Vì ánh sáng cộng đồng

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh Cà Mau đã phẫu thuật hơn 5 ngàn ca bệnh lý về mắt, trong đó có hơn 4,5 ngàn ca phẫu thuật Phaco, còn lại là các bệnh lý khác: mụn thịt, chấn thương... Bên cạnh đó, bệnh viện còn thực hiện nhiều dự án vì cộng đồng như khám tật khúc xạ mắt học đường, phẫu thuật lác (lé) - sụp mí, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe mắt cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận...

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Mắt – Da liễu Cà Mau đã phẫu thuật hơn 5 ngàn ca, chủ yếu là phẫu thuật Phaco (Ảnh chụp tại Bệnh viện Mắt – Da liễu Cà Mau - LÊ TUẤN).

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Mắt – Da liễu Cà Mau đã phẫu thuật hơn 5 ngàn ca, chủ yếu là phẫu thuật Phaco (Ảnh chụp tại Bệnh viện Mắt – Da liễu Cà Mau - LÊ TUẤN).

Bác sĩ CKII Huỳnh Trung Lâm, Giám đốc Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh, chia sẻ: “Ðôi mắt là vô giá, mang đến đôi mắt sáng - khỏe cho cộng đồng là sứ mệnh của chúng tôi. Chúng tôi luôn ưu tiên nâng cao tay nghề, chất lượng đội ngũ nhân sự, đồng thời cập nhật các công nghệ - kỹ thuật hiện đại, nỗ lực mang đến nhiều giá trị và lan tỏa thông điệp bảo vệ mắt cho mọi người dân”.

Bệnh viện Mắt - Da liễu hiện nay đã trở thành địa chỉ tin cậy của hàng trăm ngàn bệnh nhân trong và ngoài tỉnh, không chỉ phục vụ tốt người bệnh tại viện mà còn có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực với mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đôi mắt cho cộng đồng.

Ðơn cử như Tổ chức The Eye Care Foundation (ECF) của Hà Lan đã đồng hành với Cà Mau gần 20 năm và sẽ đồng hành tiếp đến năm 2030. Riêng đối với Bệnh viện Mắt - Da liễu, ECF đã đồng hành từ những ngày đầu thành lập, hỗ trợ nâng chất lượng khám chữa bệnh thông qua việc tài trợ các trang thiết bị y tế chăm sóc mắt. Ðặc biệt, cuối tháng 8 vừa qua, được sự kết nối của ECF, Công ty Servier Việt Nam đã tài trợ hơn 340 triệu đồng hỗ trợ trang thiết bị cho bệnh viện. Bên cạnh đó, ECF còn hỗ trợ đào tạo chuyên môn khúc xạ cho nhân viên y tế trong bệnh viện, từ đó góp phần cho công tác phối hợp giữa bệnh viện với ECF trong việc tập huấn về khúc xạ cho thầy cô giáo tại các điểm trường, nhân viên y tế tại các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt.

Cũng trong năm 2024 này, từ Dự án "Tiếp cận toàn diện để cải thiện thị lực tại tỉnh Cà Mau" do Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan tài trợ, Bệnh viện Mắt - Da liễu phối hợp với Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, cùng đoàn y bác sĩ là các chuyên gia đến từ các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khám sàng lọc sụp mí, lé cho trẻ dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, đã khám sàng lọc cho 180 trẻ và phẫu thuật cho 42 trẻ (lé 23 trẻ, sụp mí 19 trẻ). Ðây là lần đầu tiên chương trình thực hiện tại Cà Mau, hoàn toàn miễn phí. Chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, giúp trẻ phục hồi thị lực, tìm lại niềm vui và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong năm 2024, đã có 42 trẻ bị bệnh về mắt (lé 23 trẻ, sụp mí 19 trẻ) được các chuyên gia trực tiếp tiến hành phẫu thuật tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Chỉ tính riêng trong tháng 9, khi năm học mới 2024-2025 vừa mới bắt đầu, bệnh viện đã tổ chức khám tật khúc xạ cho học sinh các trường tiểu học và THCS tại các huyện: Thới Bình, U Minh, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Cái Nước, TP Cà Mau... và đã cấp khoảng 500 kính mắt cho các em học sinh. Trong quý IV này, bệnh viện tiếp tục tổ chức tại các điểm trường ở các huyện còn lại và dự kiến cấp thêm khoảng 500 kính mắt.

Lớp tập huấn chăm sóc mắt ban đầu cho y tế học đường tại TP Cà Mau diễn ra ngày 16/8 vừa qua.

