Vênh chất lượng đầu vào
Liên quan đến chuyện tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội, trong khi nhiều khu vực nội thành, khu đô thị mới có tỉ lệ 'chọi' luôn ở mức cao, thì ngược lại nhiều khu vực ngoại thành, tỉ lệ 'chọi' hầu như không đáng kể, nếu như không muốn nói là lượng chỉ tiêu tuyển sinh và lượng học sinh đăng ký dự tuyển gần như là bằng nhau.
Bảng thống kê lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội vừa qua cũng cho thấy, có khoảng hơn 10 trường THPT có tỉ lệ “chọi” thấp, nhiều khả năng thí sinh thi là chắc suất đỗ. Trường có tỉ lệ “chọi” thấp nhất năm nay là Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, khi số chỉ tiêu của trường được giao (450) cao hơn gấp đôi số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường (220 em).
Đây cũng là năm đầu tiên trường này tuyển sinh lớp 10 THPT. Xếp ngay sau đó là Trường THPT Minh Quang khi số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 chỉ là 194, trong khi chỉ tiêu nhà trường được tuyển là 360.
Như vậy, các thí sinh chỉ cần làm đủ số bài thi quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0 thì cứ đăng ký nguyện vọng 1 vào trường là trúng tuyển.
Mùa tuyển sinh 2020- 2021 trước đó, cũng có một số trường lấy điểm chuẩn thấp hơn 25 điểm có số nguyện vọng thấp hơn chỉ tiêu như THPT Đại Cường (233 hồ sơ/280 chỉ tiêu),THPT Lưu Hoàng (291 hồ sơ/320 chỉ tiêu), THPT Thượng Cát (523 hồ sơ/540 chỉ tiêu)... Thực trạng số thí sinh đăng ký đầu vào không vượt chỉ tiêu cũng dẫn đến tình trạng năm 2020 thí sinh chỉ cần 2,5 điểm/môn cũng có thể đỗ vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội.
Điều này đã dẫn tới độ “vênh” khá lớn ở đầu vào giữa trường nội và ngoại thành. Thực tế có nhiều học sinh chỉ thiếu 0,5 điểm để vào các trường “top” ở nội thành. Trong khi chỉ chưa đầy 3 điểm, học sinh đã đỗ lớp 10 ở khu vực khác tại Thủ đô.
Thực tế này khiến nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần đánh giá lại chất lượng tuyển sinh ở bậc học THPT. Tuy nhiên, nói như TS tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm thì chúng ta cần thừa nhận một điều, chất lượng chung của giáo dục là không đồng đều. Những vùng sâu vùng xa, nhất là những vùng không được đầu tư về giáo viên thì chất lượng đến đâu là trân trọng đến đấy thôi. Ngành giáo dục phải có trách nhiệm “đẩy” những vùng này lên.
Có người cho rằng do việc phân luồng của các trường THCS như hiện nay chưa được tốt, và việc học nghề cũng chưa đủ sức hút. “Thôi thì cứ cho đi học văn hóa rồi tính sau”, nhiều người nói vậy vì thế nên có khi chỉ vài ba điểm là đã được vào lớp 10 rồi.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/venh-chat-luong-dau-vao-5642016.html