Vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng

Cách nay 48 năm, sau khi địch bị quân ta bao vây ở cụm cứ điểm An Lộc (Bình Long), nhận thấy không còn khả năng tiếp cứu cho nhau và biết nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23-3-1975, địch rút chạy về Chơn Thành. Hơn 10 ngày đêm chiến đấu với hàng chục trận đánh giằng co giữa ta và địch, ngày 2-4-1975, Chơn Thành được giải phóng. Đây là địa phương cuối cùng của tỉnh Bình Long (cũ) sạch bóng quân thù. 48 năm sau ngày giải phóng, ký ức về trận chiến ác liệt năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người trực tiếp tham gia lực lượng giải phóng Chơn Thành.

Quá khứ hào hùng

Ông Vũ Thanh Liễu, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Chơn Thành đã nghỉ hưu và hiện đang sinh sống tại phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Ông Vũ Thanh Liễu, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Chơn Thành đã nghỉ hưu và hiện đang sinh sống tại phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Ông Vũ Thanh Liễu, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Chơn Thành còn nhớ tường tận từng chi tiết trận đánh giải phóng Chơn Thành năm xưa. Đó là vào năm 1975, khi ông đang là chiến sĩ của C29 Huyện đội Chơn Thành. Là lực lượng địa phương, đơn vị của ông có nhiệm vụ chốt chặn, giữ chốt cờ chống quân địch lấn chiếm vùng giải phóng. Ngày 2-4-1975, ông cùng đơn vị phối hợp với lực lượng quân chủ lực tiến đánh chi khu Chơn Thành, buộc địch phải rút về Lai Khê. Chơn Thành hoàn toàn giải phóng trong niềm hân hoan, phấn khởi của quân và dân địa phương.

“C29 phối hợp với Tiểu đoàn 208 của Tỉnh đội đánh ở phía sau, phía Tây chi khu Chơn Thành. Trận đánh hết sức quyết liệt, quân mình cứ đánh tới chiến hào, địch lại tổ chức đánh lấy lại, mình phải bật ra để tiếp tục củng cố lực lượng. Nhờ hỏa lực, pháo binh của trên chi viện mới bám vào để chiếm cầu Bến Đình ngày nay. Phải mất một ngày đêm đánh ở đó mới giải phóng được Chơn Thành. Lúc đó, lực lượng của ta phía trước đánh địch, nhân dân ở phía sau thì ủng hộ, giúp bộ đội về lương thực, thực phẩm, thuốc men. Trong ngày giải phóng, nhân dân rất phấn khởi, cờ hoa rực rỡ ăn mừng chiến thắng”.

Ông VŨ THANH LIỄU, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Chơn Thành

Đối với ông Nguyễn Văn Tính, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, ký ức về những ngày tháng tư lịch sử trong ông có lẽ không bao giờ quên. Là người con của Chơn Thành, được trực tiếp cầm súng đấu tranh, giải phóng quê hương là niềm tự hào rất lớn đối với ông. Trong hơn 10 ngày đêm đánh địch giải phóng Chơn Thành, ông Tính cùng đội du kích xã Long Hưng làm nhiệm vụ giữ chốt cờ, dẫn đường cho bộ đội chủ lực, nghiên cứu nắm bắt tình hình địch, kêu gọi binh lính địch bỏ súng đầu hàng và tuyên truyền, vận động nhân dân đưa vào vùng giải phóng. Chỉ là lực lượng du kích địa phương nhưng đơn vị của ông cũng chịu nhiều hy sinh, mất mát.

Ông Nguyễn Văn Tính, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nghỉ hưu và hiện đang sinh sống tại phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Ông Nguyễn Văn Tính, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nghỉ hưu và hiện đang sinh sống tại phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Một góc ngã tư Chơn Thành ngày nay

