Vén màn sứ mệnh tuyệt mật ở pháo đài cuối cùng tại Mariupol
Ukraine đã mất nhiều phi công trong lúc thực hiện 7 chuyến tiếp tế bí mật cho hàng nghìn binh sĩ dưới nhà máy thép Azovstal. Những chuyến bay này đang dần được vén màn bí mật.
Đã thành thói quen trước mỗi chuyến bay, Oleksandr, một phi công quân đội kỳ cựu của Ukraine, thường đưa tay chạy dọc thân chiếc trực thăng Mi-8 để mang lại may mắn cho mình và đồng đội.
May mắn là thứ mà Oleksandr và đồng đội chắc chắn sẽ cần. Đích đến của họ trong nhiệm vụ lần này chính là nhà máy Azovstal, nơi đang bị quân đội Nga bao vây nghiêm ngặt tại thành phố Mariupol. Trước Oleksandr, một số kíp lái khác đã một đi không trở lại.
Dù vậy, nhiệm vụ của Oleksandr vẫn có ý nghĩa tối quan trọng vì những người lính tại Azovstal đã trở thành biểu tượng cho sự phản kháng của Ukraine. Họ không thể cứ thế bị tiêu diệt.
Oleksandr, 51 tuổi, chỉ bay một lần tới Mariupol nhưng ông cho rằng đó là nhiệm vụ khó khăn nhất trong sự nghiệp 30 năm của mình. Ông chấp nhận rủi ro vì không muốn đồng đội tại Azovstal cảm thấy bị bỏ rơi.
“Chúng tôi đã mất nhiều phi công”
Liên tiếp trong ba tháng 3, 4 và 5, Ukraine đã thực hiện 7 lần tiếp tế bí mật bằng trực thăng cho những người lính phòng ngự tại Azovstal. Chuyến sau càng rủi ro hơn chuyến trước vì bị các cụm tên lửa phòng không của Nga dần bắt bài. Một số chuyến đã kết thúc trong thảm họa.
Câu chuyện đằng sau 7 chuyến bay tiếp tế và giải cứu ấy chưa được kể lại hoàn chỉnh.
Nhưng dựa trên các cuộc phỏng vấn độc quyền với 2 thương binh, một sĩ quan tình báo quân sự tham gia chuyến bay đầu tiên, và các cuộc phỏng vấn với phi công do Ukraine cung cấp, AP đã ghép nối lại hành trình của một trong những chuyến bay cuối cùng.
Chỉ khi hơn 2.500 binh sĩ Ukraine tại Azovstal bắt đầu đầu hàng, Tổng thống Volodymyr Zelensky mới hé lộ về 7 chuyến bay tiếp tế và cái giá Ukraine phải trả.
Trả lời ICTV, ông Zelensky nói những người phi công của Ukraine đã phải vượt qua hàng phòng ngự “hùng mạnh” của Nga khi bay sâu vào lãnh thổ đối thủ kiểm soát để tiếp tế thức ăn, nước uống, thuốc men và vũ khí để những người dưới Azovstal có thể tiếp tục chiến đấu.
Một chiếc trực thăng đã bị bắn rơi, hai chiếc không bao giờ quay trở lại và bị coi là mất tích, vị sĩ quan tình báo quân sự nói với AP.
“Đây là những người anh hùng thực sự. Họ biết việc này rất khó khăn. Họ biết đây dường như là điều không thể. Chúng tôi đã mất rất nhiều phi công”, ông Zelensky nói.
Những người may mắn
Buffalo, một trung sĩ 20 tuổi trong quân đội Ukraine, nằm trong số những người may mắn được trực thăng giải cứu khỏi Azovstal.
Sau khi bị lựu pháo thổi bay mất chân trái và găm đầy mảnh vụn vào lưng trong trận đánh tại Mariupol hôm 23/3, Buffalo đã cố lết tới nơi ẩn nấp trong một tòa nhà gần đó. Anh quyết định “tốt hơn hết là bò vào tầng hầm để chết đi trong yên tĩnh”.
Nhưng sau đó, anh được bạn bè cứu tới nhà máy thép Ilyich tại Mariupol. Phải ba ngày trôi qua, Buffalo mới có thể được làm phẫu thuật cưa bỏ phần chân bị thương. Anh tự thấy mình may mắn vì khi đến lượt mình, bác sĩ vẫn còn thuốc gây mê.
Khi Buffalo tỉnh lại, một y tá chia buồn với anh vì phải cưa chân. Anh lập tức pha trò để phá tan không khí ngại ngùng. “Liệu họ có hoàn trả tiền 10 buổi đi xăm của tôi không?”, Buffalo hỏi.
“Tôi xăm rất nhiều hình trên chân”, vị hạ sĩ nói. Buffalo vẫn còn một vết xăm hình người ở đó nhưng nó cũng bị mất chân như anh.
Sau phẫu thuật, Buffalo được chuyển đến nhà máy Azovstal. Với hệ thống đường hầm và boongke ngầm như mê cung, nơi đây là một pháo đài gần như không thể công phá. Nhưng điều kiện sống ở đây rất khó khăn với các đòn pháo kích gần như không ngớt.
Tại Azovstal, Buffalo gặp được Vladislav Zahorodnii, một hạ sĩ 22 tuổi bị đạn bắn xuyên xương chậu và phá nát dây thần kinh trong lúc chiến đấu trên phố Mariupol. Cả hai từ trước đã biết nhau vì đều cùng xuất thân từ thành phố Chernihiv ở Bắc Ukraine.
