Vết thương in bóng hình người đẹp
Khoảng dăm năm trở lại đây, thơ Việt đương đại có thêm một giọng nữ mới. Đó là Tạ Anh Thư, hiện đang sống và làm việc tại Bình Dương. Sau tập thơ đầu tay 'Người lạ' (NXB Thanh niên, 2017), Tạ Anh Thư tiếp tục khẳng định phong cách thơ qua tập thứ hai: 'Người có sẵn lòng mang vết thương' (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2018).
Ở tập thơ mới gồm 56 bài này, ngoài sự vững vàng về bút pháp, còn là sự dụng công nghệ thuật cũng như việc mở rộng của phạm vi đề tài.
Ngay từ tên tập thơ đã gieo vào lòng ta một nỗi bâng khuâng, một khát vọng chia sẻ, một cách giãi bày như muốn mở lòng mình và chờ đợi. Có thể hiểu người làm thơ nói với người mình yêu, mà cũng có thể hiểu nữ sĩ đang nói với mỗi độc giả của mình: “Người biết đấy trần gian tất bật/ Người ấp ôm những chuyện phi thường/ Roi đời vốn chẳng nương kẻ mộng/ Người có sẵn lòng mang vết thương”.
Một bài thơ rồi cho đến nhiều bài thơ, viết ra được đón nhận, tìm được những tri kỷ trong cõi nhân gian, người viết còn mong gì hơn thế nữa. Người làm thơ vốn dĩ đã mang một trái tim nhạy cảm và rất dễ tổn thương: “Nàng dịu dàng/ Chạm những vết thương tôi đang mang/ Bằng những ngón tay có màu bạch trà/ Những ngón tay hay là những cánh hoa/ Tôi cũng không biết nữa” (Ngủ mơ). Vậy là vết thương còn đến trong những bài thơ khác của Tạ Anh Thư, hiện vào cả giấc mơ.
Tất cả mọi người phụ nữ trong thơ Tạ Anh Thư đều đẹp. Những vẻ đẹp ấy, đa số nằm trong sự chờ đợi thao thiết, mong ngóng khắc khoải về một tình yêu chưa thành. Vẻ đẹp ấy mang trong mình nhiều trống vắng và thổn thức: “Em đứng đợi anh, tựa cửa/ Ngoài kia mây trôi em trôi/ Giá mà dửng dưng hơn nữa/ Để đau cho đến hết đời” (Em đứng đợi anh, tựa cửa), “Thành phố này/ Một ngày chỉ còn em và mây/ Anh đã đi đâu đó” (Thành phố này), “Bàn tay trần/ Cả những lúc trong mơ/ không kiếm tìm của cải/ bàn tay/ chỉ tìm tay anh mãi/ để/ trong tay” (Bàn tay trần).
Vẻ đẹp ấy cao sang mà lặng lẽ, cô đơn: “Nàng đặt một bông hồng vàng lên cửa sổ/ chiều lặn dần/ sau những hàng cây/ nàng đặt một bông hồng vàng lên cửa sổ/ có một người/ chân đã bước từ đây” (Nàng đặt một bông hồng vàng lên cửa sổ).
Vẻ đẹp ấy có khi buồn tủi: “Thôi thương em/ Anh đừng trú thêm trong óc trong tim/ khổ thân em cứ đi tìm/ bọn chữ cái lặng im/ mà em/ không thể nhớ gì thêm/ Một cơn mưa buồn chưa được gọi tên/ đợi mãi” (Gọi tên một cơn mưa buồn). Nếu có chút ít hạnh phúc thì hạnh phúc cũng thường qua mau và đan xen nhiều xa xót: Một sớm mai/ Trên gương mặt em/ Không còn giọt mưa đêm/ Chỉ còn bồng bềnh biển cả/ Mình đã cùng nhau đi qua những ngày này/ thiết tha và nhiều đau đớn quá/ đủ cho trời đầy mây/ đủ buông một vòng tay (Về em).
