'Về TP HCM đi, việc nhiều lắm, đừng lo...'!

Hay là bạn về TP HCM làm việc đi, có nhiều cơ hội làm lắm, về đây có bọn tao nè. Về TP HCM ư, rồi ở đâu, rồi làm gì, có quen ai đâu? Cần gì phải quen, dễ sống lắm, vui lắm, nhộn nhịp lắm, về đi........

Đó là lời nhắn của bạn bè hồi tháng 6-2006 - khi tôi cầm tấm bằng cử nhân trên tay với sự do dự về lại vùng đất Tây Nguyên nắng gió, nơi có ba mẹ và cậu em trai, hay là về vùng đất Miền Tây nơi có một Học viện khu vực đang hình thành và phát triển...

Chỉ còn có ba cô sinh viên tốt nghiệp ra trường trong căn phòng ký túc xá, các bạn ở gần đã được bố mẹ đón về quê ngay trong ngày nhận bằng.

Tối hôm ấy, ba chúng tôi, nằm tâm sự cả đêm, hứa hẹn đủ điều, những lúc cười vang lên, những lúc lại trầm xuống, đôi lúc có cả những giọt nước mắt.

Chỉ cách đó có một ngày, căn phòng ấy rộn rã tiếng cười, sắp xếp quần áo và những món quà tuy nhỏ thôi nhưng lại rất ý nghĩa cho các em sinh viên năm đầu (một cái quạt con cóc, một cái bàn xếp, cái đèn để bàn,,...), những món quà tặng nhau làm kỷ niệm. Vậy mà đêm nay thật dài đối với chúng tôi. Cũng cái đêm ấy, tôi đã quyết định vào Nam để lập nghiệp.

Muốn trải nghiệm hành trình từ Bắc vào Nam như thế nào? Tôi mua vé tàu Bắc- Nam hành trình 36 giờ. Lúc chuẩn bị xa Hà Nội, trong lòng cảm thấy có gì đó lưu luyến. Một Hà Nội đã nuôi tôi lớn lên (sống ở Hà Nội từ khi 3 tuổi cùng mẹ, học xong Đại học), rất nhiều tình thương, quý mến và kỷ niệm...

Vào đến TP HCM lúc 20 giờ 30 tối ngày hôm sau, tôi được một người bạn đón ngay tại cửa xuống của tàu, chở tôi qua các con đường, giới thiệu với tôi một chút về Sài Gòn, chưa cảm nhận được gì hết cả.....Vì xe cộ nhiều, con đường thì quanh co, chạy trong hẻm và vì mệt quá.

Về căn phòng trọ tầm 16m2, ngột ngạt, đông đúc. Đến gần 0 giờ, một số bạn trong phòng đi làm về, cười nói rôm rả. Khu nhà trọ sống về đêm thì phải, khuya rồi mà tiếng cười nói, tiếng chào nhau, tiếng hỏi thăm… Bạn tôi nói đùa ở đây tối khuya mới vui, ban ngày đi làm hết, ở rồi sẽ quen...

Sáng hôm sau, tôi được bạn mời một tô phở, mùi vị không giống ở Hà Nội, mùi quế, mùi cây hồi rất nặng mùi, mà nước quá ngọt không thể nào ăn được cả (lúc đó vậy thôi- bây giờ ghiền luôn rồi).

Những ngày đầu, nhiều cái lạ lắm, tiếng rao hàng cũng khác, tiếng mời chào cũng khác và cách xưng hô " cưng hả", " chế", "qua lộ" nhiều cụm từ mà tôi cứ há hốc mồm ra nghe, hỏi đến 3-4 lần... Thế mà không ai la mắng gì cả, còn chỉ bảo tận tình nữa chứ.

Nghỉ ngơi vài ngày, tôi được giới thiệu đến Trường Cán bộ TP nộp hồ sơ. Câu đầu tiên cô Trưởng phòng Tổ chức hỏi: “Lạnh hay sao mà cứ mặc áo lạnh hoài vậy? Em về làm những thủ tục này nhé, qua tuần vào gặp lại cô”.

