'Vén màn' cuộc chiến công nghệ mới
Washington chuẩn bị đưa công ty chip Yangtze Memory Technologies (YMTC) và hàng chục thực thể kinh tế khác của Trung Quốc vào danh sách 'cần ngăn chặn'.
Động thái nói trên của Mỹ được cho rằng sẽ kéo theo cuộc chiến công nghệ Mỹ- Trung theo hướng khác, gay gắt hơn.
“Cú sốc” với YMTC
Năm 2016, Quỹ đầu tư mạch tích hợp quốc gia và chính quyền tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc quyết định chi số tiền khổng lồ 24 tỷ USD thành lập công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất chip. Hai năm sau, YMTC đã công bố sản xuất hàng loạt chip nhớ flash 3D NAND 32 lớp và vào tháng 9 năm 2019, công ty này đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip nhớ flash TLC 3D NAND 64 lớp.
Trong con mắt của giới am hiểu công nghệ bán dẫn, đây là bước tiến thần tốc dường như chưa có tiền lệ trước đó. Kể cả những “ông lớn” như Micron Technology (Mỹ), Samsung Electronics và SK Hynix (Hàn Quốc) phải mất cả thập kỷ từ nghiên cứu đến thương mại hóa.
Theo nghiên cứu của công ty quản lý tài sản Bernstein, YMTC ước tính kiểm soát 5- 6% thị trường bộ nhớ NAND flash toàn cầu. Đây là một trong những mũi nhọn giúp nền kinh tế Trung Quốc chuyển mình từ gia công lên làm chủ công nghệ nguồn.
Vào tháng 7/2021, Hạ nghị sĩ Mỹ Michael McCaul đã gửi một bức thư đến Bộ trưởng Thương mại Mỹ, trong đó ông đưa ra loạt lý do chứng minh Nhà trắng cần thiết đưa YMTC vào diện “chăm sóc đặc biệt”.
Ông Michael McCaul cho rằng YMTC sẽ hỗ trợ chính phủ Trung Quốc sử dụng các chiến thuật thương mại không công bằng để buộc các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ rời khỏi lĩnh vực chip bộ nhớ, từ đó đặt an ninh quốc gia của Mỹ vào tình thế nguy hiểm.
Đáng chú ý, bức thư cố gắng làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa YMTC với quyền lực chính trị tối cao, hậu thuẫn công nghệ tiên tiến cho quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Một số nguồn tin thân cận ở Mỹ còn cho rằng, Apple có ý định mua chip của YMTC, thậm chí một báo cáo nội bộ hồi tháng 9 năm nay còn phát hiện công ty này cung cấp chip cho Huawei - một trong những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bị Washington cấm vận.
Lần tới bản chất vấn đề
Hiện trạng phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc khiến Mỹ lo lắng một ngày không xa sẽ bị soán mất ngôi vị số một thế giới. Nhiều chuyên gia dự báo ngày đó sẽ không xa, có thể sẽ rơi vào sau thập niên thứ tư của thế kỷ XXI. Washington chính thức phát động chống lại Trung Quốc kể từ thời điểm tỷ phú Trump bước vào Nhà Trắng.
Thoạt đầu, Mỹ sử dụng thuế quan thương mại để ngăn chặn đối thủ, nhưng 4 năm chiến tranh thương mại trôi qua, đòn đánh này đang cho thấy khó “sát thương” đối phương; thậm chí phản đòn nhận lại khiến giới chức Mỹ đau đầu giải quyết. Vì vậy, lĩnh vực công nghệ cao được sử dụng.
Với chip, chất bán dẫn, Mỹ và các đồng minh của họ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia và Tây Âu có lợi thế hơn Trung Quốc ở chỗ, quốc gia châu Á chỉ có khoáng sản đất hiếm và địa điểm sản xuất, còn phần lớn công đoạn khó nhất do phương Tây nắm giữ.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đã phát tiết hầu hết sức mạnh của nó, đặc trưng bởi máy tính và dây chuyền tự động hóa, sản xuất quy mô đại công trường - giúp Trung Quốc đạt được vô vàn thành tựu quan trọng. Nhờ tích lũy kinh nghiệm và công nghệ từ đó, Trung Quốc được cho là đối thủ có khả năng nhất sẽ vượt Mỹ khi cuộc cách mạng công nghiệp mới xác lập vị trí chính thức của nó.
Nhân loại đã bước vào buổi mình minh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đại diện bởi trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT). Trong hệ thống này, con chip sẽ đảm đương hầu hết nhiệm vụ cho con người, với tính chính xác, hiệu quả gần như tuyệt đối.
Nói cách khác, phương thức sản xuất mới không giành không gian điều hành trực tiếp cho công nhân. Bởi bộ não con người không đủ khả năng xử lý hàng triệu phép tính cùng lúc, nhưng con người có thể hiện thực hóa khả năng đáng sợ ấy cho một loại công cụ gọi là chất bán dẫn.
Khả năng thu thập, xử lý thông tin vô hạn của công nghệ AI là vũ khí sắc bén nhất của cách mạng 4.0, việc sử dụng AI để thao túng đối thủ từ bên trong đang là mối nguy mà tất cả các chính phủ trên thế giới bày tỏ quan ngại sâu sắc. Đặc biệt với người Mỹ, họ sẽ đánh mất vị thế 300 năm xây dựng nếu không làm chủ cuộc chơi.
Do vậy, Mỹ muốn kìm chế Trung Quốc lại ngang với thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 3 mà thôi. Có thể dễ dàng cảm nhận điều này khi Huawei hùng mạnh là thế, nhưng sau một đêm lại quay trở về những năm 2.000 do Mỹ không cung cấp chip tiên tiến cũng như những ứng dụng phổ biến nhất hiện nay. Như vậy, bên nào làm chủ công nghệ chip, chiếm thị phần lớn hơn thì sẽ ở “cửa trên”.
Những thống kê lịch sử không ủng hộ châu Á và Trung Quốc, chẳng hạn phương Tây chủ trì cả 3 cuộc cách mạng công nghệ từ thế kỷ 17 tới nay, là chủ nhân hầu hết các phát minh đột phá có tính bước ngoặt; trình độ phát triển chung và chỉ số phát triển con người (HDI) nói riêng của họ đều vượt xa phần còn lại.
Tuy nhiên, trong xu hướng biến đổi cấu trúc địa chính trị - kinh tế, logic vận động của trật tự quốc tế có vẻ như đang lựa chọn châu Á là trung tâm thế giới trong thế kỷ XXI. Dĩ nhiên, Trung Quốc là hạt nhân của tiến trình này, cho dù kết quả cần có thời gian chứng nghiệm.
Theo Trươmh Khắc Trà/Diendandoanhnghiep.vn
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ven-man-cuoc-chien-cong-nghe-moi-quoc-te.html