Dấu tích về Đội Hoàng Sa một thời oai hùng hiện nay nằm rải rác khắp huyện đảo Lý Sơn. Họ là những thủy quân đi lính Hoàng Sa năm xưa được đích thân vua Tự Đức mệnh danh là “hùng binh”. Khi họ mất, linh hồn của họ được trở về với đất Mẹ Lý Sơn và được chôn cất bằng những mộ gió, mà ngư dân Lý Sơn gọi là Mộ Âm binh Hoàng Sa hay Mộ lính Hoàng Sa. Trong ảnh là Âm Linh tự và Mộ lính Hoàng Sa vừa là “nghĩa trang liệt sĩ” vừa là nơi thờ tự những người lính Hoàng Sa năm xưa nằm lại với biển cả muôn trùng.
Với những giá trị về truyền thống lịch sử và tính giáo dục tình yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 03/08/2007, Âm Linh tự và Mộ lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã quyết định số 41/2007/QĐ-BVHTT công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Để tỏ lòng tưởng nhớ và tri ân công lao những người lính Hoàng Sa năm xưa đã anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại với biển cả, nhân dân trên khắp huyện đảo đã đắp nên các nấm mộ gió và lập đền Âm Linh tự để làm nơi thờ phụng những người lính Hoàng Sa.
Hằng năm, vào ngày 16/3 âm lịch, nhân dân trên đảo lại long trọng tổ chức Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã hy sinh vì Tổ quốc.
Theo tài liệu gia phả của những dòng họ sinh sống trên đảo, thời ấy, mỗi năm chúa Nguyễn đã tuyển chọn khoảng đội lính Hoàng Sa gồm 70 chiến sĩ hùng tráng...
...đi trên chiếc ghe câu truyền thống miền Trung với hành trang của mỗi người lính là 1 đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi mây buộc dài và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán và phiên hiệu.
Di tích “Âm Linh Tự và Mộ lính đội Hoàng Sa” là nơi phối thờ các chiến sĩ và binh phu Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, là “nhân chứng sống”, là cứ liệu lịch sử quan trọng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 29/04/2013, Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa đã được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhằm ghi nhận những đóng góp của ngư dân huyện đảo Lý Sơn vì bờ cõi biên cương của Tổ quốc trong quá khứ, ngày nay và tương lai.
Bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đối với cụm “lăng” thờ “Âm Linh Tự và Mộ lính đội Hoàng Sa” tại thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Cho đến nay, người dân đất đảo Lý Sơn còn lưu truyền câu ca về số phận của những người đi lính Hoàng Sa năm xưa: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai (ba) khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Hiện nay, Mộ Âm Binh Hoàng Sa nằm rải rác khắp nơi trong đảo, ngay tại những mẫu ruộng trồng hành tỏi bát ngát vẫn thi thoảng xuất hiện những mộ gió Âm Binh Hoàng Sa. Với người dân trên đảo, hình bóng của những Hùng Binh Hoàng Sa tuy thân xác mãi mãi nằm lại với biển cả nhưng linh hồn vẫn trở về với đất Mẹ Lý Sơn hiền hậu.
Tùy vào độ tuổi, địa vị và thâm niên trong nghề đi biển mà mộ gió Âm Binh Hoàng Sa có kích thước, độ to nhỏ khác nhau. Nhìn chung, mộ được đắp bằng những cồn cát theo hình thang cân.
Không ai nhớ rõ tên tuổi cũng như số ngư dân trai tráng Lý Sơn đi Lính Hoàng Sa là bao nhiêu. Theo những vị cao niên trong làng thống kê thì cũng có hàng vạn người từng ra đi, không có nhiều người được may mắn trở về nên thành ra số ít mỗi mộ gió đều được người dân khắc văn bia với tên tuổi rõ ràng…
…Còn số nhiều thì là những mộ gió “vô danh”, được đặt một hòn đá cuội thay cho văn bia.
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được xây dựng nhằm tôn vinh những đóng góp của những Hùng binh Hoàng Sa năm xưa.
Người dân Lý Sơn Mộ Âm Linh Tự và Mộ lính Hoàng Sa như là “linh hồn” của mình nên không bao giờ dám có ý nghĩ xúc xiểm.
Tái hiện lễ xuất quân của những hùng binh năm xưa tại Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa.
Tái hiện lễ xuất quân của những hùng binh năm xưa tại Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa.
Nghệ nhân Võ Hưng Đạt đang phục dựng lại khinh thuyền Hùng binh Hoàng Sa năm xưa. (Ảnh tư liệu).
Mô hình ghe câu (điếu thuyền) phương tiện di chuyển trên biển của những Hùng Binh Hoàng Sa năm xưa được trưng bày trong bảo tàng Hải Đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn.
Hà Kiều