Vênh cung - cầu thị trường lao động

Từ quý III-2023, thị trường lao động có sự phục hồi khi xu hướng tuyển dụng, tìm kiếm việc làm đều có sự khởi sắc nhất định. Song việc doanh nghiệp (DN) nâng tiêu chí tuyển dụng, còn người lao động (NLĐ) lại chờ cơ hội việc làm phù hợp đã khiến cho tình trạng cung - cầu lao động mất cân đối.

Người lao động tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa)

Người lao động tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa)

Đây cũng là tình trạng chung hiện nay và cần giải pháp tháo gỡ, kết nối việc làm cho DN và NLĐ.

DN khó tuyển lao động…

Sau thời gian tạm ngừng tuyển lao động do đơn hàng giảm, từ tháng 7-2023 đến nay, Công ty TNHH Elite Long Thành liên tục đăng tuyển trở lại với nhu cầu gần 500 công nhân may mặc. Hàng tháng, DN đều tham gia sàn giao dịch việc làm để tuyển lao động nhưng rất khó khăn, chỉ nhận được khoảng 20 bộ hồ sơ/ngày. Theo đại diện phòng nhân sự công ty, DN đưa ra nhiều đãi ngộ phúc lợi và có bố trí xe đưa rước công nhân ở xa đi làm nhưng vẫn chưa tuyển đủ lao động. Một số lao động tuy có nộp hồ sơ phỏng vấn nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Cũng tham gia sàn giao dịch việc làm để tuyển lao động nhưng Công ty CP Solomon Paragon Việt Nam (TP.Long Khánh) vẫn chưa tuyển được lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đại diện công ty cho biết, DN đang có nhu cầu tuyển gấp các vị trí quản lý, tổ trưởng, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên kỹ thuật, nhân viên kinh doanh với mức lương trên 15 triệu đồng/tháng cùng nhiều phụ cấp và thưởng khác. Dù bắt đầu tuyển dụng từ đầu tháng 9 nhưng đến nay chưa có nhiều hồ sơ ứng tuyển, đặc biệt khó tiếp cận nhất là các vị trí nhân viên kỹ thuật.

Theo các DN, sự đối lập cung - cầu lao động hiện nay không chỉ khiến DN gặp khó khăn trong sản xuất mà NLĐ cũng lận đận với cuộc sống khi bị thất nghiệp. Do đó, cần có giải pháp tháo gỡ để ổn định thị trường lao động trong năm 2024 và có sự kết nối lao động để giúp DN khôi phục sản xuất cũng như giải quyết việc làm cho NLĐ.

Các sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức gần đây cho thấy, mặc dù lao động đến làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp rất đông nhưng số lao động tìm việc, phỏng vấn rất hạn chế. Một số DN chỉ nhận được vài bộ hồ sơ của NLĐ nhưng đều là lao động lớn tuổi và tìm các vị trí việc làm không phù hợp với nhu cầu của DN.

Không chỉ DN tuyển số lượng lớn gặp khó khăn, những DN có nhu cầu lao động ít cũng tìm không ra người.

Chị Lê Thị Minh, nhân viên nhân sự một công ty chứng khoán cho biết, DN xây dựng đội ngũ lao động trẻ để tư vấn đầu tư chứng khoán nên cần tìm những vị trí quản lý, nhưng rất khó tuyển. Nguyên do là những vị trí trên cần có kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu chứng khoán và quan trọng là phù hợp với ngành nghề kinh doanh.

NLĐ mỏi mòn chờ việc

Ghi nhận thực tế cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, làn sóng cắt giảm lao động số lượng lớn trong nhiều ngành như: xây dựng, bất động sản, gỗ xuất khẩu... vẫn xảy ra. Nhiều lao động dôi dư từ các ngành này không kịp chuyển dịch hoặc thích ứng sang ngành mới. Hơn nữa, vấn đề còn nằm ở tình trạng thiếu hụt kỹ năng và kiến thức đáp ứng về ngành cũng như khác biệt trong định hướng nghề nghiệp của NLĐ. Điều này dẫn tới tình trạng ngành cần thì vẫn thiếu nhân lực, còn ngành giảm bớt hoặc không có nhu cầu thì vẫn dư thừa.

Sự bất hợp lý giữa cung - cầu trên thị trường lao động đang gây ra nhiều cản trở cho DN và NLĐ. Trong khi DN không tìm được nguồn nhân lực sản xuất thì nhiều lao động vẫn “đỏ mắt” đi tìm việc. Nhiều lao động cho biết, do tiêu chí tuyển dụng của các DN đòi hỏi lao động ở độ tuổi 18-30, trong khi lao động thất nghiệp đã ngoài 40 tuổi nên rất khó đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, một số DN dù có nhu cầu tuyển lao động phổ thông lớn và có những công việc phù hợp, chế độ đãi ngộ tốt nhưng yêu cầu cao hoặc xa nơi ở. Còn phía DN cho rằng, NLĐ còn thiếu kỹ năng, tay nghề trong công việc.

Anh Trần Thành Tiến (quê tỉnh Sóc Trăng) cho biết, anh từng làm công nhân sản xuất gỗ tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) với thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Sau khi nghỉ việc ở công ty do không có đơn hàng, anh vẫn chưa tìm được việc làm mới dù đã nộp hồ sơ nhiều nơi. Hiện anh chỉ mong tìm được công việc thời vụ để có chi phí trả tiền thuê trọ những tháng cuối năm và có tiền về quê đón Tết cùng gia đình.

Còn chị Lê Thị Mai Liên (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cũng chật vật tìm việc trong 6 tháng qua. Dù bản thân có kinh nghiệm làm nghề may mặc song việc cách biệt tuổi tác đã trở thành rào cản lớn với chị.

“Tôi đã tìm hiểu thông tin tuyển dụng ở nhiều DN nhưng các vị trí cần tuyển đều đòi hỏi cao và mức lương khởi đầu khá thấp. Cơ hội việc làm hạn hẹp khiến tôi khá lận đận trên con đường tìm việc làm mới. Hy vọng qua năm tới, việc tuyển lao động sẽ khởi sắc hơn” - chị Liên bộc bạch.

Theo Bộ LĐ-TBXH, quý III-2023, cả nước có gần 941 ngàn người trong độ tuổi làm việc bị thiếu việc làm, hơn 1 triệu người thất nghiệp, tăng hơn 6 ngàn người so với quý II. Trong đó, những ngành bị sụt giảm việc làm lớn nhất là: xây dựng; giáo dục - đào tạo; y tế; kinh doanh bất động sản, may mặc, giày da… Việc ổn định thị trường lao động, giải quyết việc làm cho NLĐ là vấn đề cấp thiết và cần có cơ chế, chính sách đảm bảo việc làm bền vững cho NLĐ trong thời gian tới.

Tại Đồng Nai, mặc dù số lượng NLĐ bị mất việc không nhiều so với một số tỉnh, thành lân cận nhưng việc NLĐ bị giảm giờ làm, giảm thu nhập và cuộc sống xa quê không đảm bảo buộc nhiều người chọn nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội 1 lần hoặc tìm công việc mới. Song để có thể tìm công việc ổn định thời điểm này là thử thách với NLĐ, bởi việc tuyển lao động không ồ ạt như những năm trước.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202311/venh-cung-cau-thi-truong-lao-dong-4f85da3/