Về vùng quả ngọt Phổ Yên

Không chỉ có các khu, cụm công nghiệp ngày càng phát triển, Phổ Yên còn được biết đến với vùng trồng cây ăn quả ở phía Tây thành phố. Những năm qua, người dân nơi đây đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Từ điều kiện thực tế của địa phương, TP. Phổ Yên đã xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhằm đạt hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích. Giải pháp được thành phố ưu tiên là tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất kém hiệu quả; áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa các giống cây có tiềm năng, giá trị cao vào sản xuất.

Trong đó, cây ăn quả được người dân các xã khu vực phía Tây đưa vào trồng với diện tích lớn. Trên cơ sở này, TP. Phổ Yên đã quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại xã Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân quy mô hơn 300ha, chủ yếu là nhãn, bưởi, cam Vinh, ổi, chuối…

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, TP. Phổ Yên đã có nhiều cơ chế khuyến khích, vận động nhân dân sản xuất theo hướng an toàn, gắn với truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các cơ quan chuyên môn của thành phố đã tích cực tư vấn, giới thiệu giống cây trồng mới; hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, quy trình VietGAP…

Không chỉ vậy, các địa phương cũng khuyến khích, vận động nhân dân tích cực liên kết sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn thành phố có 5 tổ hợp tác trồng cây ăn quả được thành lập. Thông qua các mô hình kinh tế tập thể này, bà con học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp an toàn, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung.

Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả của TP. Phổ Yên đạt trên 2.700ha (tập trung chủ yếu ở các xã phía Tây thành phố), sản lượng đạt trên 24.600 tấn/năm. Một số cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: cam và bưởi thu được trên 250 triệu đồng/ha, chuối trên 200 triệu đồng/ha…

Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, người dân cũng tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư. Đơn cử, trong quá trình canh tác, các hộ hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng, thay vào đó là các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường. Đến nay, diện tích cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là gần 70ha, tại xóm Khe Đù, Khe Lánh (xã Phúc Thuận), xóm Thuận Đức và xóm 8,9,10 (xã Minh Đức).

Hiện nay, sản phẩm cây ăn quả của vùng được tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài tỉnh. Một số sản phẩm được thương lái, người tiêu dùng ưa chuộng như: cam Vinh, mít, hồng xiêm, ổi… Để mở rộng thị trường tiêu thụ, người dân đã và đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok…

So với mặt bằng chung của TP. Phổ Yên, các xã khu vực phía Tây thành phố còn nhiều khó khăn hơn, thu nhập người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Do vậy, định hướng phát triển cây ăn quả không chỉ phát huy được tiềm năng thế mạnh của các địa phương, mà còn góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu.

Từ định hướng phát triển vùng cây ăn quả, hạ tầng nông thôn của các địa phương được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Tính riêng năm 2023, trên địa bàn các xã đã được bê tông hóa trên 80km đường giao thông nông thôn; tu bổ, sửa chữa 4 trạm bơm, cứng hóa gần 5km kênh mương nội đồng… Nhờ đó, hoạt động sản xuất, giao thương hàng hóa của nhân dân được thuận lợi, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Để tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, khoa học - kỹ thuật tiên tiến, TP. Phổ Yên đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí mua cây giống và 50% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (mức hỗ trợ tối đa không quá 3 triệu đồng/vườn) đối với gia đình có nhu cầu cải tạo vườn tạp, trồng mới cây ăn quả có quy mô từ 100 cây trở lên.

UBND TP. Phổ Yên đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để cán bộ khuyến nông tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ thuật, để nâng cao năng lực hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phổ biến các kiến thức mới về sản xuất cây ăn quả cho người dân. Thành phố cũng thường xuyên khảo sát và hướng dẫn các hộ dân lựa chọn loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thực tế để đưa vào trồng, đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó tập trung phát triển thị trường là các công ty, doanh nghiệp hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân cũng tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ sạch, nhằm nâng cao hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202406/ve-vung-qua-ngotpho-yen-5561d5b/