Về vùng bưởi ngon nổi tiếng Hà Tĩnh
Sản xuất nông nghiệp ở Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn là cam, bưởi, chè và gà, lợn… nhưng được quy hoạch bài bản hơn trước và ứng dụng các kỹ thuật mới. Nhờ vậy, cuộc sống người dân ngày một đủ đầy, diện mạo nông thôn không ngừng đổi thay...
Người dân Hương Khê chú trọng phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Phúc Trạch là xã thuần nông, nhiều đồi núi, nhưng địa thế tưởng rằng là khó khăn ấy lại là thế mạnh khi địa phương xác định chú trọng phát triển kinh tế vườn đồi.
Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Trần Quốc Khánh cho hay, đất đồi bây giờ lại có giá giá trị cao. Đồi cao thì người dân trồng keo nguyên liệu, chỗ thấp hơn thì trồng cây ăn quả như cam, bưởi hay cây dó trầm… nơi bằng phẳng hơn thì chăn nuôi lợn, gà... Màu xanh trải dài đến đâu, đói nghèo đẩy lùi đến đó.
Bà Hồ Thị Hà (thôn 11, xã Phúc Trạch) chia sẻ: “Vùng đất của gia đình trước đây không đường, không điện, không nước. Chúng tôi trồng thử nhiều loại cây nhưng không có hiệu quả, thậm chí chết trắng vì thiếu nước. Năm 2016, nhận thấy chủ trương lớn và nhiều chính sách hỗ trợ của huyện, gia đình quyết định đầu tư lại từ đầu theo phương pháp khoa học, bài bản hơn.
Cùng với nguồn vốn chính sách, tôi vay mượn thêm, đầu tư hơn 1 tỷ đồng để trồng 2.400 cây bưởi đặc sản Phúc Trạch theo hướng VietGap. Năm nay, vườn bưởi đã cho hơn 15.000 quả, dự kiến sẽ thu về khoảng 450 triệu đồng. Với tiến độ phát triển của cây, những năm tới, dự kiến, mỗi năm trại bưởi sẽ cho thu hoạch khoảng 60.000 nghìn quả (gấp 4 lần hiện tại)”.
Gia đình bà Hồ Thị Hà (thôn 11, xã Phúc Trạch) trồng 2.400 cây bưởi đặc sản Phúc Trạch theo hướng VietGap bắt đầu cho thu nhập cao.
Không chỉ ở Phúc Trạch mà đời sống của người dân Hương Khê đang ngày càng thay đổi. Nhiều gia đình từ nhà tranh vách đất đến nay cuộc sống đã no đủ, thậm chí vươn lên làm giàu nhờ phát triển kinh tế vườn, đồi.
Khởi nghiệp làm trang trại từ năm 2016, được tiếp sức từ nguồn chính sách hỗ trợ lên đến hàng trăm triệu đồng, ông Lê Mạnh Hùng (thôn Tây Trà, xã Hương Trà) xây dựng trại chăn nuôi lợn quy mô hơn 1.200 con/lứa theo hình thức gia công, có liên kết với doanh nghiệp. Trên diện tích 4 ha, gia đình tiếp tục trồng hơn 500 cây ăn quả các loại.
Ông Lê Mạnh Hùng (thôn Tây Trà, xã Hương Trà) xây dựng trại chăn nuôi lợn quy mô hơn 1.200 con/lứa, thu nhập hàng năm hơn 500 triệu đồng.
“Có lợi nhuận cao, nhận thấy hướng đi đúng đắn, năm 2019, chúng tôi tiếp tục đầu tư 1.000 m2 nhà màng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Năng suất vụ đầu cho thấy hiệu quả lớn nên gia đình đang chuẩn bị đầu tư nâng quy mô lên gấp đôi hiện tại. Đến nay, thu nhập của gia đình không dưới 500 triệu đồng mỗi năm và tăng đều hàng năm” – ông Hùng phấn khởi nói.
Ngoài ra, ông Hùng trồng hơn 500 cây ăn quả các loại...
Được biết, tổng ngân sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ở Hương Khê từ 2015 - 2019 đạt trên 163,6 tỷ đồng. Tiềm năng, lợi thế về đất đai từng bước được các địa phương phát huy trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, nâng cả số lượng, quy mô và chất lượng.
Hiện nay, toàn huyện có 28.234 hộ phát triển sản xuất theo hình thức kinh tế vườn, kinh tế trang trại với tổng giá trị thu nhập đạt trên 2.293,4 tỷ đồng. Riêng về cây đặc sản, Hương Khê có 2.719 ha bưởi Phúc Trạch, 2.057 ha cam các loại.
Ngoài ra, Hương Khê còn có 185 ha cây chè liên kết với Công ty CP Chè Hà Tĩnh.
... và đầu tư xây dựng mô hình nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Kỳ cho biết, ở Hương Khê, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát ngày càng giảm, những mô hình kinh tế liên kết, áp dụng kỹ thuật, chăn nuôi với quy mô trang trại xuất hiện ngày càng nhiều và lan tỏa rộng. Kinh tế vườn, kinh tế trang trại phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng.
Hương Khê đang hướng đích huyện nông thôn mới vào năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, huyện đang khẩn trương xây dựng những chương trình, đề án cụ thể. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy kinh tế vườn đồi, trang trại để nâng cao thu nhập người dân, tạo tiền đề vững chắc xây dựng nông thôn mới. Vận dụng có hiệu quả cao chính sách của Trung ương, của tỉnh; tiếp tục rà soát, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình của địa phương để thu hút doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết với người nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/ve-vung-buoi-ngon-noi-tieng-ha-tinh/196430.htm