Những đợi chờ của người phụ nữ trong thơ Tạ Anh Thư có khi đầy rạo rực, đam mê, ẩn chứa khát khao giao cảm cháy bỏng: “Trốn vào em/ Một vũ trụ khác mà anh chưa từng biết/ Chẳng có vụ nổ nào/ Chẳng có trăng và sao/ Càng không có lỗ đen/ Để mà mất hút (…) Có gì đâu mà anh sợ/ Em làm bằng nguyên sơ/ Để đợi những bất ngờ/ anh/ nhào nặn” (Có gì đâu mà anh sợ).
Tập thơ còn có ba bài với lời đề tặng dành riêng cho những người nữ. Đó là các bài “Yêu hoa vì hoa sẽ tàn” (Tặng Trang K), “Cứ thơ như em thơ” (Tặng nàng Quỳnh Scarlett) và “Rừng đêm” (Viết cho Tricia Nguyễn).
Ba bài, mỗi bài là một vẻ đẹp khác nhau của người nữ. Bài thì buồn thương lộng lẫy, bài thì trong trẻo ngây thơ, bài thì bao dung che chở. Tựu trung lại, hết thảy đều là những tụng ca về một vẻ đẹp mang tính bản thể và muôn đời: “Thở đi/ Em có nghe lá thầm thì/ Từ trong sâu thẳm của cành của cội/ Rễ ta bám vào bóng tối/ Đỡ lấy những giờ sám hối/tái sinh” (Rừng đêm).
Như trên đã nói, thơ Tạ Anh Thư không chỉ có tình yêu đôi lứa. Cô thương những hàng cây của thành phố nay đã không còn: “Chúng mình không còn ở đấy nữa/ mà bài ca/ sao cứ thương mãi con chim sẻ nâu ngơ ngác/ chiếc tổ bé xinh tan tác/ cánh chim lưu vong/ vòm trời” (Sao mình yêu mà lại phải lặng thinh).
Tạ Anh Thư viết về những người lính đã nằm xuống bằng một cách rất riêng. Với cô, họ vẫn mãi thuộc về tuổi trẻ và tình yêu, vẫn đầy những giao cảm với đời sống, với những người thiếu nữ mà cô đem chính mình ra để làm một xác tín: “Còn âm thanh đại bác vang rền/ Hay là màu hỏa châu đêm đêm/ Em hãy để gió mang đi xa thêm/ Đến một nơi không còn ai nhớ/ Anh không muốn trong những cơn mơ/ Có thêm một người mẹ già nức nở/ Hãy vẫy chiếc khăn màu xanh khi em đến/ Trước nấm mồ vô danh/ Như một lời chào, cho riêng anh” (Hãy vẫy chiếc khăn màu xanh khi em đến).
Chưa dừng lại ở đó, điều ngạc nhiên lớn nhất của tôi với tập thơ này nằm ở bài lục bát duy nhất của tập mang tên “Tôi nhìn tôi của ngày sau”. Tác giả diễn đạt một ý niệm triết học về thời gian bằng thể thơ nhuần nhị, mềm mại mang đậm điệu hồn dân tộc làm người đọc phải ngỡ ngàng: “Chào người – tôi của ngày sau/ Vì sao ta lại gặp nhau chốn này?/ Người từ đâu đến ngồi đây/ Hay là tạo hóa sắp bày thấy nhau (…) Một hôm tôi sẽ bạc đầu/ Dẫu tha thiết mấy cũng đâu nghĩa gì/ Tao phùng rồi lại phân ly/ Trên đầu mây trắng có gì của tôi/ Người nghe tôi nói chỉ cười/ Thoắt rồi còn lại bóng người xa xôi/ Ở trên sườn núi tôi ngồi/ Hát xong bài hát rong chơi tôi về”.
