Về xã nông thôn mới nâng cao Mỹ Thuận
Năm 2017, sau khi đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, xã Mỹ Thuận đã đạt 19/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn xã Mỹ Thuận đổi mới rõ nét, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đường dong ngõ, đường trục các thôn xóm được xây dựng, mở rộng khang trang... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Năm 2017, sau khi đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, xã Mỹ Thuận đã đạt 19/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn xã Mỹ Thuận đổi mới rõ nét, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đường dong ngõ, đường trục các thôn xóm được xây dựng, mở rộng khang trang, tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhân dân đồng thuận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã Mỹ Thuận có xuất phát điểm là xã thuần nông nên nguồn thu nhập thấp, kinh tế khó khăn. Ngoài ra, một số công trình như đường giao thông, nhà văn hóa được xây dựng từ nhiều năm trước nay đã xuống cấp cần phải chỉnh trang, nâng cấp. Một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân, ban đầu chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng NTM nâng cao, đồng ý chủ trương nhưng trông chờ vào nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước”. Đánh giá và nhìn nhận trực diện, không tránh né các khó khăn trên, giai đoạn 2018-2020, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao. UBND xã xây dựng Đề án xã NTM nâng cao, kiểu mẫu với mục tiêu phấn đấu hoàn thành trong năm 2021. Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện tập trung triển khai đầu tư nhiều dự án thúc đẩy phát triển kinh tế như Khu công nghiệp Mỹ Thuận, đường liên xã từ dốc La đến cầu Họ, đường LVRAM từ Quốc lộ 21A đến đê Ất Hợi… Ngoài ra, các thôn, xóm tiếp tục vận động đóng góp của nhân dân, lồng ghép vốn từ các chương trình để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội NTM nâng cao theo phương châm phát huy nội lực từ dân là chính cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước làm động lực. Trong năm 2021, thôn Phú Vinh đã huy động nhân dân đóng góp trên 200 triệu sửa chữa nhà văn hóa, bê tông hóa mở rộng đường làng. Xóm Lộc đã huy động nhân dân đóng góp ủng hộ, hiến đất mở rộng, cứng hóa gần 500m đường giao thông dong ngõ với kinh phí 500 triệu đồng. Xóm Phúc đã huy động các nguồn lực tu sửa nhà văn hóa và sân chơi đa năng trên 200m2 với kinh phí trên 300 triệu đồng. Các thôn, xóm đã triển khai tu sửa, lắp đặt mới hệ thống đèn chiếu sáng tại các tuyến đường trục, những tuyến đường nơi có ít hộ dân sinh sống. Xã đã nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình cải tạo, nâng cấp xây dựng thêm 1 đơn nguyên 12 phòng học 2 tầng của trường tiểu học với kinh phí là 7,5 tỷ đồng; trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của trường THCS; nâng cấp sân vườn trường và các hạng mục công trình trường mầm non theo tiêu chí xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Cùng với đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các tiêu chí về cảnh quan - môi trường cũng được quan tâm thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn xã có 100% hộ dân sử dụng nước sạch. UBND xã đã tích cực chỉ đạo, phát động, duy trì phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại tất cả các thôn, xóm, xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Nhiều khu dân cư như các xóm: Quang Trung, Đại Thắng, Phúc, Thọ... người dân hưởng ứng phong trào tích cực, mỗi tuần thu hút từ 30-50 người tham gia. Xã còn rà soát, giao chỉ tiêu bổ sung, tăng cường trồng cây xanh, hoàn thiện hệ thống cây xanh, cây bóng mát, hoa và hệ thống điện chiếu sáng đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Năm 2021, UBND xã đã xây dựng Đề án thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn giai đoạn 2020-2025, triển khai thành công mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ ở hộ gia đình tại 12 thôn, xóm (đạt 100%). Tại các khu vực công cộng, trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế xã đều được trang bị các thùng đựng rác. UBND xã đã đầu tư xây dựng 2 bể xử lý nước thải trước khi đổ ra kênh mương; tiếp tục nhân rộng mô hình hố ga thu gom sơ lắng xử lý nước thải ở những thôn xóm còn lại. Vận động nhân dân cải tạo chuồng trại, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, bảo vệ môi trường. Đến nay, hầu hết các hộ đều có bể biogas, 90% chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, nằm cách biệt với nhà ở, nguồn nước, bảo đảm khả năng phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh...
Đặc biệt, xã đã tạo được “sức bật” mạnh mẽ trên đồng ruộng quê hương với nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả, liên kết tiêu thụ nâng cao giá trị nông sản. Hiện tại, xã xây dựng được vùng sản xuất lúa Bắc thơm số 7 an toàn tại xứ đồng Chầm Chua, Mả Nỗ (thôn Đại Thắng) quy mô 2,4ha. Các hộ dân trong xã đã chuyển đổi được 70ha sản xuất lúa kém hiệu quả sang các mô hình chăn nuôi, gia trại tổng hợp đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như các hộ: ông Nguyễn Minh Vân ở xóm Quang Trung với mô hình lúa - cá, ông Trần Văn Chuyên ở xóm Cầu Nhân, ông Trần Văn May ở xóm Đại Thắng nuôi vịt, cá. Ngoài ra, xã khuyến khích người dân cho thuê tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, nâng cao năng suất, sản lượng lúa, như hộ Phạm Văn Sáu ở xóm Nam Khánh có hơn 11ha, ông Lê Thanh Long ở xóm Hàn Thông. Các ngành nghề phụ như may mặc, xây dựng, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ được xã khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển thu hút tạo việc làm thường xuyên cho lao động trẻ. Hàng năm, địa phương giải quyết thêm việc làm mới thường xuyên cho trên 100 lao động nông thôn thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2021, thu nhập bình quân trên đầu người của xã đạt hơn 61 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội dưới 1%.
Phát huy thành quả đã đạt được, đầu năm 2022, xã Mỹ Thuận tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân. Tăng cường huy động, lồng ghép, bố trí các nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân như điện, đường, trường, trạm, nước sạch; đồng thời nâng chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường… Tập trung tiêm vắc-xin phòng COVID-19 bao phủ toàn dân để tăng năng lực phòng chống dịch đảm bảo ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp./.