Vest, điện và ứng xử

Vì mặc vest, và lớn hơn, vì sự mặc nhiên với nỗi lo thiếu điện nên nhiều người đã ứng xử với nguồn năng lượng đặc biệt quan trọng này một cách rất vô cảm.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Mấy hôm nay trên mạng xã hội ồn ào quanh chuyện UBND TP Hồ Chí Minh gửi công văn cho các sở, ngành, quận, huyện về đẩy mạnh tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định trên địa bàn thành phố, trong đó đề nghị cán bộ hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng khi làm việc, dự họp.

Ý kiến ủng hộ có, bài xích cũng có. Việc này không lạ, bởi trước mỗi sự việc, vấn đề hay quyết định nhạy cảm nào đó thường thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, đây là nội dung rất thực tế trong bối cảnh hiện nay, thay vì chế giễu, phải cổ xúy, ủng hộ mới đúng chứ. Trang phục lịch lãm cũng cần, nhưng điện còn quan trọng hơn. Bởi, thử hỏi nếu như nguồn tài nguyên quan trọng này không đủ cung cấp cho đời sống và sản xuất, thì điều gì sẽ xảy ra? Chỉ một giờ chất lượng điện sụt giảm đã có rất nhiều người phàn nàn. Một giờ mất điện thì thêm nhiều người khác bức xúc, sản xuất ngưng trệ. Thế nhưng khi đưa ra những giải pháp để góp phần tiết kiệm điện, nâng cao chất lượng nguồn điện, thì lại có những ý kiến không đồng tình, dè bỉu.

Nhiều khách hàng thường đặt mình vào vai “thượng đế” và cho mình quyền được phán xét, họ có thể nói bất cứ điều gì, mà không hề nghĩ đến trách nhiệm, nghĩa vụ của mình tới đâu, như thế nào. Nghĩa là những điều mà bên cung cấp dịch vụ hoặc cơ quan có trách nhiệm đưa ra, nếu như cảm thấy không vừa mắt, vừa tai, đều có thể phản ứng, đôi khi rất gay gắt.

Mới đầu mùa hè mà chất lượng nguồn điện đã không ổn định, nhiều nơi quá tải. Góp phần vào việc ấy là bởi những thiết bị điện ở nhiều công sở đang phải vắt sức để hoạt động phục vụ những sự kiện, những cán bộ, trong đó có những người diện vest và trang phục quá dày.

Diện vest trong ngày nắng nóng làm tiêu tốn điện nhiều hơn là một cách nói, nhằm khuyến nghị người sử dụng thay đổi ý thức dùng điện tiết kiệm hơn. Hiện nay đang có một tỷ lệ lớn nhân viên công sở thường dùng các thiết bị điện hết công suất, mà lẽ ra ở những khung giờ đầu sáng và cuối chiều nhiệt độ không quá nóng, thì những thiết bị điện cũng không cần thiết phải vận hành đến mức hết cỡ như thế. Vì mặc vest, và lớn hơn, vì sự mặc nhiên với nỗi lo thiếu điện nên nhiều người đã ứng xử với nguồn năng lượng đặc biệt quan trọng này một cách rất vô cảm. Bật và bật. Những thiết bị điện bị bật bất cứ lúc nào, công suất cũng luôn hết cỡ bởi trong đầu người bật hóa đơn tiền điện là thứ rất xa xôi, có vẻ như chả hề liên quan gì đến họ cả.

Dù đã rất nỗ lực nhưng sản lượng điện trong nước vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa, mỗi năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu hàng tỷ kW điện. Cùng với đó, nguyên liệu đầu vào dùng cho sản xuất điện ngày càng đắt đỏ khiến giá bán lẻ điện cũng tăng lên gần đây, cứa vào hầu bao của người phải trả tiền. Sức nóng của điện năm 2023 dự báo sẽ tăng mạnh cùng với việc tăng nhiệt độ. Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, năm 2023 nắng nóng sẽ gay gắt và kéo dài hơn năm 2022, đồng nghĩa với việc nhu cầu về điện sẽ lớn hơn nhiều. Theo kế hoạch cung cấp, vận hành hệ thống điện do Bộ Công Thương phê duyệt mới đây, năm 2023 tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu là 284,5 tỷ kWh, cao hơn 16 tỷ kWh so với 2022 và trên 29 tỷ kWh so với 2021.

Liên quan đến câu chuyện tiết kiệm điện, từ năm 2008 Tổng Thư ký Liên hợp quốc (UN) Ban Ki-moon đã đưa ra sáng kiến “Cool UN”, tòa nhà trung tâm được thử tăng nhiệt độ điều hòa không khí từ 22,2 độ C lên 25 độ C và từ 21,1 độ C đến 23,9 độ C trong phòng đại hội đồng. Nhân viên được khuyến khích dùng trang phục giản dị nhưng lịch sự, trừ khi tiếp khách và dự họp quan trọng. Sáng kiến này sau đó được nhiều quốc gia hưởng ứng, trong đó có những nền kinh tế mạnh và được mệnh danh là lịch lãm trong việc mặc như là Nhật Bản.

Khi mà nhu cầu điện ngày càng lớn, nguy cơ thiếu hụt điện càng trở nên báo động, đe dọa đến an ninh năng lượng quốc gia, thì học cách tiết kiệm điện bằng sự kêu gọi rất thực tế như thế, lẽ ra phải được hoan nghênh, nhân rộng, thì lại đi chế giễu là điều hoàn toàn không nên. Có thể xem đó như một sự nhận thức và cách ứng xử không được hoan nghênh hay không?

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/vest-dien-va-ung-xu/186455.htm