Về Triệu Phong đi chợ Ái Tử

Cũng giống như nhiều khu chợ khác trên địa bàn tỉnh, chợ Ái Tử, thị trấn Ái Tử (Triệu Phong) là nơi trao đổi, mua bán các sản phẩm hàng hóa, trong đó chủ yếu là sản phẩm do chính người nông dân trong vùng sản xuất ra. Chợ Ái Tử được nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động tháng 12/2012 với diện tích xây dựng 3.253 m2 nằm trên khu đất sân bay Ái Tử cũ. Chợ được thiết kế xây dựng với 238 lô quầy với nhiều khu hàng hóa như hàng vàng, hàng giày dép, áo quần, hàng tươi sống, khu dịch vụ như may mặc, sửa chữa đồ điện tử với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỉ đồng.

 Chợ Ái Tử đã được xây dựng khang trang

Chợ Ái Tử đã được xây dựng khang trang

Nhiều tiểu thương bán hàng thực phẩm ăn uống ở chợ cho biết, hầu hết thịt heo, gà, vịt, cá, tôm, rau củ quả ở chợ đều được thu mua của người dân các xã lân cận trong vùng để cung cấp cho người tiêu dùng nên chất lượng đảm bảo, các loại thịt được kiểm dịch thú y chặt chẽ, trong lúc đó giá cả phải chăng và rẻ hơn ở các chợ trung tâm khác. Đơn cử như mặt hàng gà, vịt có giá rẻ hơn ở chợ Đông Hà hay chợ thị xã Quảng Trị khoảng từ 10.000- 15.000 đồng/ con. Nhiều khách hàng khi đến chợ đều có chung nhận xét, đến với chợ Ái Tử người ta không chỉ mua bán hàng hóa thông thường mà còn để cảm nhận sự mến khách, gần gũi, đon đả của tiểu thương nơi đây. Nhiều khách hàng còn cho biết thêm, khi đến chợ Ái Tử mua hàng hóa như đi gặp bạn bè người quen vậy. Mua hàng cũng được, không mua cũng được, giá cả thì phải chăng, không nói thách, nói mấy mua mấy, mua về không ưa ý đem tới đổi, trả lại cũng được, thậm chí thiếu tiền tiểu thương vẫn cho nợ hôm khác tới trả, đôi bên yên tâm và vui vẻ.

Chị Nguyễn Thị Bình, cán bộ Trung tâm Môi trường và Đô thị huyện Triệu Phong, đơn vị trực tiếp quản lí chợ cho biết, hiện tại chợ Ái Tử do tiểu thương chưa thuê hết lô quầy nên huyện đã cho Công ty may thuê tầng hai để làm chỗ may mặc. Mục đích của việc cho thuê mặt bằng ngoài khai thác sử dụng hết diện tích của chợ và tăng thêm nguồn thu cho huyện thì còn tạo ra sức mua hàng hóa cho chợ từ công nhân may mặc tại đây. Bởi thời gian qua, khách hàng đến chợ chỉ là người dân thị trấn Ái Tử và các xã vùng phụ cận, nay có thêm khoảng 100 công nhân may mặc của công ty nên chợ thêm phần tấp nập người mua bán. Chị Bình cũng cho biết thêm, trong quá trình quản lí, Trung tâm Môi trường và Đô thị huyện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lí thị trường, kinh tế hạ tầng để quản lí chặt chẽ giá cả, nguồn gốc hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… nên khách hàng đến chợ rất yên tâm. Chợ cũng lắp đặt đầy đủ hệ thống điện, nước sạch và khu xử lí môi trường nên khi nào cũng sạch sẽ, không có tình trạng mất vệ sinh. Bên cạnh đó, chợ còn có đội phòng cháy chữa cháy được cấp chứng chỉ hành nghề nên công tác phòng, chống cháy nổ luôn được chú trọng.

Một tiểu thương ở chợ Ái Tử cho biết, tình hình an ninh trật tự ở chợ rất tốt, hiếm khi xảy ra trộm cắp, cướp giật, lừa đảo vì tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng chợ của tiểu thương rất cao. Còn nhớ cách đây gần 1 năm, tại khu chợ này Tòa án nhân dân huyện Triệu Phong mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo T.T.M.H, trú tại Phường 5, thành phố Đông Hà về tội “Trộm cắp tài sản”. Bà H. khi đến chợ Ái Tử để mua đồ, lợi dụng tiểu thương nghỉ trưa nên trộm tiền của chị V.T.T.N với số tiền hơn 31 triệu đồng. Căn cứ các quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân huyện Triệu Phong tuyên phạt bà H. 42 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, đồng thời tịch thu, nộp ngân sách nhà nước xe mô tô là phương tiện mà bà H. sử dụng để phạm tội. Qua vụ án này, cho thấy tinh thần đoàn kết tự quản của tiểu thương rất cao, nên tiểu thương và khách hàng rất yên tâm.

Giám đốc Trung tâm Môi trường và Đô thị huyện Triệu Phong Nguyễn Cử cho biết, chợ Ái Tử thực sự là nơi mua bán hàng hóa đáng tin cậy của nhân dân. Chợ đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tếxã hội ở địa phương phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chợ Ái Tử còn gặp những khó khăn do ở hai đầu chợ với khoảng cách không xa có chợ thành phố Đông Hà và chợ thị xã Quảng Trị và các chợ nông thôn khác, hạ tầng giao thông vào chợ chưa thuận lợi, nhất là cầu An Mô xây xong đã lâu nhưng đường dẫn hai đầu cầu chưa được xây dựng nên xe và người dân chưa thể qua lại được, trong lúc đó cầu An Mô cũ chật hẹp và xuống cấp dẫn đến rất nhiều ô tô vận chuyển hàng hóa khó đến chợ. Tuy vậy, để chợ thực sự là trung tâm mua bán cho người dân, Trung tâm Môi trường và Đô thị cố gắng xây dựng chợ bằng một hình ảnh khác- hình ảnh văn minh thương mại nên được khách hàng và tiểu thương rất phấn khởi khi đến đây. Sắp tới, trung tâm tham mưu UBND huyện phương án sắp xếp quy hoạch lại một số lô quầy hàng rau quả và ăn uống để tạo sự thuận lợi cho khách hàng và tiểu thương cũng như làm tốt hơn công tác phòng chống cháy nổ. Trung tâm khuyến khích tiểu thương mở rộng kinh doanh các mặt hàng là sản vật của quê hương để thu hút khách hàng đến chợ. Rồi đây, khi các cụm công nghiệp, nhất là Cụm công nghiệp đông Ái Tử đi vào hoạt động chắc chắn lượng khách hàng đến chợ ngày càng đông…

NV

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142390