Vẽ tiếp tinh hoa 'Từ truyền thống đến truyền thống'
'Từ truyền thống đến truyền thống' là tên gọi của triển lãm mỹ thuật đang diễn ra tại đình Nam Hương (phố Hàng Trống, Hà Nội) trong dịp Tết này.
"Từ truyền thống đến truyền thống" là tên gọi của triển lãm mỹ thuật đang diễn ra tại đình Nam Hương (phố Hàng Trống, Hà Nội) trong dịp Tết này.
Không có quy mô hoành tráng hay những họa sĩ nổi tiếng, nhưng triển lãm vẫn thu hút sự quan tâm, tán thưởng của giới mỹ thuật, nghiên cứu văn hóa cũng như công chúng. Bởi ở đó, những nét đặc sắc, tinh hoa của dòng tranh dân gian Hàng Trống đã được các nghệ sĩ trẻ sáng tạo theo cách mới mẻ, thú vị, mang hơi thở hiện đại.
"Ðối thoại" với truyền thống
Theo kế hoạch, dự án "Từ truyền thống đến truyền thống" của thầy trò Khoa Hội họa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam được trưng bày trong vòng hai tháng cuối năm 2020, nhưng nhận được sự hưởng ứng và những kết quả tích cực cho nên tiếp tục kéo dài, bổ sung tác phẩm đợt hai, phục vụ người xem nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thật ý nghĩa khi một triển lãm về dòng tranh Hàng Trống được tổ chức tại đình Nam Hương, ngôi đình cổ kính nằm trên phố Hàng Trống, nơi đã chứng kiến sự ra đời, hưng thịnh và dần mai một của dòng tranh này. Trong các gia đình Bắc Bộ xưa kia, tranh dân gian Hàng Trống là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, thờ cúng. Tuy nhiên, đến nay, nhu cầu con người thay đổi, nhiều loại hình văn hóa phẩm mới xuất hiện khiến dòng tranh dân gian này lùi dần về quá khứ, ngày càng ít người biết đến, nhất là lớp trẻ. Bằng đam mê hội họa và cả nỗi niềm với di sản văn hóa, một nhóm sinh viên mỹ thuật đã bắt tay thực hiện dự án "Từ truyền thống tới truyền thống" với mong muốn tạo nên một sợi dây gắn kết những điều xưa cũ, cụ thể là đưa cảm hứng từ kỹ thuật và chủ đề của tranh Hàng Trống lên lụa và sơn mài - những chất liệu tiêu biểu của hội họa Việt Nam.
Tham quan triển lãm, người xem dễ dàng nhận ra những đường nét, mầu sắc thân quen của dòng tranh Hàng Trống, những "Ngũ Hổ", "Ông Ba Mươi", "Bà Chúa", "Tố nữ"… đã được các tác giả trẻ thể hiện theo cách hoàn toàn mới, trẻ trung và sáng tạo. Họ tìm cách vượt qua cách tiếp cận mô phỏng, ghi chép thông thường để ứng tác, "đối thoại" với di sản. Chẳng hạn như tác phẩm "Rọi về ký ức" của Nguyễn Thị Cẩm Nhung, mang đến sự kết hợp của đèn và lụa chiếu lên các hình ảnh quen thuộc như "Thầy đồ cóc", "Ðám cưới chuột", "Cá chép vượt vũ môn"… tạo hiệu ứng đẹp mắt và khơi gợi cảm xúc hoài cổ. Hay "Ngũ Hổ" của Nguyễn Xuân Lam giới thiệu một thử nghiệm mới giữa tranh dân gian và phù điêu ảnh: kết hợp vẽ chì trên giấy cùng chất liệu in phun trên xốp thường được sử dụng trong ngành công nghiệp quảng cáo ngày nay. "Trong vườn hoa Hàng Trống" của hai tác giả Nguyễn Thị Trang và Nguyễn Thị Hoài Giang thì tái hiện những chi tiết cỏ cây, hoa lá từng xuất hiện trong các bức tranh Hàng Trống, bằng chất liệu sơn mài kết hợp giấy dó, khuyến khích người xem trực tiếp tương tác và cảm nhận bề mặt chất liệu.
