Vẹn nguyên ký ức hào hùng

Chiến tranh đã lùi xa tròn 45 năm nhưng ký ức về đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính đã từng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Với họ, những năm tháng đó dẫu đau thương, mất mát nhưng cũng đầy tự hào.

Những năm tháng không quên

Với cựu chiến binh Lê Quốc Thạnh, thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch huyện Triệu Phong, niềm vui vỡ òa trong ngày thống nhất đất nước vẫn theo ông cho đến ngày hôm nay.

 Niềm vui lúc tuổi già của cựu chiến binh Lê Quốc Thạnh. Ảnh: LN

Niềm vui lúc tuổi già của cựu chiến binh Lê Quốc Thạnh. Ảnh: LN

Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Triệu Trạch là một trong những chiến trường ác liệt mà đỉnh cao là sau khi giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972. Thời gian này, đối phương đã sử dụng 132 phi vụ B52, hàng nghìn lượt máy bay bổ nhào và tọa độ, hàng vạn quả pháo mặt đất và pháo hạm. Chốt thép Long Quang trở thành một mắt xích quan trọng nằm ở vị trí tiền tiêu bảo vệ Cửa Việt trong đội hình phòng ngự của Bộ Tư lệnh cánh Đông, hỗ trợ phía Đông cho lực lượng bảo vệ thị xã Quảng Trị- Thành Cổ Quảng Trị. Năm 1972, tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Lê Quốc Thạnh đã tình nguyện tham gia lực lượng du kích địa phương, bám trụ kiên cường trên khắp các vùng chiến lược, từ rừng núi đến đồng bằng để chủ động đánh địch với nhiều loại vũ khí. Cùng lực lượng du kích xã Triệu Trạch hình thành thế trận chiến đấu, phát triển căn cứ chiến đấu, vành đai du kích, vành đai diệt Mỹ. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, lực lượng Dân quân tự vệ cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đã đồng loạt nổi dậy, thực hiện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Ông Thạnh nhớ lại: “Nêu cao tinh thần quyết tử bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, lực lượng dân quân du kích xã Triệu Trạch cùng với bộ đội địa phương và các đơn vị bộ đội chủ lực như Trung đoàn 64, Trung đoàn 48 của Sư đoàn 320B; Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325 đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy, đẩy lùi các đợt phản kích của địch. Đến ngày 18/3/1975, sau khi nhận lệnh tiến công từ cấp trên, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, khẩn trương chuẩn bị cho đợt chiến đấu mới tại điểm huyệt cuối cùng của địch. Bằng lối đánh nghi binh đầy sáng tạo, lực lượng du kích chúng tôi đã bao vây tiêu diệt nhiều tên địch và bắt sống 1 trung đội địch tại địa phương, thu giữ nhiều quân trang, quân dụng và vũ khí. Những chiến công đó đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với chúng tôi, 30/4 là ngày chiến thắng, nhưng cũng là ngày để nhớ và tri ân những đồng đội đã mãi mãi ra đi cho đất nước được hòa bình độc lập. Sự hồi sinh của Triệu Trạch hôm nay có sự đóng góp máu xương của đồng bào, đồng chí trong cả nước và bao thế hệ con em địa phương. Các anh không còn nữa nhưng chúng tôi, quê hương Triệu Trạch mãi khắc ghi tên các anh”.

Đất nước thống nhất, ông Thạnh vẫn giữ nguyên khí chất của một du kích năm xưa trong xây dựng cuộc sống mới, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền với hơn 30 năm cống hiến cho địa phương. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tận tâm, tận lực và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Luôn vững niềm tin nước nhà thống nhất

Tháng Tư về, ký ức những ngày xông pha nơi chiến trường, từng vào sinh ra tử và may mắn được chứng kiến đất nước thống nhất lại ùa về trong lòng người lính già- cựu chiến binh Phan Văn Chạy, ở Phường 3, thị xã Quảng Trị.

