Về 'thiên đường cột mốc' Bình Liêu tìm cơ hội phát triển kinh tế
Với nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biên mậu, Bình Liêu của Quảng Ninh không chỉ dồi dào tiềm năng du lịch, mà còn được biết đến như một địa bàn có nhiều tiềm năng cần gợi mở, khám phá.
“Thiên đường cột mốc”
Bình Liêu được giới mê xê dịch gọi là “thiên đường cột mốc” – điểm ấn tượng đầu tiên của một địa phương vùng biên. Hơn 60 cột mốc trải dài 43km đường biên giới giáp Nam Ninh, Trung Quốc, trong đó có 4 cột mốc linh thiêng (1300, 1302, 1305 và 1307) mà nếu đã đến Bình Liêu nhất định bạn phải đến một lần.
Những cột mốc này nằm rải rác trên con đường tuần tra biên giới đẹp như tranh vẽ, mang trọn vẹn vẻ đẹp của núi non hùng vĩ miền biên ải. Dấu ấn sâu đậm nhất có lẽ là cột mốc chủ quyền 1305 - một trong hai mốc giới nằm ở vị trí cao nhất trên thực địa Quảng Ninh, cũng là nơi không dễ để có thể chạm vào. Để đến được cột mốc này, bạn cần phải vượt qua sống lưng khủng long - con đường khó quên nhất, khá nguy hiểm, nhưng cũng là cung đường đẹp nhất.
Được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu trong lành, mát mẻ; cảnh quan thiên nhiên miền núi tươi đẹp với những thửa ruộng bậc thang, cao nguyên cỏ trù phú, những rừng hồi, rừng quế, rừng sở thơm ngát, đường biên giới hùng vĩ với những cột mốc thiêng liêng đánh dấu chủ quyền biên giới quốc gia. Đặc biệt, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn luôn có ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để huyện Bình Liêu phát triển những loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch biên giới với bản sắc riêng, tạo sản phẩm du lịch mới cho tỉnh Quảng Ninh.
Người ta truyền tai nhau rằng, dù mùa nào Bình Liêu đều mang vẻ đẹp quyến rũ hiếm thấy. Cấu trúc địa hình đa dạng của vùng núi cao, có những đỉnh cao hơn 1.000m so với mực nước biển,
Mùa Hè, thời tiết Bình Liêu khá mát mẻ, được ví như một Sa Pa thu nhỏ của Quảng Ninh. Những con thác đẹp nao lòng đổ xuống từ lưng núi, quanh năm ẩn mình trong sương mù dày đặc, chỉ vén bức màn bí ẩn một lần mỗi năm. Nào Khe Vằn, Khe Tiền, Sông Moóc… mỗi con thác đều còn giữ riêng cho mình vẻ hoang sơ, thi vị.
Sang Thu, núi rừng miền biên viễn mang sắc vàng rực của những thửa ruộng bậc thang xen giữa màu xanh của núi đồi quanh co. Cuối Thu đầu Đông, Bình Liêu đẹp lãng mạn với những vạt hoa lau phủ trắng các ngọn đồi, sườn núi, trải dài khắp các cung đường biên giới. Trong ánh chiều tà, những vạt lau chấp chới theo gió trong cảnh núi rừng miền biên viễn man mác.
Tuần Văn hóa - Du lịch Bình Liêu, Hội mùa vàng, Hội hoa sở năm 2021 là chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch diễn ra từ ngày 12/11 đến hết tháng 12/2021, trên địa bàn các xã, thị trấn Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh với các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc nơi đây, kỳ vọng sẽ mang tới cho du khách những ấn tượng khó phai.
Đông đến cũng là lúc hoa sở nở rộ - loài hoa mộc mạc, thanh khiết này đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch được chú ý trong những năm gần đây của Bình Liêu và Quảng Ninh.
Xuân về, Bình Liêu như được khoác lên tấm áo mới, những chồi non mới mọc, hoa mận, hoa đào cùng muôn loài đua sắc, tràn sức sống. Cảnh sắc Bình Liêu lại trở nên thơ mộng hơn cùng mùi hương thoang thoảng dễ gây thương nhớ.
Tất nhiên "đặc sản du lịch Bình Liêu" không chỉ có cột mốc, còn vô vàn những điều thú vị đang chờ đón du khách tại vùng biên viễn nhưng lại rất nổi tiếng này.