Một góc ngã tư Chơn Thành ngày nay

Nói về những hy sinh đó, ông Tính nhớ lại:“Chiều ngày 1-4-1975, địch chạy từ Bình Long về Chơn Thành. Tổ chúng tôi được bổ sung và tiếp tục làm nhiệm vụ giữ chốt cờ. Đi tới chốt cờ thì đụng lính từ Bình Long chạy về án ngữ tại chốt, có nhiều tiểu đoàn trụ lại chốt cờ ở Chơn Thành. Tổ chúng tôi có 3 người gặp tiểu đoàn biệt động quân của địch và bị chặn đánh. Khi đó đồng chí Đực hy sinh tại chỗ, đồng chí Ngôn thì chạy lạc, còn tôi nằm tại mương gần chốt. Khi địch bắn xong, chúng còn cho pháo dập một hồi nhưng tôi may mắn sống sót và trở về đơn vị báo cáo Ban Chỉ huy tiền phương để cho người vào lấy xác đồng chí Đực. Nhưng ra tới nơi thì anh em cũng không lấy được vì địch còn trụ lại ở đó. Ngay tối hôm đó, lúc gần sáng tôi lại được nhận nhiệm vụ dẫn bộ đội vào đánh chiếm chi khu Chơn Thành”.

Tương lai tươi sáng

Chơn Thành được giải phóng là khao khát của các tầng lớp nhân dân địa phương. Đã từng chứng kiến cảnh bom đạn, chết chóc trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ông Phạm Văn Chớ ở khu phố 2, phường Thành Tâm, TX. Chơn Thành vẫn dâng trào cảm xúc khi được tận mắt nhìn thấy ngày quê hương giải phóng. Ông Chớ nhớ lại: “Ngày giải phóng (2-4-1975), người dân ở đây rất vui mừng, phấn khởi nhưng còn sợ vì địch ở Sài Gòn có thể điều máy bay lên rải bom để tái chiếm. Nhưng sau một thời gian, đến ngày 30-4, được tin chính quyền Sài Gòn đầu hàng, tôi nghe radio thấy vậy nên rất mừng. Mừng vì người dân không còn thấy cảnh chết chóc, bom đạn nữa. Sau ngày giải phóng, người dân bắt tay vào lao động sản xuất, khai phá đất đai, làm vườn rẫy để có cái ăn trước mắt. “Đất lành chim đậu”, người dân từ mọi miền đất nước tìm đến Chơn Thành xây dựng cuộc sống mới”.

Ông Phạm Văn Chớ ở khu phố 2, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành xúc động nhớ lại ngày giải phóng Chơn Thành

Ông Phạm Văn Chớ ở khu phố 2, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành xúc động nhớ lại ngày giải phóng Chơn Thành

Diện mạo Chơn Thành ngày nay đã có nhiều đổi mới, xứng tầm đô thị công nghiệp trọng điểm của tỉnh

Diện mạo Chơn Thành ngày nay đã có nhiều đổi mới, xứng tầm đô thị công nghiệp trọng điểm của tỉnh

Bước ra khỏi chiến tranh, cuộc sống của quân, dân Chơn Thành cũng như các địa phương khác trên quê hương Bình Phước tuy khó khăn, vất vả nhưng đổi lại được sống trong hòa bình, độc lập để phát triển. Chiến tranh đã lùi xa, những người từng trực tiếp tham gia giải phóng Chơn Thành năm xưa lại tiếp tục cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Họ chính là những nhân chứng sống để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ sau này.

“Hội Cựu chiến binh thị xã Chơn Thành thường xuyên giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ thanh niên để xây dựng và bảo vệ đất nước thông qua hoạt động cụ thể là hăng hái lên đường nhập ngũ và tích cực thi đua học tập, lao động, sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đối với thiếu niên, nhi đồng, hội duy trì câu lạc bộ “Ông kể cháu nghe” để kể cho các cháu biết về lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông, từ đó hiểu và thêm yêu hơn quê hương, đất nước”.

Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Chơn Thành

48 năm sau ngày Chơn Thành giải phóng, vùng đất “bom cày đạn xới” năm xưa, nay đã trở thành những vùng chuyên canh nông nghiệp trù phú, những khu công nghiệp, đô thị sầm uất, năng động đem đến cuộc sống no ấm cho người dân. Chơn Thành đang phát triển từng ngày và dấu ấn rõ nét nhất là năm 2022, Chơn Thành đã hội đủ các điều kiện để công nhận trở thành thị xã, mở ra một tương lai mới cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng nơi đây.

Thanh Lâm - Hoàng Vũ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/142827/ven-nguyen-ky-uc-ngay-giai-phong