Về vùng quê giàu truyền thống cách mạng
Mường Chùm (Mường La) được biết đến là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, đã có biết bao thế hệ người dân Mường Chùm xả thân vì nền độc lập dân tộc. Truyền thống cách mạng đó lại được viết tiếp trong công cuộc xây dựng quê hương với sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Mường Chùm vững bước đi lên.
Tự hào truyền thống cách mạng
Những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về xã Mường Chùm, may mắn được gặp, trò chuyện với ông Quàng Văn Lẻ, bản Nà Nong, là Bí thư Đảng ủy xã từ năm 1960 đến 1981. Năm nay, ông Lẻ đã gần 90 tuổi, nhưng còn khá minh mẫn. Ông nhớ lại: Thời gian nhân dân Mường Chùm vào lũng Đán Đanh lập căn cứ cách mạng tôi mới hơn 10 tuổi. Dù còn nhỏ, nhưng tôi cũng cảm nhận được khí thế cách mạng lúc bấy giờ qua việc nhân dân ở các bản trong xã bỏ lại nhà cửa để vào rừng ở làm cơ sở cho cách mạng. Đặc biệt, một số thanh niên đã xung phong vào các đơn vị chủ lực tham gia chiến đấu, như các anh: Tòng Văn Khùn, Lò Văn Xương... Một số khác trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào diệt tề trừ gian, tiếp tế cho cán bộ Việt Minh, như anh Quàng Văn Yên, Lèo Văn Hao, Quàng Văn Xe, Lò Văn Nén... Tại bản Hồng Hin giáp sông Đà, nhiều thanh niên trong bản đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, trèo đò, đưa đường, dựng lán cho cán bộ ở khu Pá Púa và làm liên lạc giữa khu Pá Púa với lũng Đán Đanh... Khí thế cách mạng đó đã giúp tôi sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Năm 1959, tôi được kết nạp vào Đảng, đây cũng là năm Chi bộ xã Mường Chùm được thành lập theo Quyết nghị số 32-QN/TB của Khu ủy Tây Bắc (sau này là Đảng bộ xã Mường Chùm). Năm sau, tôi được bầu làm Bí thư Chi bộ và đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy xã đến năm 1981, sau đó tôi nhận công tác tại Huyện ủy Mường La. Bây giờ, tuổi đã cao, nhưng tôi vẫn thường dạy các con, các cháu hãy sống xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương.
Cùng anh Lò Văn Pản, cán bộ văn phòng Đảng ủy xã đến lũng Đán Đanh. Thung lũng khá rộng, trải dài màu xanh của ngô, của chuối; xung quanh lũng là những quả đồi, ở đó có những chiếc hang mà cán bộ cách mạng đã từng ở trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Được tận mắt chứng kiến nơi cha anh đã kiên cường, dũng cảm bám đất, bám dân, khiến chúng tôi bồi hồi xúc động và trào dâng niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương.
Ngược dòng lịch sử, tháng 5/1948, Tỉnh ủy Sơn La thành lập 2 đội vũ trang tuyên truyền mang tên Quyết Tiến và Chiến Thắng. Đội Chiến Thắng đã tuyên truyền, vận động và xây dựng được cơ sở vững chắc tại một số xã, trong đó có xã Mường Chùm. Tại đây, Đội đã đào tạo được lớp thanh niên cốt cán là người địa phương, như các ông: Lò Văn Phá, Lò Văn Hao, Lò Văn Nghiên, Lò Văn San, Tòng Văn Khùn... Năm 1949, quân Pháp bao vây huyện ở bản Giàn (Mường Bằng), buộc cơ quan huyện phải tạm chuyển vào bản Búc (Chiềng Sung), sau đó chuyển về lũng Đán Đanh (Mường Chùm) để chỉ đạo phong trào cách mạng. Cũng trong năm đó, đồng chí Trần Quyết thay mặt Tỉnh ủy đến lũng Đán Đanh trao cờ cho Đội Chiến Thắng và tuyên bố thành lập Huyện ủy Mường La, do đồng chí Vũ Ngọc Thành (tức Hoàng Cầm La) làm Bí thư, đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ huyện Mường La.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Sơn La và Huyện ủy Mường La, nhân dân Mường Chùm tích cực chuẩn bị mọi mặt, phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng quê hương ngày 22/11/1952; đóng góp sức người, sức của góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc năm 1952 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Xã đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng nơi cắm lá cờ Đảng trong ngày tuyên bố thành lập Đảng bộ huyện Mường La vẫn còn đó và luôn in đậm trong tâm trí các thế hệ người dân trong xã. Điều này minh chứng thêm rằng, nhân dân Mường Chùm một lòng theo cách mạng, sắt son theo Đảng, theo Bác, vững bước trên con đường đổi mới để có cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Xây dựng quê hương đổi mới
Trở lại trụ sở UBND xã, câu chuyện giữa chúng tôi với đồng chí Vì Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã xoay quanh sự năng động với những bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội. Cuộc sống của người dân Mường Chùm đang trên đà khởi sắc; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, từ trụ sở xã, các trường học, nhà văn hóa các bản được xây dựng khang trang; các tuyến đường trục bản, đường liên bản được đổ bê tông; 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia... Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,28%. Tháng 12/2018, Mường Chùm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đi đến đâu trong xã, chúng tôi đều cảm nhận được sự năng động của người dân trong phát triển kinh tế. Từ trồng trọt, chăn nuôi, nhân dân đều áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất, chất lượng nông sản đạt cao. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt hơn 11.000 tấn/năm. Cùng với đó, thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc, người dân đã chuyển 283 ha đất trồng cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, năng suất đạt 2,4 tấn quả/ha. Bà con còn trồng gần 190 ha mía, sản lượng bình quân 15.000 tấn mía cây/năm. Chăn nuôi được chú trọng mở rộng quy mô đàn, với gần 11.800 con gia súc và 32.000 con gia cầm. Ngoài ra, hơn 21 ha ao nuôi cá hằng năm cho sản lượng trên 64 tấn cá thương phẩm. Các hộ ở trung tâm xã đã đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ đa dạng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của bà con trong bản, trong xã và mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, không chỉ có đời sống vật chất được nâng lên, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế cũng ngày càng phát triển. Xã đã được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Năm 2016, xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn. 100% bản có đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên tổ chức giao lưu, phục vụ nhu cầu về đời sống tinh thần của nhân dân. Hằng năm, có 81% số bản đạt danh hiệu bản văn hóa và 73% gia đình văn hóa...
Những câu chuyện về thời kỳ hào hùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc; sự năng động trong phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân Mường Chùm lắng đọng mãi trong chúng tôi. Tin rằng, đó là động lực để cán bộ, nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng xây dựng Mường Chùm ngày càng phát triển.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ve-vung-que-giau-truyen-thong-cach-mang-33510