Chương trình khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch và Hội mùa vàng Bình Liêu năm 2021 dự kiến tổ chức từ ngày 12 -14/11 tại Khu vực danh thắng ruộng bậc thang xã Lục Hồn, Sân nhà Văn hóa xã Húc Động, Chợ Trung tâm thị trấn và Quảng trường 25/12 thị trấn Bình Liêu. Chương trình khai mạc sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 13/11 tại sân khấu Đình Lục Nà, xã Lục Hồn.
Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra chuỗi các hoạt động hấp dẫn như: Phiên chợ đêm Bình Liêu; Giải chạy chinh phục sống lưng khủng long, Lễ khánh thành điểm dừng chân cột mốc 1305 và các chương trình khám phá, chinh phục “Bình Liêu - thiên đường hoa lau biên giới”; Chương trình Dù lượn bay trên mùa vàng; Chạy marathon “Chinh phục cung đường mùa vàng”...
Hội hoa sở Bình Liêu 2021 dự kiến khai mạc 9h ngày 11/12 tại khu rừng sở thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm) với các hoạt động ý nghĩa như, Chương trình tham quan rừng sở; Giải đua xe đạp “Khám phá đường biên giới Bình Liêu thiêng liêng, hùng vĩ”; giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian; mua sắm tại hội chợ sản phẩm OCOP Quảng Ninh…
Các hoạt động được tổ chức nhằm góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa vàng và Hội hoa sở Bình Liêu 2021 được tổ chức nhằm triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch huyện Bình Liêu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kích cầu du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 2 triệu khách du lịch trong quý IV/ 2021 của tỉnh Quảng Ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong những tháng cuối năm 2021 của địa phương.
Nhiều sự lựa chọn để đầu tư tại Bình Liêu
Là địa phương biên giới, Bình Liêu có Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu kinh tế đa ngành. Cửa khẩu Hoành Mô được công nhận là cửa khẩu chính đóng vai trò quan trọng trong mô hình “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai điểm đột phá” của tỉnh Quảng Ninh; nằm trên tuyến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Sớm nhận thức rõ những tiềm năng của địa phương, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu luôn cố gắng phát huy nội lực, khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế-xã hội; nhất là việc phát triển kinh tế biên mậu, phát triển du lịch, đưa các ngành có tiềm năng lớn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế.
Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Trong những năm qua, huyện Bình Liêu luôn xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những lĩnh vực kinh tế trọng điểm của huyện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với luân chuyển cơ cấu kinh tế. Huyện đã tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trên khu vực cửa khẩu, đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như hoạt động kinh tế trên khu vực cửa khẩu.
Huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên khu vực cửa khẩu tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt trong các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; thực hiện một số giải pháp để triển khai các dự án đầu tư phát triển trên khu vực cửa khẩu như, kho bãi, hệ thống trung tâm thương mại, chợ và nhiều công trình quan trọng khác...
Đây là những điều kiện thuận lợi, tiềm năng rất lớn để các nhà đầu tư đến đầu tư, phát triển kinh tế biên mậu với nước bạn Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á. Trong Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn các nhà đầu tư có rất nhiều sự lựa chọn trong việc đầu tư khai thác các ngành nghề, cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, với diện tích đất lâm nghiệp lớn, Bình Liêu có điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế rừng với các loại cây công nghiệp, cây dược liệu như: Hồi, quế, sở, trẩu, thông, keo, sa mộc, cây dược liệu... Đây là nguồn nguyên liệu phong phú phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm lâm nghiệp.
Đặc biệt, bên cạnh những quy định, chính sách ưu đãi của tỉnh và Chính phủ, Bình Liêu luôn xác định cần tập trung thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện. Do đó, thời gian qua huyện luôn chú trọng đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường, thường xuyên đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư trên địa bàn.
Trên thực tế, để khẳng định rõ việc luôn coi công việc của doanh nghiệp chính là việc của cấp ủy, chính quyền; Bình Liêu nhất quán chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền từ huyện cho đến xã trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp. Được biết, trong nhiệm vụ này, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị và hành chính công, thông qua việc phát huy vai trò của Trung tâm Hành chính công với một đầu mối duy nhất sẽ hoạt động hiệu quả, nhằm hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp; tăng cường các giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tiện lợi, như thông quan điện tử tại Cửa khẩu Hoành Mô để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa...