Bứt phá từ hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ
Để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và sự chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt của người dân, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng là giải pháp trọng tâm được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên, triển khai với nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ, rốt ráo.
Điểm sáng Bình Liêu
Tại huyện biên giới Bình Liêu, thời gian qua, từ nguồn ngân sách tỉnh, địa phương và các nguồn lực xã hội hóa, địa phương đã ưu tiên, tập trung triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên địa bàn huyện. Từ năm 2020 đến nay, địa phương đã hoàn thành hệ thống các công trình giao thông kết nối tới tất cả các thôn, bản của huyện với tổng chiều dài hơn 250km, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong quá trình khám phá du lịch Bình Liêu.
Trong năm 2024, huyện tập trung triển khai các dự án thuộc Đề án Cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, có một số dự án liên quan trực tiếp đến các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện. Nổi bật là dự án Cải tạo, nâng cấp đường nối QL18C đến khu danh thắng ruộng bậc thang xã Lục Hồn với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 8.2025. Theo đó, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 8,73km, bề rộng mặt đường từ 5,5 - 6m. Điểm đầu tuyến đấu nối với đường Quốc lộ 18C tại Km34+60 (khu vực Bản Pạt, xã Lục Hồn) và điểm cuối tuyến đấu nối với tuyến đường liên xã Lục Hồn - Đồng Tâm - Hoành Mô tại Km3+246 (khu vực thôn Ngàn Vàng dưới).
Lãnh đạo huyện Bình Liêu cho biết, việc đầu tư hạ tầng giao thông vào các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện được đẩy mạnh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án theo danh mục khuyến khích, như: Dự án tôn tạo, tu bổ, phát huy giá trị di tích - danh lam thắng cảnh thác Khe Vằn; bản văn hóa người Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khu rừng Sở (xã Đồng Tâm)… Song song đó, huyện cũng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống biển báo chỉ dẫn, biển cảnh báo, biển thông tin dọc các tuyến giao thông dẫn vào các điểm du lịch nhằm bảo đảm an toàn cho du khách đến tham quan du lịch.
Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng khởi sắc
Không chỉ riêng với Bình Liêu, trong định hướng phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, hải đảo Quảng Ninh, đầu tư đồng bộ về hạ tầng được xác định là tiền đề, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Với quan điểm đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới được tỉnh ưu tiên dành nguồn lực lớn từ ngân sách.
UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Đề án và các chương trình, kế hoạch; trong đó, giao các địa phương tập trung triển khai thực hiện 414 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư. Toàn tỉnh đã hoàn thành 13/15 dự án giao thông động lực, kết nối vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo bằng nguồn vốn Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; tiếp tục đẩy mạnh các dự án giao thông thực hiện qua Đề án tổng thể phát triển giao thông nông thôn…
Bên cạnh đó, các đoàn thể, đơn vị, địa phương chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông ở xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường ô tô rộng đẹp; 100% các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản được bê tông hóa theo tiêu chí NTM.
Việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng vùng DTTS và miền núi đã giúp đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của 7 địa phương đặc trưng vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh ở mức khá. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt mức cao so với vùng DTTS của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh và bền vững.