Về Yên Thịnh thưởng thức món bánh gio đỏ
Có dịp đến xã Yên Thịnh (Lạng Sơn) vào những ngày cuối năm, du khách sẽ cảm nhận được mùi thơm từ những chiếc bánh gio đỏ tỏa khắp làng quê. Với những du khách đến đây từng một lần thưởng thức món bánh này thì chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được hương vị dịu ngọt, thanh mát của bánh gio chấm với mật mía, pha chút vị nồng của gio từ các loại cây rừng.
Trước đây, bánh gio đỏ thường được người dân xã Yên Thịnh làm vào mỗi dịp lễ, tết để bán hay thờ cúng tổ tiên, những năm gần đây, với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, bánh gio đỏ đã được làm bán quanh năm.
Gia đình chị Hoàng Thị Nhung, thôn Diễn là một trong những hộ sản xuất bánh với số lượng nhiều để bán, chị Nhung cho biết: Bánh gio đỏ là món bánh truyền thống của người dân xã Yên Thịnh. Nguyên liệu chính để làm bánh gio là gạo nếp, theo đó muốn có được chiếc bánh gio ngon, người làm bánh phải chọn được gạo nếp cái ong vàng ngon, hạt to, tròn. Khoảng 4 năm trở lại đây, gia đình tôi làm bánh gio đỏ để bán cho khách du lịch cũng như bán giao cho khách hàng trong và ngoài tỉnh như: Thái Nguyên, Hà Nam, Hưng Yên… Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi làm được khoảng 500 đến 1.000 cái bánh, với giá bán 5.000 đồng/cái.
Các công đoạn làm bánh gio cũng rất cầu kỳ, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, cẩn thận để cho ra những chiếc bánh thơm, ngon. Đầu tiên, gạo được ngâm với nước tro, trong đó tro được đốt từ các loại cây rừng tự nhiên là cây dọa hoặc cây sấu. Tro của các loại cây trên sẽ được đun sôi với nước, để nguội, phần nước trong sẽ được dùng để ngâm gạo nếp để tạo độ mềm khi bánh gio chín. Gạo được ngâm với nước tro qua đêm sẽ được vớt lên, rửa qua nước để bớt mùi hăng nồng của tro rồi để ráo nước. Yếu tố quan trọng quyết định độ mềm, dẻo của bánh chính là ở nước tro này. Khi gói bánh, người làm cần phải khéo léo cho gạo vào chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và buộc bánh sao cho thật đều. Đặc biệt, khi buộc bánh không được buộc chặt tay quá để khi luộc hạt gạo có thể nở và chín đều.
Điểm khác biệt của bánh gio Yên Thịnh chính là khi bánh chín có màu đỏ rất đẹp mắt. Để làm được điều này, khi luộc bánh, người dân sẽ cho măng khô (măng mai hoặc măng hốc) vào luộc cùng để nước ngấm vào bánh. Bánh được luộc trong khoảng 3 đến 4 giờ đồng hồ, khi bánh đã dền thì vớt ra ngoài để nguội. Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải tạo được cảm giác ngon ngay từ khi mới bóc ra, khi bóc ra chiếc bánh có màu đỏ. Khi ăn bánh, cảm nhận đầu tiên là vị hơi nồng mà thanh mát, rồi đến vị ngọt của mật mía quyện cùng vị dẻo của gạo nếp. Mặc dù làm bằng gạo nếp nhưng bánh gio có thể ăn no mà không ngấy.
Chị Hoàng Thị Hạnh, khách đu lịch đến từ huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trong một lần đến du lịch tại xã Yên Thịnh, tôi được thưởng thức món bánh gio đỏ ở đây. Ấn tượng đầu tiên của tôi là bánh có màu đỏ rất đẹp, khi ăn bánh rất mềm, dẻo, chấm cùng đường mía thơm và ngon. Khi về tôi đã mua bánh về làm quà và xin số điện thoại để đặt mua.
Hiện nay, trên địa bàn xã Yên Thịnh có khoảng 10 hộ làm bánh thường xuyên để bán. Các hộ làm bánh thường làm theo đơn đặt hàng để bán giao cho các khách hàng trong và ngoài tỉnh hoặc bán lẻ tại xã cho người dân hoặc khách du lịch khi có dịp đến đây, từ đó góp phần thu hút và tạo dấu ấn với khách hàng bởi sự độc đáo của sản phẩm.
Ông Hoàng Trung Tá, Chủ tịch UBND xã Yên Thịnh cho biết: Bánh gio đỏ là sản phẩm truyền thống của người dân ở đây, vào dịp tết hầu như nhà nào cũng tự tay gói bánh để cúng ông bà, tổ tiên. Những năm gần đây, một số hộ đã làm bánh quanh năm để bán góp phần nâng cao thu nhập và gìn giữ nghề truyền thống. Hiện nay trên địa bàn xã đang phát triển một số điểm du lịch, do vậy, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ định hướng bà con dần dàn phát triển thành sản phẩm du lịch để tạo điểm nhấn cho du lịch xã nhà. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tuyên truyền, hướng dẫn các hộ xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) để sản phẩm ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, góp phần quảng bá hình ảnh về con người, sản phẩm đặc trưng của xã.
Bánh gio đỏ là bánh giản dị, nhưng đậm chất dân tộc mang hương vị quê hương của người dân Yên Thịnh. Trong dịp Tết Đoan Ngọ, đặc biệt là Tết Nguyên đán, người dân nơi đây vẫn giữ gìn được các phong tục đặc sắc của dân tộc mình, trong đó có việc làm những chiếc bánh gio đỏ theo phương pháp truyền thống để ăn và cúng tổ tiên. Nếu có dịp về xã Yên Thịnh, người dân, du khách hãy ghé đến thăm và thưởng thức món bánh gio truyền thống đặc sắc này để cảm nhận được và sự tinh túy trong mỗi chiếc bánh.
Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/ve-yen-thinh-thuong-thuc-mon-banh-gio-do-674686.html