Trong một chiều sâu khác, bài “Nguyên thần” sẽ đọng lại trong mỗi chúng ta nhiều suy tư. Nữ sĩ đi tìm và đối thoại với bản thể tinh thần thiêng liêng của mình, ngập tràn những vô định, lãng du và cảm xúc thăng hoa. Nhưng sau hết, chẳng bao giờ chúng ta có thể hiểu hết chính mình: “Nguyên thần của tôi/ Người đi đâu rồi?/ Hãy tìm tôi/ Dưới những cành hồng trĩu quả/ Lần cuối nàng qua đây/ Chúng đang còn nhú lá/ Nguyên thần của tôi/ Người đi đâu rồi?/ Hãy tìm tôi/ Ở nơi mỏm đá/ Nàng để quên tiếng mình/ Một buổi chiều vội vã/ Nguyên thần của tôi/ Người đi đâu rồi?/ Hãy tìm tôi/ Nơi nàng đánh rơi/ Giọt nước mắt chói ngời/ Vào giếng nguồn xa lạ/ Tôi chẳng đi đâu cả/ Chỉ có nàng/ Mải nhìn xa quá/ Nên thành kẻ lạ/ Với tôi”.
Tạ Anh Thư khá có duyên với những thể thơ ngắn, từ bốn đến sáu chữ. Bên cạnh những bài thơ mang tính định đề, triết luận như “Không cần được yêu mến, Đừng đổ thừa vì con, Giả lập”, nhiều bài còn lại giàu nhạc tính và hình tượng: “Em đi chiều không nắng/ Hạ huyền ta đợi trăng/ Từng mùa qua sân vắng/ Ngày tháng nào ăn năn” (Hạ huyền), “Ngủ ngoan ngủ ngoan/ Nỗi buồn bé bỏng/ Mặt trăng đa đoan/ Cây sầu lẻ bóng/ Nhện giăng tơ mảnh/ Níu người muốn đi/ Ôi ngày ngắn ngủi/ Giữ sao xuân thì” (Ru).
Một điểm nhấn khác của tập là năm bài thơ văn xuôi ở phần sau cùng với các tựa đề: “Tình yêu”, “Lời khuyên”, “Nỗi buồn”, “Niềm vui”, “Trách nhiệm”. Năm đoản khúc này là những đối thoại tưởng tượng giữa gió và hoa hồng, từ đó giãi bày bao cảm xúc, suy tư về nhân sinh, kiếp người, về những chủ đề muôn đời của thi ca và cuộc sống. Có thể thấy, chất suy tưởng và tư duy triết học là điểm nổi trội ở những bài này và đó cũng là một ưu điểm của thơ Tạ Anh Thư, điều mà ta rất ít gặp ở những cây viết nữ khác.
Những đa cảm, đa đoan của hồn thơ Tạ Anh Thư để lại nhiều dư âm ngọt ngào cho người đọc… Dù cho hạnh phúc, niềm vui có ít mà mênh mang sầu muộn suy tư thì nhiều, nhưng chẳng phải nỗi buồn hay những vết thương lòng vẫn như một mặt thứ hai tất yếu của đời sống này đó sao.
Người đọc được nhận món quà thơ và thấy lòng mình rung cảm, thì chính là khi ấy, giá trị của thơ ca thêm một lần nữa được khẳng định trong đời sống. Và tôi cũng vừa kịp ghi lại xúc cảm của mình sau khi đọc xong “Người có sẵn lòng mang vết thương” của Tạ Anh Thư bằng vài vần thơ, như một sẻ chia đồng điệu: “Trời ban cho một vết thương/ Để ta đến cuối con đường tìm em/ Đợi từ ngày đợi sang đêm/ Đến khi mình lẳng lặng chìm vào mê/ Thì em bỗng đến, ô kìa/ Nhưng sao mình chẳng thể chìa tay ra/ Em ở gần, em ở xa/ Nhìn em mà ngỡ như là nhìn trăng/ Đường về mưa gió giăng giăng/ Hồn thành lá cỏ tưới bằng đêm sương/ Roi đời vốn dĩ chẳng nương/ Sẵn lòng, ta nhận vết thương vào mình...”.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/vet-thuong-in-bong-hinh-nguoi-dep-594389/