 Cựu chiến binh Phan Văn Chạy kể về những ký ức hào hùng thời chống Mỹ. Ảnh: LN

Cựu chiến binh Phan Văn Chạy kể về những ký ức hào hùng thời chống Mỹ. Ảnh: LN

Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ lúc 19 tuổi, khi ông tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tại đây, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 8 (K8). Tháng 11/1965, ông cùng các đồng đội trong đơn vị K8 tham gia trận đánh đầu tiên tại đồn Bàu Căng, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. Đơn vị ông đã đánh 2 tiểu đoàn của địch, tiêu diệt gần 1 tiểu đoàn, bắt sống tiểu đoàn trưởng. Sau trận chiến ác liệt này, ông Chạy vinh dự được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch tại xã Triệu Lăng, Triệu Phong vào ngày 2/6/1966 khiến ông Chạy nhớ mãi. Bằng sự dũng cảm, mưu trí, tuy không cân bằng về lực lượng nhưng quân ta đã giành thắng lợi giòn giã trước kẻ thù, đánh 2 tiểu đoàn của địch, tiêu diệt 3 xe tăng. Trên đà chiến thắng, đến sáng ngày 4/6/1966, K8 tiếp tục đánh trận Phú Liêu, xã Triệu Tài, Triệu Phong. Trước lực lượng của địch gồm 6 tiểu đoàn và 30 xe tăng, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội, K8 tiếp tục lập chiến công vang dội khi tiêu diệt 500 tên địch và 15 xe tăng khiến quân địch khiếp sợ bỏ chạy. Sau trận đánh địch tại Phú Liêu, một lần nữa, chiến sĩ Phan Văn Chạy được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Ông xúc động nhớ lại: “Ởt rận này, địch tấn công vào trận địa của ta, mũi chiến đấu của chúng tôi có 3 đồng chí. Quá trình chiến đấu, 2 đồng chí đã hy sinh, giữa vòng vây của địch, tôi đã nép mình xuống hào chiến đấu, chính 2 chiến sĩ hy sinh đã che chở cho tôi thoát bàn tay của kẻ thù. Chờ đến khi trời tối hẳn, địch rút quân, tôi mới tự tìm về đơn vị. Kết thúc trận này, K8 đã tiêu diệt trên 100 lính Mỹ, tôi vinh dự được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” lần thứ ba”. Đến tháng 8/1968, tiểu đoàn của ông Chạy đã có trận chiến đấu quyết liệt với 2 tiểu đoàn lính Mỹ tại thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, tiêu diệt được trên 50 tên địch và bắn hạ 1 máy bay trực thăng. Tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng, kiên cường của ông Chạy và các đồng đội đã làm cho kẻ địch khiếp sợ, một lần nữa ông được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tiểu đoàn của ông tiếp tục chiến đấu anh dũng, tiêu biểu như trận đối đầu tại thôn Hà My, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, ông Chạy cùng đồng đội đã tiêu diệt trên 200 tên địch và bắn hạ 5 xe tăng.

Câu chuyện giữa chúng tôi và cựu chiến binh Phan Văn Chạy cứ thế nối dài theo dòng hồi ức về những trận đánh ác liệt giữa ta và địch với tinh thần chiến đấu anh dũng, quật cường của những người lính Cụ Hồ. Nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử, ông Chạy cho biết thêm: “Chiến trường ngày càng gian khổ, ác liệt hơn, trước giờ tiến quân, những người lính chúng tôi luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy nhưng tất cả đều chung một quyết tâm chiến đấu đến trận cuối cùng. Rồi không khí sục sôi, dồn dập khắp chiến trường miền Nam, tin chiến thắng báo về từ nhiều nơi làm cho chúng tôi rạo rực và vững tâm hơn trong mỗi trận đánh. Đặc biệt, chúng tôi luôn vững niềm tin một ngày không xa, đất nước sẽ thống nhất, non song thu về một mối”. Chiến công nối tiếp chiến công, chính những trận chiến đấu anh dũng, quả cảm của ông Chạy cùng đồng đội đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng toàn tỉnh Quảng Trị, tạo bàn đạp để tiến đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=148039