Về Thanh Hà xem nông dân thu hoạch mật ong hoa vải xuất khẩu sang Mỹ
Huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) không chỉ nổi tiếng với vải thiều tiến vua, mà còn được biết đến với sản phẩm mật ong hoa vải được xuất khẩu cả sang Mỹ.
Hiệu quả kinh tế kép
Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 3.300 ha cây vải, tập trung ở các địa phương trong vùng quy hoạch sản xuất vải. Để nâng cao hiệu suất thụ phấn cho cây vải, nhiều hộ dân trong huyện đã nuôi thêm ong mật, nhờ đó mang lại hiệu quả kinh tế kép khi thu hoạch thêm được lượng lớn mật vải, có giá trị kinh tế cao.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho thấy, toàn huyện có trên 30 hộ nuôi ong quy mô lớn, mỗi hộ có từ 300 đàn đến 1.000 đàn ong (tương đương với số thùng ong). Ngoài ra, khi tới mùa hoa vải (tháng 3 hằng năm), còn có các hộ nuôi ong ở các địa phương khác cũng di cũng di chuyển trại ong đến địa bàn huyện Thanh Hà để thu hoạch mật ong.
Các hộ nuôi ong tại huyện Thanh Hà cho biết, mật ong hoa vải có đặc trưng là màu vàng từ nhạt tới đậm, vị ngọt thanh và có mùi thơm dịu của hoa vải. Tại vườn, mật ong được bán với giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg và sau khi được chiết xuất vào chai có tem nhãn đúng quy chuẩn sẽ có giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Vẫn theo các hộ nuôi ong, mỗi đàn ong có thể thu hoạch khoảng 15 - 20 kg mật trong một mùa hoa vải. Vì vậy, tùy theo quy mô chăn nuôi của từng hộ mà sản lượng một mùa hoa vải có thể dao động từ 5 - 6 tấn cho tới 20 - 30 tấn mật/hộ nuôi ong.
Vụ thu hoạch mật năm nay, anh Vũ Bá Đội, Giám đốc Hợp tác xã ong mật Minh Khang (tỉnh Hải Dương) đã đưa 500 đàn ong về huyện Thanh Hà để khai thác mật. Anh cho biết: “Khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi có thể tiến hành quay mật từ 8 - 9 lần trong một vụ, ngược lại nếu thời tiết xấu thì chỉ quay được từ 4 - 5 lần. Sản lượng mật trong mỗi lần quay đạt khoảng 700 kg, mang về giá trị kinh tế khoảng 42 triệu đồng”.
Mật ong hoa vải là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, được kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi cầu ong đưa ra khỏi các thùng nuôi sẽ được đưa vào máy quay ly tâm để lấy mật. Sau đó, mật ong được tiến hành lắng lọc để tách bỏ tạp chất, tùy yêu cầu sản phẩm có thể tách thủy phần rồi sang chiết, đóng vào chai, dán tem, nhãn trước khi đến tay người tiêu dùng.
Đưa mật vải Thanh Hà đến thị trường quốc tế
Mật ong hoa vải Thanh Hà được người dân Hải Dương và các tỉnh lân cận ưa chuộng. Hiện mật ong hoa vải Thanh Hà được bán ở nhiều siêu thị, cửa hàng sản phẩm OCOP trên toàn quốc.
Là một trong những đơn vị đạt hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi ong lấy mật, chị Lê Thị Quyên, chủ cơ sở mật ong Điệp Quyên cho biết, sau hơn 30 năm gắn bó với nghề làm mật ong hoa vải hiện nay, cơ sở của gia đình chị có 2.000 đàn ong (thùng ong). Căn cứ vào thời tiết và nguồn hoa, công nhân sẽ tính toán để di chuyển đàn ong cho phù hợp.
Năm 2022, mật ong hoa vải Thanh Hà giọt vàng của cơ sở nuôi ong Điệp Quyên được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Để đạt được điều này, gia đình chị Quyên luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Cơ sở làm mật ong nguyên chất, không có tạp chất, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Chị Quyên cho biết năm 2025, chị sẽ đăng ký xây dựng OCOP 4 sao cho mật ong.
Không chỉ xây dựng thành công thương hiệu mật vải đạt OCOP 3 sao trong nước, anh Lê Quý Quyết (sinh năm 1975, huyện Thanh Hà), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Bắc là người đầu tiên trong tỉnh đưa mật ong vải xuất khẩu sang Mỹ. Mỗi năm, anh xuất khoảng 1.000 tấn mật các loại sang Mỹ, doanh thu đạt khoảng 60 tỷ đồng.
Bên cạnh khai thác mật từ đàn ong của nhà, anh thực hiện thu mua mật ong của người dân địa phương để đảm bảo nguồn hàng. Trước khi xuất khẩu, mẫu mật ong phải được gửi đi kiểm nghiệm tại một công ty của Đức.
Theo anh Quyết, để đạt được hiệu quả cho quá trình khai thác mật, các hộ nuôi ong và chủ đàn ong với các chủ vườn vải có sự gắn bó, liên kết chặt chẽ, giúp nhau cùng phát triển. Đây là mối hợp tác đôi bên cùng có lợi, người nông dân được mùa vải và người nuôi ong thu hoạch được nhiều mật ong chất lượng. Điểm đặc biệt là hiện nay vải Thanh Hà đều đã sản xuất theo hướng VietGAP và GlobalGAP, việc chăm sóc vải tuân thủ chặt chẽ quy trình được cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp hướng dẫn nên mật ong hoa vải ngày càng chất lượng.
Có thể khẳng định hiệu quả kinh tế từ nuôi ong đem lại khá cao, từ nghề nuôi ong lấy mật đã và đang giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Thanh Hà có thêm một nguồn thu nhập ổn định, giúp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.