Thấy bạn mất một chân, Zahorodnii cất tiếng hỏi thăm Buffalo.
“Mọi thứ vẫn ổn. Rồi chúng ta sẽ sớm lại quẩy hộp đêm”, Buffalo trả lời.
Suýt bị trực thăng bỏ lại
Zahorodnii được trực thăng sơ tán khỏi Azovstal vào ngày 31/3, sau 3 lần thất bại. Đó là lần đầu tiên anh được bay trên trực thăng.
Tuy trúng đạn trên đường ra và hỏng một bên động cơ, chiếc Mi-8 chở theo Zahorodnii vẫn có thể tiếp tục bay nhờ động cơ còn lại. Sau 80 phút, chiếc trực thăng tới được thành phố Dnipro ở miền Trung Ukraine.
Zahorodnii đánh dấu lần được cứu thoát ấy bằng hình xăm viên đạn cối ở cánh tay phải. “Tôi làm thế để mình không quên”, anh nói.
Tuần sau đó, tới lượt Buffalo được sơ tán nhưng anh cảm thấy lưỡng lự. Một mặt, anh thấy nhẹ nhõm vì phần thức ăn và nước uống của mình sẽ được chia sẻ với những người còn có thể chiến đấu. Nhưng mặt khác, anh thấy đau đớn vì “họ còn ở đó mà tôi lại bỏ đi”.
Dù vậy, Buffalo vẫn suýt để mất cơ hội được sơ tán.
Ngày hôm ấy, Buffalo được đồng đội dùng cáng khiêng ra khỏi boongke và được đặt lên xe tải. Chiếc xe đưa anh tới địa điểm hạ cánh của trực thăng được ấn định trước.
Đạn dược trên trực thăng được bốc dỡ trước, sau đó tới lượt thương binh được đưa lên sau. Nhưng do Buffalo nằm lọt thỏm một góc trên xe tải, người ta đã quên mất anh. Anh không thể kêu lớn vì cổ họng vẫn bị thương từ lần trúng đạn pháo. Tiếng nói của anh cũng không thể lấn át tiếng vùn vụt của cánh trực thăng.
“Tôi tự nhủ là ‘Thôi coi như không phải hôm nay’”, Buffalo nhớ lại. “Nhưng rồi bất chợt có ai đó hét lên, ‘Các ông để quên một người trong xe tải này’”.
Vì khoang hàng hóa đã đầy, Buffalo được đặt nằm vuông góc với những đồng đội khác. Một người trong kíp lái cầm tay anh, dặn anh đừng lo vì họ sẽ về được nhà.
“Suốt đời, tôi vẫn luôn ao ước được đi trực thăng”, anh trả lời. “Dù chúng ta có đến hay không, giấc mơ ấy đã thành hiện thực”.
Trực thăng bay 220 km/h ở độ cao không quá 3 m
Ngồi trong buồng lái, Oleksandr cảm giác khoảng thời gian chờ đợi tưởng chừng dài vô tận.
“Rất đáng sợ”, ông kể. “Các vụ nổ cứ vang lên xung quanh và quả đạn pháo tiếp theo có thể rơi đúng nơi mình đang đứng”.
Vì thiếu thông tin, AP cho biết chưa thể chắc chắn tuyệt đối Buffalo và Oleksandr liệu có phải cùng bay một chuyến hay không. Nhưng một số chi tiết trong lời kể của họ trùng khớp. Cả hai đưa ra cùng ngày: Tối mùng 4, rạng sáng mùng 5/4.
Oleksandr nhớ chiếc Mi-8 của ông đã bị một tàu Nga nhắm bắn trong lúc nhào xuống vùng biển bên ngoài Mariupol. Sóng xung kích từ vụ nổ hất văng chiếc trực thăng “như một món đồ chơi” nhưng Oleksandr đã có thể điều khiển cho máy bay trốn thoát.
Buffalo cũng nhớ có một vụ nổ. Những người được sơ tán sau đó đều được kể lại rằng phi công đã tránh được tên lửa.
Sau đó, Oleksandr cho trực thăng bay với tốc độ 220 km/h ở độ cao có khi chỉ cách mặt đất 3 m, ngoại trừ những lúc bay vượt qua đường dây điện.
Nhìn ra ngoài cửa sổ trực thăng từ trên cáng, Buffalo cũng nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài vút qua. “Chúng tôi bay qua những cánh đồng, bên dưới hàng cây. Rất thấp”, Buffalo kể.
Cùng bay với Oleksandr trong nhiệm vụ lần ấy còn có một chiếc trực thăng thứ hai nhưng nó một đi không trở lại. Trong lần liên lạc cuối cùng qua điện đàm, phi công trên chiếc trực thăng kia cho biết bị thiếu nhiên liệu.
Cuối cùng, trực thăng của Oleksandr an toàn tới được Dnipro. Khi hạ cánh, Oleksandr nghe thấy tiếng gọi phi công của những người thương binh. Ông nghĩ bụng họ sẽ quát tháo mình vì bị quăng quật suốt cả đường đi.
“Nhưng khi mở cửa, tôi nghe thấy tiếng họ nói ‘Cảm ơn’”, ông Oleksandr nói.
“Mọi người đều vỗ tay”, Buffalo nhớ lại. Lúc này, anh đang hồi sức cùng Zahorodnii tại một phòng khám ở Kyiv. “Chúng tôi nói với phi công rằng họ đã làm được điều bất khả thi”.