VEAM - Dấu ấn 30 năm phát triển cùng đất nước

Ngày 12/5/2020, đánh dấu 30 năm ngày thành lập (12/5/1990) Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP ( VEAM). Ra đời trong bối cảnh công cuộc đổi mới nền kinh tế mới bắt đầu, đến nay VEAM đã trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.

Ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam

Ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam

Giai đoạn 1991-1995 - Bước chạy đà thành công

Với sứ mệnh cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, song năng lực các nhà máy của VEAM những ngày đầu thành lập có nhiều hạn chế, hầu hết đang ở thời kỳ suy thoái, thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu,… VEAM đã xác định nhiệm vụ của giai đoạn này là phục hồi sản xuất và từng bước phát triển ngành chế tạo động cơ, máy nông nghiệpphụ tùng ô tô, xe máy.

VEAM chủ động phát huy nguồn nội lực bằng hàng loạt các giải pháp làm nền tảng cho sự phát triển bền vững: vay vốn đầu tư, cải tiến công nghệ; tổ chức lại sản xuất theo hướng phân công hợp tác; mua bản quyền sản xuất động cơ, áp dụng vật liệu công nghệ mới,... Bằng con đường “tự lực cánh sinh”, VEAM đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, đáp ứng dần dần nhu cầu nội địa và bước đầu xuất khẩu.

Đồng thời, từ năm 1991 đến năm 1996, VEAM và các đơn vị thành viên đã góp vốn thành lập 7 liên doanh với các hãng sản xuất ô tô, xe máy, phụ tùng danh tiếng trên thế giới như Toyota, Honda, Ford,... Đây được xem là chương trình đầu tư thành công nhất của giai đoạn này, giúp VEAM và các đơn vị thành viên nhận được chuyển giao công nghệ, hệ thống quản lí chất lượng hiện đại, từng bước tham gia vào ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ trong và ngoài nước. Đây cũng được xem là bước chạy đà thành công cho sự hội nhập ngày càng sâu rộng của VEAM cả về tổ chức, quản lý, công nghệ và con người trong bối cảnh liên thông của nền kinh tế thế giới.

Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2000: Ghi dấu ấn hội nhập với các dự án lớn

VEAM chuyển sang một giai đoạn mới, với mục tiêu là đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm, giành lại thị trường nội địa.

Trong giai đoạn này, VEAM triển khai đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất tại các đơn vị, như: Công ty DISOCO, Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo, Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp, Công ty Cơ khí chính xác số 1... Nếu đầu những năm 1990, VEAM chỉ sản xuất được 4.000 - 5.000 động cơ/năm, thì đến cuối những năm 1990, sản xuất và tiêu thụ đã lên đến 12.000 động cơ/năm; trong đó, xuất khẩu được trên một nửa, với 7.000 động cơ.

Các nhà máy thuộc VEAM cũng đã sản xuất được 20.000 máy xay xát gạo theo thiết kế của Yanmar, trong đó xuất khẩu sang các nước ASEAN 2.400 máy; sản xuất được nhiều loại phụ tùng đủ tiêu chuẩn cung cấp cho các nhà sản xuất động cơ thuộc VEAM và các liên doanh sản xuất xe máy.

Nhiều loại phụ tùng của các đơn vị thành viên cung cấp cho các liên doanh sản xuất xe máy.

Nhiều loại phụ tùng của các đơn vị thành viên cung cấp cho các liên doanh sản xuất xe máy.

Từ năm 2001 trở đi, những dấu mốc cho sự hội nhập của Tổng công ty ngày càng mạnh mẽ. Năm 2001, sau 10 năm thành lập, doanh thu VEAM lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, gấp 25 lần con số 40 tỷ đồng năm 1990. Công thức tăng trưởng ấn tượng với bất cứ một doanh nghiệp nào là 5 năm tăng gấp 2 lần doanh thu, thì VEAM đã vượt rất xa so với công thức này. Con số giá trị xuất khẩu còn ấn tượng hơn với 20 triệu USD năm 2002, tăng 2,9 lần so với năm 2000.

Cũng trong những năm này, VEAM tiến hành đổi mới sắp xếp hàng loạt các doanh nghiệp thành viên.

Trong hoạt động sản xuất, VEAM tiếp tục ghi dấu ấn hội nhập với các dự án lớn như: dự án di dời và đầu tư công nghệ mới tại Công ty Đúc VEAM; khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô (2005), để 4 năm sau đó, chiếc xe tải đầu tiên mang nhãn hiệu VEAM-Motor xuất xưởng tháng 9/2009. Và hàng chục dự án nâng cao năng lực sản xuất tại các đơn vị thành viên với tổng vốn hàng trăm tỷ đồng.

