 cấp với 4 cung uy nghi, tráng lệ. Cung tứ thờ đức ông Lê Thọ Vực, cung nhất, cung nhị thờ Mẫu, cung tam thờ Hội đồng chư vị.
Nằm trong cụm di tích danh thắng Hàn Sơn, đền Ba Bông (còn gọi là đền cô Ba, cô Bơ) cũng không kém phần hấp dẫn. Theo lộ trình, du khách thường bắt đầu từ đền Thánh Mẫu, sau đó ngược lên phía Tây khoảng 2km, là đền Ba Bông. Đến đây, du khách không chỉ được rũ bỏ phiền muộn trong cuộc sống mà còn cảm thấy được che chở như có một nguồn sức mạnh kỳ diệu truyền vào cơ thể. Lễ hội Hàn Sơn được mở vào tháng 6 (âm lịch) hàng năm và ngày 12 tháng 6 là chính hội. Vào dịp này, Nhân dân địa phương thường tổ chức lễ hội rước bóng Cô Bơ ở đền Ba Bông về hầu Thánh mẫu Đệ Tam đền Hàn.
Nằm trong vùng ngã ba sông “hội sơn tụ thủy”, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng, cụm di tích danh thắng Hàn Sơn tựa như nét chấm phá khiến cho tổng thể bức tranh thêm phần phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Từ đây, cụm di tích danh thắng Hàn Sơn kết nối với các di tích, cụm di tích, thắng cảnh khác mở ra cơ hội, tiềm năng phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đặc biệt, ngày 6-10-2021 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 3905/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Hà Trung đến năm 2030. Trong đó, các di tích lịch sử, văn hóa tại xã Hà Sơn: đền Cô Bơ, đền Hàn Sơn... được xác định là những điểm đến hấp dẫn, với hoạt động du lịch tâm linh gắn với lễ hội truyền thống và kết nối tuyến du lịch sông Mã, sông Lèn và sông Hoạt.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/ve-tham-thang-tich-han-son/23300.htm