Các tác giả trẻ khác như Trần Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Như Quỳnh, An Nguyễn, Lại Minh Huyền, Trần Kết, Phạm Ngọc Hà, Nguyễn Hà Anh… mỗi người chọn một khía cạnh, đề tài từ tranh Hàng Trống để tạo nên tác phẩm riêng của mình. Hơn 30 tác phẩm cũng là hơn 30 phương án ứng tác, với hình thức thể hiện đa dạng, từ tranh tường cho đến những bức bình phong, đèn kéo quân, đĩa sơn mài, bình trang trí… khiến người xem không nhàm chán. Qua đây, có thể thấy được giá trị vượt thời gian của những tinh hoa truyền thống trong tranh Hàng Trống, nếu khéo léo khai thác thì vẫn có tiềm năng lớn không chỉ trong hội họa mà còn trong thiết kế, ứng dụng.
Nỗ lực đưa di sản vào đời sống
Vài năm gần đây, việc nghệ sĩ trẻ sử dụng những yếu tố của mỹ thuật cổ truyền làm chất liệu sáng tạo đã trở thành một xu hướng, tuy chưa rầm rộ nhưng vẫn là tín hiệu đáng mừng. Cách làm này vừa góp phần tạo chất riêng cho nghệ sĩ, vừa giúp di sản đến gần hơn với công chúng đương đại. "Từ truyền thống đến truyền thống" là một dự án dài hơi, mà triển lãm mỹ thuật này mới chỉ là phần mở đầu. Ðược biết, trong vòng một tháng, các tác giả là nhóm sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa đã có cơ hội học hỏi trực tiếp từ nghệ nhân Lê Ðình Nghiên - truyền nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống, cũng như đề xuất những phương án sáng tạo lấy cảm hứng từ dòng tranh này.
Họ được nghệ nhân giới thiệu và hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản của dòng tranh Hàng Trống, từ đi nét, tô mầu, sử dụng mầu nước... và cả truyền cảm hứng lớn lao về lòng yêu nghề, yêu văn hóa và bản sắc dân tộc. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của triển lãm chia sẻ: "Không phải chỉ là sao chép lại hay học theo cách làm của nghệ nhân, chúng tôi muốn chuyển hóa tinh thần của dòng tranh Hàng Trống, tình yêu của nghệ nhân vào đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo trẻ, được đào tạo bài bản và có cách tiếp cận mới".
Nghệ nhân Lê Hoàn, con trai nghệ nhân Lê Ðình Nghiên, cũng nhận định rằng, nghề làm tranh Hàng Trống đã có lúc tưởng như thất truyền, thì nay đang được chung tay vực dậy bởi nhiều nguồn lực, trong đó có nhiều nhóm bạn trẻ, sinh viên. Nỗ lực "làm mới" tranh Hàng Trống chính là để thích ứng với thị hiếu hiện đại, góp phần quảng bá dòng tranh này đến nhiều người hơn, hướng tới phục hồi tranh dân gian Hàng Trống nói riêng và các dòng tranh dân gian khác nói chung.
Triển lãm lần này cũng là dịp để cổ vũ sáng tạo cá nhân của những sinh viên mỹ thuật, những nghệ sĩ trẻ luôn quan tâm, tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại. Tin vui là một số tác phẩm tại triển lãm đã được các nhà sưu tập trong và ngoài nước đặt mua, khẳng định tài năng của các tác giả cũng như sức hấp dẫn của tranh dân gian Hàng Trống. Sau thành công của "Từ truyền thống tới truyền thống", hy vọng rằng sẽ còn có nhiều hơn một dòng tranh dân gian được tiếp nối bởi những người trẻ tuổi.