Từ năm 2010 đến nay: Hoạt động hiệu quả cao sau cổ phần hóa

Trong lịch sử 30 năm xây dựng và phát triển, giai đoạn 2010 - 2020 có ý nghĩa đặc biệt đối với Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP. Tổng công ty trải qua nhiều khó khăn thách thức: vừa phải tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, đồng thời tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý.

Năm 2010, Tổng Công ty VEAM chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con; ngày 5/4/2016, theo Quyết định số 462/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VEAM chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhà nước giữ cổ phần chi phối (88,47%). Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại bộ máy và nhân lực theo hướng hiệu quả.

Sau 30 năm đồng hành cùng công ty mẹ, nhiều công ty con đã có những bước tiến mạnh mẽ, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Một số công ty có quy mô sản xuất và doanh thu tăng gấp nhiều lần so với 10 năm trước đó, như FUTU1, DISOCO, FOMECO, SVEAM,...

Nhóm sản phẩm đúc và gia công của Công ty DISOCO

Nhóm sản phẩm đúc và gia công của Công ty DISOCO

Hầu hết các công ty liên doanh với công ty mẹ và các công ty con, đều có những bước phát triển vững chắc, với thị phần và lợi nhuận liên tục tăng trong một thời gian dài như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Ford Việt Nam. Đặc biệt Công ty Honda Việt Nam với thị phần xe máy ~70% (trong số các doanh nghiệp FDI), sản lượng ~2 triệu xe /năm, đã thực hiện tích cực việc phát triển nhà cung cấp nội địa, có những loại xe đạt tỉ lệ nội địa hóa đến trên 95%.

Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với hình thức đa sở hữu, Công ty mẹ đã phát huy được tính năng động và kinh nghiệm hoạt động đã được tích lũy từ giai đoạn trước. Sau cổ phần hóa, Công ty mẹ có thêm các nhà đầu tư mới và những sản phẩm trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của công ty mẹ và công ty con.

Có thể khẳng định trong 30 năm qua VEAM đã có nhiều đóng góp cho sự thúc đẩy và hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Thông qua hợp tác với các liên doanh, một số đơn vị thành viên đã chủ động được nguồn lực và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời kiên trì với sứ mệnh cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Từ một đơn vị gặp vô vàn khó khăn, yếu thế trong cạnh tranh khi mới thành lập, đến nay, VEAM đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất động cơ máy nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Từ một Tổng công ty nhà nước, VEAM đã nhanh chóng hội nhập với thị trường bằng việc phát triển mô hình hoạt động đa dạng hóa sở hữu với các đơn vị hạch toán phụ thuộc, các công ty con, công ty liên kết VEAM và các công ty liên doanh.

30 năm xây dựng và phát triển, các nguồn lực về nhân lực và tài chính được tích tụ và bồi đắp hàng năm, làm nên một nền tảng, một sức mạnh của VEAM.

Chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VEAM cho biết “Thời gian tới VEAM sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Đề án tái cơ cấu (công ty mẹ và công ty con, công ty liên kết; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát quản lý chi phí, định hướng sản phẩm và phương án kinh doanh đối với các chi nhánh ty, công con và công ty liên kết. Tiếp tục có giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường, tiếp tục tìm các phương án tiêu thụ lượng ô tô Euro 2 tồn kho và máy nông nghiệp tồn đọng. Loại bỏ hoặc dừng các dự án đầu tư không hiệu quả, các dự án đầu tư mang lại hiệu quả sẽ được đẩy nhanh tiến độ. Chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu hợp tác để phát triển đổi mới sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”.

Từ năm 2001 trở đi, những dấu mốc cho sự hội nhập của Tổng công ty ngày càng mạnh mẽ. Năm 2001, sau 10 năm thành lập, doanh thu VEAM lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, gấp 25 lần con số 40 tỷ đồng năm 1990. Quy mô, doanh thu của VEAM tăng trưởng trong 10 năm gần trở lại đây, tổng doanh thu tài chính năm 2010 của VEAM mới chỉ đạt 891,8 tỷ đồng thì đến năm 2019 đạt 7.824.tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đến hết năm 2019 đạt 31.044 tỷ đồng.

Phạm Ân

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/veam-dau-an-30-nam-phat-trien-cung-dat-nuoc-71621.htm