Vết xe đổ mang tên Asanzo
Trốn thuế, giả mạo nhãn hiệu, vi phạm xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng... là những sai phạm chính của hãng điện tử Asanzo đã được cơ quan chức năng chính thức kết luận. Vấn đề đặt ra là liệu có những doanh nghiệp vi phạm tương tự như 'vết xe đổ' Asanzo hay không?
Cách đây đúng 4 năm, trả lời báo chí về việc Asanzo có đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm hay không, ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Asanzo, chia sẻ: “Với việc đi sau trình độ nghiên cứu của thế giới như hiện nay, tôi nghĩ doanh nghiệp (DN) điện tử Việt Nam chưa cần thiết phải đầu tư cho R&D”.
Xem thường R&D
Ông Tam còn bày tỏ “chấp nhận hiện thực mình là kẻ đi sau, nên sẽ học hỏi, lĩnh hội tri thức của nhân loại, tạo cơ sở để cải tiến cho phù hợp với nhu cầu của người dùng, như vậy thiết thực hơn”.
Tuy nhiên, qua cuộc họp liên ngành ở Hà Nội ngày 28/10 của Tổng cục Hải quan với các bộ, ngành để công bố kết quả kiểm tra vụ việc Asanzo với một loạt sai phạm (đặc biệt là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng), có lẽ cũng cần nhắc lại quan điểm chủ quan của ông Tam trong việc đầu tư R&D đối với ngành hàng điện tử trong nước.
Chẳng hạn, hành vi của Asanzo xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu), lừa dối người tiêu dùng, như kết luận từ cơ quan chức năng là “chủ yếu lắp các bộ phận thành điều hòa, ấm đun siêu tốc… có sẵn tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh”.
Hoặc khi kiểm tra tờ khai xuất khẩu (XK) của CTCP Đầu tư công nghệ điện tử Asanzo xuất 661 tivi nhãn hiệu Asanzo khai xuất xứ Việt Nam. Thế nhưng, theo Tổng cục Hải quan, mặt hàng tivi XK mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa XK.
Nếu nhìn lại ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vốn đòi hỏi nhiều về việc nắm bắt công nghệ mới, cũng như đầu tư R&D sản phẩm, thiết kế mới thì có thể thấy rất nhiều vấn đề cần mổ xẻ từ câu chuyện Asanzo.
Đặc biệt khi hơn 95% giá trị XK của ngành này đang nằm trong tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà vấn đề R&D và đổi mới sáng tạo được cực kỳ quan tâm, xem như căn cơ góp phần tạo lợi thế cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Chia sẻ mới đây với giới DN ở Tp.HCM, bà An Mei Chen, Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Tập đoàn Qualcomm (Mỹ), cho biết mỗi năm DN này dành đến 20% tổng chi phí cho hoạt động R&D và tính đến nay đã lên tới hơn 58 tỷ USD. Riêng 5 năm trở lại, Qualcomm đã chi đến 27 tỷ USD cho R&D.
Trong khi đó, mặc dù tỷ lệ đầu tư của DN Việt Nam cho R&D có dấu hiệu gia tăng hàng năm (đạt tỷ lệ 2%) nhưng vẫn ở mức thấp trong khu vực.
Xử lý nghiêm để răn đe
Nêu ra vấn đề này để thấy rằng những sai phạm về mặt xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, lừa dối người tiêu dùng của hãng điện tử nội địa Asanzo là lẽ đương nhiên vì DN thiếu đầu tư cho R&D và bản thân người đứng đầu DN chưa nhìn nhận một cách nghiêm túc, đúng đắn về R&D.
Không những thế, người tiêu dùng ngày càng nghi ngờ những DN khác có thể có các vi phạm tương tự như vậy khi mà ngành hàng điện tử nội địa thiếu đầu tư căn cơ cho đổi mới sáng tạo.
Theo giới chuyên gia, năng lực của các DN Việt Nam trong việc đưa ra các ý tưởng mới, cho dù là sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường hoặc quy trình sản xuất mới để tăng tính cạnh tranh, là rất thấp.
Ngoài năng lực đổi mới của bản thân DN điện tử nội địa còn hạn chế, còn bao gồm sự yếu kém của tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước, thiếu các nhà khoa học và kỹ sư tham gia quá trình R&D tại các DN, thiếu liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với ngành công nghiệp điện tử trong các hoạt động R&D.
Về việc trốn thuế, qua thanh tra Asanzo, Cục Thuế Tp.HCM kiến nghị xử lý hơn 47,6 tỷ đồng, truy thu hơn 40,5 tỷ đồng, số tiền chậm nộp hơn 1,6 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 5,3 tỷ đồng.
Vi phạm trốn thuế của Asanzo được cho là có 3 hành vi rõ ràng: để ngoài sổ sách; không xuất hóa đơn giá trị gia tăng nhằm trốn thuế; mua linh kiện thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng kê khai là mua thành phẩm.
Chiêu thức trốn thuế của DN này là nhiều công ty có quan hệ với Asanzo đều do người của Asanzo đứng tên, các lãnh đạo đều là nhân viên của Asanzo, sau đó hóa đơn được lập cao hơn giá thực tế nhằm trốn nghĩa vụ thuế.
Nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm tra phát hiện những DN khác liệu có cách làm vi phạm tương tự như Asanzo? Đây chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý để khôi phục lại niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.
Đặc biệt, nếu xét thấy những sai phạm của những DN từ việc trốn thuế cho đến vi phạm về xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng đủ yếu tố hình sự thì cần xử lý nghiêm nhằm tăng tính răn đe.
Và có lẽ đã đến lúc cần có chiến dịch đặc biệt nhằm thúc đẩy tinh thần trung thực, chân chính trong sản xuất, kinh doanh cho các DN nội địa để không đi vào “vết xe đổ” như Asanzo.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/vet-xe-do-mang-ten-asanzo-1062000.html