Lớp tập huấn chăm sóc mắt ban đầu cho y tế học đường tại TP Cà Mau diễn ra ngày 16/8 vừa qua.

Ðặc biệt, từ ngày 15-17/10 tới đây, Giám đốc Ðiều hành và Quản lý thông tin dự án và gây quỹ Tổ chức từ Văn phòng ECF Hà Lan sẽ có chuyến thăm thực địa hoạt động Dự án “Tiếp cận toàn diện để cải thiện thị lực tại tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2025”. Bà Lương Thị Quỳnh Lan, Trưởng đại diện Tổ chức ECF Việt Nam, chia sẻ, chuyến thăm này với mục đích tìm hiểu, đánh giá hiệu quả thực hiện hoạt động Dự án ECF cũng như trao đổi về những chiến lược hoạt động tại tỉnh. “Hy vọng ECF sẽ tiếp tục cùng đồng hành với Cà Mau, trong đó có Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau trong thời gian tới để hỗ trợ nhiều hơn nữa trang thiết bị cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ trong lĩnh vực chăm sóc mắt, nhất là đối với các em học sinh và trẻ nhỏ về các bệnh lý tật khúc xạ, lé - sụp mí...”.

Bác sĩ Huỳnh Trung Lâm phấn khởi, cùng thời điểm với chuyến thăm của đại diện ECF trong tháng 10, bệnh viện còn được đón tiếp Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh khảo sát hiệu quả “Dự án trang bị thiết bị y tế cho Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh Cà Mau” năm 2020.

“Những hỗ trợ quý báu của ECF và các tổ chức phi chính phủ đã giúp bệnh viện cải thiện, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất; nâng cao tay nghề y, bác sĩ; giúp chúng tôi thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ khám chữa bệnh đối với người dân tỉnh nhà và các vùng lân cận, nhất là trong công tác chăm sóc mắt cộng đồng”, Bác sĩ Huỳnh Trung Lâm bày tỏ.

Ðội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau tiếp nhận trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc mắt từ sự kết nối của Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan, Công ty Servier Việt Nam tài trợ.

Ðội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau tiếp nhận trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc mắt từ sự kết nối của Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan, Công ty Servier Việt Nam tài trợ.

Hết lòng giúp bệnh nhân bị bệnh mắt tìm được ánh sáng, thời gian qua, hoạt động nội viện cũng đã triển khai nhiều chương trình ý nghĩa từ sự hỗ trợ, đồng hành của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cà Mau và các mạnh thường quân, nhà hảo tâm chăm sóc cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, đối với bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn, công ty chi hỗ trợ 1 triệu đồng/người, tính từ đầu năm đến nay tổng kinh phí hỗ trợ trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn có nhiều tổ chức khác cũng hỗ trợ nguồn quỹ tương tự để kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn cho người bệnh, với tổng chi phí hơn 100 triệu đồng.

“Bất kỳ bệnh nhân nào khi gặp khó khăn, các phòng khoa tiếp nhận sẽ lập danh sách trình Ban Giám đốc. Trường hợp cần giúp đỡ, chúng tôi sẽ trích quỹ an sinh xã hội, hoặc cần các nguồn hỗ trợ nhiều hơn thì sẽ có sự đồng hành của nhiều mạnh thường quân”, Bác sĩ Huỳnh Trung Lâm tâm tình.

Clip: Lê Tuấn

Theo Bác sĩ Lâm, sắp tới bệnh viện sẽ thành lập chuyên khoa điều trị bệnh võng mạc tiểu đường do biến chứng tiểu đường dẫn đến xuất huyết võng mạc, góp phần giảm bớt khó khăn, chi phí điều trị cho bệnh nhân không phải đi tuyến trên. Về da liễu, sẽ có chuyên khoa chăm sóc da, thẩm mỹ, đặc biệt là tiếp nối chương trình nhân văn từ thời Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội Cà Mau đã làm, đó là đồng hành cùng bệnh nhân phong Cà Mau với việc kết nối hỗ trợ lắp chân giả cho bệnh nhân phong tại tỉnh (trong năm 2024 đã lắp 20 chân giả miễn phí). Song song đó, tiếp tục phối hợp tổ chức các đợt khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân phong mới và bệnh da liễu, cũng như cấp thuốc miễn phí, tư vấn cách phòng tránh một số bệnh phong, da liễu hay gặp cho người dân trên địa bàn tỉnh./.

Băng Thanh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/vi-anh-sang-cong-dong-a34814.html