VHC và ANV kinh doanh ngày càng kém, kỳ vọng gì cho 2024?
Quý 2/2023, Nam Việt chìm trong thua lỗ 51 tỷ đồng thì Vĩnh Hoàn cũng suy giảm 48% về còn 412 tỷ đồng lợi nhuận.
Lợi nhuận quý 2 và 6 tháng của VHC đều suy giảm mạnh
Trong 6 tháng đầu năm 2023, CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) ghi nhận doanh thu thuần 4.945 tỷ đồng, giảm 34% so cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng giảm về 19% so với mức 25% cùng kỳ.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ 2% lên 182 tỷ đồng chủ yếu từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện.
Còn chi phí tài chính giảm 8% về 140 tỷ đồng, chủ yếu do hoàn nhập gần 19 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh. Trong khi đó, lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay lần lượt từ 79-80 tỷ đồng, tương ứng tăng 56% và 104% so với cùng kỳ.
Kỳ này, VHC cắt giảm 57% chi phí bán hàng, về còn 97 tỷ đồng nhờ chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí dịch vụ mua ngoài khác giảm mạnh. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 6%, lên mức 137 tỷ đồng.
Sau cùng, lãi ròng VHC nửa đầu năm ghi nhận 631 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ.
Riêng quý 2, doanh thu thuần và lãi ròng VHC lần lượt đạt 2.724 tỷ đồng và 412 tỷ đồng, suy giảm 36% và 48% so với cùng kỳ.
So với mục tiêu doanh thu hợp nhất và lãi ròng 2023 ở mức 11.500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, VHC thực hiện được lần lượt 43% và 63% sau 6 tháng.
Tính tới cuối quý 2/2023, Vĩnh Hoàn có tổng tài sản xấp xỉ 12.170 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho ở mức 3.927, tăng 39%; phải thu ngắn hạn ở mức 2.009 tỷ đồng, giảm gần 14%.
Giá trị khoản đầu tư tài chính ngắn hạn vẫn ở mức 1.778 tỷ đồng, trong đó, có gần 175 tỷ đồng giá trị chứng khoán kinh doanh, bao gồm cổ phiếu NLG, DXS và KBC. Theo ghi nhận, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này là 124 tỷ đồng, nghĩa là VHC đang tạm lỗ gần 51 tỷ đồng, tương ứng 29% và đã trích lập dự phòng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 3.853 tỷ đồng, dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng chiếm 2.664 tỷ đồng, tăng 21%.
ANV chìm trong thua lỗ
Trong khi đó, CTCP Nam Việt (HoSE: ANV) lại ghi nhận kết quả kinh doanh bi thảm hơn nhất là trong quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 1.074 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.
Giá vốn chiếm 1.026 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, khiến cho lãi gộp ANV lao dốc 89%, xuống còn 48 tỷ đồng. Theo ANV, nguyên nhân do sức mua các nước nhập khẩu giảm, giá bán liên tục giảm mạnh, dẫn đến lãi gộp giảm như trên.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm hơn một nửa xuống còn gần 8 tỷ đồng chủ yếu do lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá cùng giảm hơn một nửa.
Chi phí tài chính lại tăng 3% khi chiếm 46 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng cao là do ảnh hưởng của các khoản vay lãi suất cao từ quý trước.
Song song đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận lần lượt 43 tỷ đồng và 23 tỷ đồng, tương ứng giảm 62% và 44% so với cùng kỳ.
Do đó, ANV lỗ ròng 51 tỷ đồng trong quý 2/2023, trong khi cùng kỳ có lãi tới 241 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu 2023, doanh thu thuần ANV đạt 2.229 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế và lãi ròng lần lượt đạt 56 tỷ đồng và 41 tỷ đồng, giảm từ 89% đến 91% so với cùng kỳ.
Như vậy, so với kế hoạch doanh thu 5.200 tỷ đồng và lãi trước thuế 300 tỷ đồng, ANV thực hiện được 43% và 19%.
Tính tới cuối quý 2, tổng tài sản ANV vẫn duy trì ở mức 5.481 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng 12% khi chiếm 2.634 tỷ đồng.
Nợ phải trả ở mức 2.498 tỷ đồng, giảm hơn 3% so với đầu năm. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 1.931 tỷ đồng, còn dài hạn là 185 tỷ đồng.
Kỳ vọng gì cho VHC và ANV trong 6 tháng cuối 2023 và 2024?
Theo báo cáo phân tích vào cuối tháng 6 vừa qua, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định ngành cá tra đang cưỡi trên con sóng phục hồi trong năm 2024 bởi nhu cầu được dự báo sẽ hồi phục ở thị trường Mỹ và Trung Quốc nửa cuối năm cũng như áp lực vận tải hạ nhiệt, hiện tượng tắc cảng đầu năm chấm dứt.
Cụ thể, lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt, tại thời điểm tháng 5/2023 chỉ số CPI của Mỹ đạt 4,05% (giảm 53% so cùng kỳ). Điều này có thể kích thích tiêu dùng tại thị trường này, bên cạnh đó vào thời điểm cuối quý 2 là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Đây là những động lực cho giá cá tra tăng tại khu vực Bắc Mỹ.
Trong tháng 2, tại thị trường Trung Quốc có hiện tượng thiếu cung cá giống và cá tra nguyên liệu do các doanh nghiệp chế biến tại thị trường này bắt đầu tăng công suất 15 – 30% so với đầu năm. Nhu cầu mua cá tra nguyên liệu chỉ hạ nhiệt nhẹ trong tháng 3 khi cầu phao tại Móng Cái sửa chữa trong 5 ngày khiến hoạt động vận chuyển bị đình trệ. Đến thời điểm 10/3, cầu phao đã được hoàn thiện, do đó, nhiều khả năng thị trường cá tra sẽ phục hồi tiếp sau tháng 4. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số CPI giảm 89% mom, GDP tăng 55% qoq là động lực cho tiêu dùng được cải thiện trong năm 2023.
Ngoài ra, hiện tượng tắc nghẽn cảng đã được giải tỏa dần từ tháng 1/2023, chỉ số GSCPI (đo lường áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng) đã giảm về mức -1,32. Tỷ lệ lấp đầy tại các cảng ở Bắc Mỹ và Bắc Âu duy trì ở mức 10-85%, không còn bị tắc nghẽn như đợt cuối năm 2022.
Giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch. Với việc nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung, việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023.
Trong bối cảnh đó, VCBS nhận định ANV và VHC là hai doanh nghiệp tiềm năng nhất của ngành.
Do đó, VCBS dự phóng doanh thu thuần năm 2023 của VHC vẫn giảm 13% về mức 11.498 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 38% về 1.255 tỷ đồng. Còn năm 2024 phục hồi lên lần lượt là 11.685 tỷ và 1.321 tỷ đồng về doanh thu và lợi nhuận.
VCBS dự báo doanh thu thuần năm 2023 của ANV giảm 20% xuống 3.919 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn tới 39% xuống 413 tỷ đồng. Sang năm 2024, hai chỉ tiêu này lần lượt ở mức 3.494 tỷ và 428 tỷ đồng.