Đúng hẹn, tôi lên, cô dẫn tôi xuống Khoa ra mắt. Một cô bé sinh viên gầy còm, chỉ 40 kg, không dám nói điều gì luôn. Một cô tướng phúc hậu la lớn: “Con về đây hồi nào, có làm giảng viên được không?”. Tôi lí nhí trả lời. Cô lại quát to hơn: “Giảng viên gì mà nói nhỏ xíu à? Nói lớn lên”. Tim muốn rớt ra khỏi lồng ngực.

Bây giờ người mà hay la tôi lúc mới vào nghề, luôn đồng hành và giúp tôi qua bao khó khăn thử thách của cuộc sống. Tôi thường gọi tiếng thân quen Má).

Tác giả trong một lần làm từ thiện

Tác giả trong một lần làm từ thiện

Thời gian trôi qua thật nhanh, chớp mắt, tôi đã về Trường Cán bộ Thành phố nay là Học viện cán bộ Thành phố, công tác tròn 15 năm, cũng là 15 năm tôi vào Sài Gòn, mảnh đất nghĩa tình.

Chính Sài Gòn- TP HCM, Học viện Cán bộ đã giúp tôi có được như ngày hôm nay. Quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, tôi đã học được từ quý Thầy, quý Cô, anh chị đồng nghiệp, anh chị học viên những kinh nghiệm của cuộc sống và cũng làm cho bản thân tôi cứng cáp hơn, đối mặt với bao sóng gió của cuộc đời.

Những hình ảnh ngày đầu đứng trên bục giảng, bỡ ngỡ, thiếu tự tin, rất nhiều lời góp ý, để đến ngày hôm nay, tôi cũng đã phần nào tự tin vào bản thân, có tấm bằng Thạc sĩ, rồi hoàn thành xong chương học nghiên cứu sinh và được công nhận học vị Tiến sĩ.

Có được kết quả này là nhờ có sự đồng hành, quan tâm, giúp đỡ của ba mẹ tôi và những người thân yêu; thầy cô, những người bạn và cả những người hàng xóm xa lạ nhưng rất đỗi thân quen.

Hơn thế nữa, tôi cảm ơn vùng đất đã giúp tôi sống, làm việc và biết sẻ chia yêu thương nhiều hơn.

Có những lần đi giảng, tôi lạc đường gần 2 tiếng, chạy lòng vòng mãi không tìm ra được địa chỉ, hỏi thăm một bác xe ôm và được bác dẫn đi gần 5 km đến nơi dạy, chưa kịp cảm ơn bác đã quay xe di.

Thuê nhà ở trọ, lúc tôi ốm đau, chính cô chủ nhà đã giúp đưa tôi đi bệnh viện, nấu cháo đưa qua cho tôi, dặn dò uống thuốc,

Có những hôm lội bộ gần cả cây số trong mưa (xe chết máy), ngập nước, kẹt xe để về được đến nhà, chỉ một câu hỏi thăm thôi sao nghe ấm lòng…

Hai năm vừa qua, Covid-19 đã làm cho nhiều anh chị, gia đình, thay đổi môi trường làm việc, phương thức hoạt động để phù hợp và thích nghi cho cuộc sống.

Nhưng những khó khăn đó tan biến bởi tình thương và sự sẻ chia của người TP nói riêng và người Miền Nam nói chung từ những cây ATM gạo, những món quà cho những hộ gia đình ở khu cách ly, những gói mì tôm, hộp sữa cho các cô, các chú bán vé số…

Những hình ảnh đó thôi thúc tôi luôn phấn đấu, rèn luyện, học tập, chia sẻ yêu thương đến với mọi người trên vùng đất nghĩa tình.

Tiến sĩ TRẦN HẢI HÀ (Học viện Cán bộ TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/ve-tp-hcm-di-viec-nhieu-lam-dung-lo-20210616102017903.htm