'Vết nứt' trong mặt trận đối đầu Nga của phương Tây
Phương Tây ngày càng chia rẽ về việc có nên tiếp tục cung cấp vũ khí uy lực hơn tới Ukraine. Một số quốc gia trong đó lo ngại điều này có thể khiến xung đột kéo dài.
Các vết nứt đang xuất hiện trên mặt trận đối đầu với Nga của phương Tây, khi nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ ngày càng chia rẽ về việc có nên tiếp tục vận chuyển vũ khí uy lực hơn tới Ukraine. Nhiều quốc gia trong số họ lo ngại điều đó có thể khiến xung đột kéo dài và làm gia tăng tình trạng suy thoái kinh tế, theo Wall Street Journal.
Trọng tâm của mối bất đồng là những quan điểm khác nhau liên quan đến mối đe dọa lâu dài từ Nga và liệu Ukraine có thể thực sự thắng thế trên thực địa.
Cách tiếp cận khác biệt
Khối thứ nhất, do Pháp và Đức dẫn đầu, đang ngày càng lưỡng lự về việc cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tấn công tầm xa. Đây là những vũ khí Kyiv cần để giành lại khu vực đã rơi vào tay Nga ở phía nam và phía đông đất nước. Khối này cũng nghi ngờ việc Nga sẽ đe dọa trực tiếp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ở khối bên kia, Washington, London và một nhóm quốc gia chủ yếu là Trung và Bắc Âu coi cuộc tấn công của Nga là dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Moscow.
Sự khác biệt giữa hai nhóm đang được thể hiện rõ ràng hơn trong tuần qua, khi lãnh đạo các nước trong Liên minh châu Âu họp về Ukraine. Các quan chức châu Âu cho biết sự khác biệt đó đã nổi lên trong những tuần gần đây, khi Ukraine thất thế ở khu vực Donbas.
Nhìn chung, các nước châu Âu có thể thống nhất các biện pháp cô lập nền kinh tế Nga, vốn không thể tưởng tượng trước đây, trong đó có lệnh cấm vận đối với phần lớn dầu thô từ Nga. Tuy nhiên, họ đang có ý kiến chia rẽ về rủi ro của cuộc xung đột và cơ hội của Ukraine.
Các tuyên bố công khai của nhà lãnh đạo Pháp và Đức, cũng như bình luận của giới chức nước này, cho thấy họ hoài nghi việc Kyiv có thể thắng lợi. Họ đã kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn, khiến Ukraine phàn nàn việc nước này bị thúc đẩy nhượng bộ.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo ở các nước Baltic, Ba Lan và nhiều quốc gia khác lập luận rằng việc cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine là điều quan trọng để giúp họ kháng cự và đảo ngược các bước tiến của Nga.
Bên cạnh đó, một số quốc gia Tây Âu đang không muốn duy trì một cuộc xung đột mà họ cho là không thể thắng được. Theo họ, xung đột này đang rơi vào bế tắc, làm tiêu hao tài nguyên của châu Âu và làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái đang rình rập.
Ngược lại, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic cho rằng Nga có thể là mối đe dọa đối với họ trong tương lai.
Dòng người tị nạn Ukraine đến các quốc gia này đã giúp họ hiểu rõ hơn về xung đột. Trong khi đó, đối với Đức, Áo và Italy, xung đột Ukraine chủ yếu được cảm nhận qua chi phí năng lượng tăng cao hơn.
Hoài nghi
Không giống như lãnh đạo của Anh, Ba Lan, các quốc gia Baltic và một số nước Trung Âu, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức vẫn chưa đến thăm Kyiv. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần cảnh báo rằng cuộc xung đột này có thể dẫn đến Thế chiến III và thảm họa hạt nhân.
Đức đã không gửi xe tăng đến Ukraine và đồng ý cung cấp 7 khẩu pháo hạng nặng. Theo ước tính của chính phủ Đức, cho đến nay, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã gửi viện trợ quân sự trị giá khoảng 200 triệu euro (khoảng 214 triệu USD) cho Ukraine. Con số đó vẫn ít hơn Estonia, quốc gia có chỉ hơn một triệu dân.
Pháp đã gửi 12 lựu pháo tới Kyiv và không có xe tăng hay hệ thống phòng không nào.
Trong khi đó, Ba Lan đã chuyển giao hơn 240 xe tăng T72 cho Ukraine, cùng với máy bay không người lái, bệ phóng tên lửa, hàng chục xe chiến đấu bộ binh và xe tải chở đạn. Cộng hòa Czech đã cung cấp trực thăng vũ trang, xe tăng và những thiết bị giúp duy trì hoạt động của không quân Ukraine.
Các công dân ở Lithuania và Cộng hòa Czech đã quyên góp hàng chục triệu euro để mua máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và vũ khí cho Ukraine.
“Chúng tôi đang gửi bất cứ thứ gì có thể, bất cứ thứ gì chúng tôi có và bất cứ khi nào chúng tôi có thể”, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết.
Trong khi đó, Đức cũng vẫn chưa thay thế số xe tăng mà Ba Lan và Czech đã gửi đến Ukraine theo thỏa thuận hoán đổi giữa các nước này.
Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết điều này là do các thủ tục kéo dài, bao gồm cả việc bảo trì. Trong khi đó, một số quan chức Bộ Quốc phòng nước này đã chỉ trích việc thiếu ý chí chính trị để hành động nhanh chóng hơn.
Khoảng 70% người Đức ủng hộ chính sách thận trọng của ông Scholz, theo một cuộc thăm dò của Forsa từ đầu tháng 5. Cuộc khảo sát cho thấy 46% người Đức lo ngại việc giao vũ khí hạng nặng sẽ làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine.
Các cuộc thăm dò khác cũng cho thấy sự nghi ngờ tương tự ở Italy và Pháp. Các quan chức Pháp và Đức bác bỏ cáo buộc rằng họ làm quá ít hoặc đang thúc đẩy ông Zelensky nhượng bộ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ông Scholz từng nhiều lần khẳng định Kyiv sẽ có thể quyết định các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vet-nut-trong-mat-tran-doi-dau-nga-cua-phuong-tay-post1322579.html